Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Tấn Phúc - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Gan là cơ quan chính để thanh lọc độc tố, chuyển hóa thức ăn và dự trữ nhiên liệu dưới nhiều dạng khác nhau. Tất cả mọi thứ chúng ta ăn hoặc uống, kể cả thuốc, đều đi qua gan. Một thực trạng cho thấy lá gan người Việt đang phải làm việc quá sức và không được bảo vệ đúng cách.
1. Chức năng của gan
Gan có kích thước của một quả bóng, nằm ngay vị trí hạ sườn phải. Gan có rất nhiều chức năng quan trọng, như làm sạch máu bằng cách lọc các chất có hại mà cơ thể tạo ra, gan cũng sản xuất dịch mật, giúp phân huỷ chất béo từ thức ăn, không những thế, gan còn dự trữ chất đường gọi là glucose, là nguồn dự trữ năng lượng khẩn cấp của cơ thể.
2. Các vấn đề thường gặp ở gan
2.1 Nhiễm trùng
Kí sinh trùng và vi rút có thể tấn công vào gan, gây viêm và giảm chức năng gan. Các loại vi rút gây tổn thương gan có thể lây truyền qua máu, tinh dịch, thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, hay tiếp xúc gần với người mang nguồn bệnh. Phổ biến nhất là:
- Viêm gan vi rút A
- Viêm gan vi rút B
- Viêm gan vi rút C
2.2 Bất thường của hệ miễn dịch
Một số bệnh lí xảy ra khi hệ miễn dịch quay ngược tấn công vào một số bộ phận của cơ thể (bệnh tự miễn) có thể gây ảnh hưởng xấu đến gan, bao gồm:
- Viêm gan tự miễn
- Xơ gan ứ mật nguyên phát
- Viêm xơ chai đường mật nguyên phát
2.3 Gen di truyền
Các bất thường về gen di truyền từ một hoặc cả bố lẫn mẹ có thể khiến các chất khác nhau tích tụ trong gan, dẫn đến tổn thương gan. Bệnh gan di truyền bao gồm:
- Ứ đọng sắc tố sắt
- Tăng oxalat niệu và nhiễm độc oxalat
- Bệnh Wilson
- Thiếu men alpha-1 antitrypsin
2.4 Ung thư và các bệnh lí tiến triển bất thường khác
- Ung thư gan
- Ung thư đường mật
- U tuyến gan
Thêm vào đó, các nguyên nhân phổ biến gây bệnh gan bao gồm:
- Lạm dụng rượu trong thời gian dài
- Mỡ tụ trong gan (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu)
2.5 Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan bao gồm:
- Lạm dụng rượu
- Sử dụng chung kim tiêm
- Xăm mình hoặc xỏ khuyên
- Truyền máu không an toàn
- Phơi nhiễm với máu hoặc dịch tiết từ người có nguy cơ
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Phơi nhiễm với một số hoá chất hoặc chất độc hại
- Tiểu đường
- Béo phì
Không có gì khó khăn trong việc giữ lá gan khỏe mạnh, điều chúng ta cần làm là có lối sống lành mạnh, tránh xa các yếu tố gây hại hơn là ăn hoặc uống các món ăn hoặc thuốc thang được cho là bổ dưỡng cho gan.
3. Làm thế nào để bảo vệ lá gan của bạn?
Sau đây là những điều chúng ta nên làm để có lá gan khỏe mạnh:
- Không uống nhiều bia rượu
Cồn phá hoại tế bào gan gây sưng hay sẹo gan, có thể tiến triển thành chai gan, đe dọa tới tính mạng. Vậy uống bia rượu bao nhiêu là đủ? Chính phủ Hoa Kì khuyến cáo nam giới chỉ nên uống không quá 2 li một ngày và đối với nữ giới chỉ một là đủ.
- Chế độ ăn lành mạnh và tập luyện thường xuyên
Giữ cân nặng chuẩn sẽ ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Chế độ ăn lành mạnh khiến gan không phải làm việc quá tải để loại bỏ các chất có hại.
- Cẩn trọng với một số loại thuốc
Một số loại thuốc điều trị mỡ máu có thể có tác dụng phụ lên gan. Đặc biệt uống paracetamol quá liều có thể gây tổn thương gan. Paracetamol rất phổ biến và có trong thành phần của hàng trăm loại thuốc như thuốc cảm hoặc thuốc giảm đau có kê đơn. Một số loại thuốc hại cho gan nếu được uống chung với rượu, hoặc có một số loại gây hại khi kết hợp với các loại thuốc khác. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ để đảm bảo bạn đang uống thuốc một cách an toàn nhất.-
- Phòng tránh viêm gan do vi rút
Có rất nhiều loại vi rút gây viêm gan, viêm gan vi rút tàn phá gan một cách nghiêm trọng. Vi rút viêm gan A lây qua đường ăn uống. Vi rút viêm gan B và C lây qua đường máu và dịch tiết cơ thể. Hãy tiêm chủng vắc xin đầy đủ, không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc kim tiêm. Hạn chế số lượng bạn tình và luôn sử dụng bao cao su.
- Kiểm tra viêm gan do vi rút
Thường thì viêm gan do vi rút không gây bất kì triệu chứng nào, nên bạn có thể đã mắc trong một thời gian dài nhiều năm mà không hay biết. Bạn có thể khám bác sĩ để được chỉ định làm xét nghiệm nếu nghi ngờ có tiếp xúc với nguồn lây, hoặc kiểm tra thường xuyên mỗi 6 tháng hay 1 năm.
- Không chạm hay ngửi các chất độc hại
Một số loại hoá chất tẩy rửa, sản phẩm có dạng bình xịt và thuốc diệt côn trùng có chứa các chất hoá học có thể gây hại cho gan. Hãy tránh tiếp xúc trực tiếp với các chất này bằng cách mang đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang,... chất gây nghiện trong thuốc lá cũng tàn phá gan, vậy nên đừng hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động.
- Thận trọng khi dùng thảo dược và thực phẩm chức năng
Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng, thuốc bổ có thể gây hại cho gan, ví dụ như cây cascara, chaparral, liên mộc, kava, ma hoàng. Những năm gần đây, một số loại thảo dược và thực phẩm được ca ngợi có khả năng tái tạo gan, bao gồm: cây kế sữa, borotutu bark, diệp hạ châu. Tuy nhiên hãy thận trọng, vì cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng có giá trị cao cho thấy các loại cây này thực sự có tác dụng tăng sức khoẻ gan.
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Sàng lọc Gan mật, giúp phát hiện virus viêm gan ở giai đoạn sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng. Ngoài ra, Gói sàng lọc gan mật toàn diện giúp khách hàng:
- Đánh giá khả năng làm việc của gan thông qua các xét nghiệm men gan;
- Đánh giá chức năng mật; dinh dưỡng lòng mạch;
- Tầm soát sớm ung thư gan;
- Thực hiện các xét nghiệm như: tổng phân tích tế bào máu, khả năng đông máu, sàng lọc viêm gan B,C;
- Đánh giá trạng thái gan mật qua hình ảnh siêu âm và các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng gây ra bệnh gan/làm bệnh gan nặng hơn.
- Phân tích sâu các thông số đánh giá chức năng gan mật thông qua xét nghiệm, cận lâm sàng; các nguy cơ ảnh hưởng đến gan và tầm soát sớm ung thư gan mật.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com; Mayoclinic.org