Làm sao phát hiện sớm nguy cơ tiểu đường ở trẻ em?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Nam - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Tiểu đường là bệnh ngày càng trở nên phổ biến. Tiểu đường ở trẻ em dẫn đến rất nhiều hệ quả cho sức khỏe. Việc sàng lọc tiểu đường ở trẻ em có vai trò quan trọng trong sàng lọc, phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh tiểu đường là gì ?

Tiểu đường là bệnh mạn tính, nguyên nhân gây ra là do rối loạn quá trình sử dụng và tích trữ đường, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Tiểu đường là bệnh không có khả năng lây nhiễm. Bệnh tiểu đường có 2 tuýp:

  • Type 1: Xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân trẻ tuổi. Tiểu đường type 1 ở trẻ em đa phần không có biểu hiện rõ trong giai đoạn đầu nên thường được phát hiện muộn.
  • Type 2: Gặp chủ yếu ở người cao tuổi, thừa cân béo phì.

2. Nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường ở trẻ em

Nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường ở trẻ em là do thiếu hụt insulin (tụy sản xuất) đối với type 1 và khiếm khuyết tác động của insulin type 2. Khi thiếu hụt insulin thì glucose không vào được trong tế bào. Do đó, nồng độ glucose máu tăng cao.

Ngoài ra, tiểu đường ở trẻ em còn do cơ chế miễn dịch của trẻ khi trẻ tiếp xúc những yếu tố như thuốc, hóa chất. Tình trạng thừa cân béo phì ngày càng gia tăng cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường.


Nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường ở trẻ em là do thiếu hụt insulin (tụy sản xuất).
Nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường ở trẻ em là do thiếu hụt insulin (tụy sản xuất).

3. Nguy cơ tiểu đường ở trẻ em?

Tiểu đường thường gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Đối với trẻ em, đái tháo đường hay gặp ở trẻ bắt đầu đi học (5-7 tuổi) và tuổi dậy thì (11-13 tuổi). Đa số trẻ em thường mắc tiểu đường type 1, một số trẻ thừa cân béo phì có thể mắc type 2.

Bệnh đái tháo đường không phải là bệnh lây truyền nhưng lại có tính di truyền. Ở những trẻ có người thân mắc tiểu đường thì có khả năng bị bệnh cao hơn những gia đình không có người mắc bệnh này. Điều này đã được nghiên cứu chứng minh.

Việc ăn nhiều đường có gây tiểu đường ở trẻ em hay không vẫn chưa được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, khi lượng đường đưa vào cơ thể dư thừa sẽ buộc cơ thể chuyển hóa thành mỡ. Lượng mỡ dư thừa sẽ dẫn đến béo phì. Đây cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường.

4. Sàng lọc tiểu đường ở trẻ em

Trẻ em bị tiểu đường thường có các triệu chứng sau:

  • Có triệu chứng "bốn nhiều" bao gồm: Ăn nhiều, gầy nhiều, khát nhiều, uống nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế ít trẻ có đầy đủ bốn triệu chứng trên. Có trẻ chỉ có hai hoặc ba triệu chứng.
  • Ngoài ra, trẻ bị tiểu đường còn có biểu hiện kém ăn, sụt cân, mệt mỏi, suy kiệt, nôn ói, đau bụng, mất nước, rối loạn tri giác. Trẻ cũng có thể có biểu hiện của việc suy giảm sức đề kháng như bị mụn nhọt, viêm ngứa bộ phận sinh dục, viêm nướu răng.
  • Tiểu đường ở trẻ em còn có các biểu hiện như tê ở chân, giảm thị lực, hoa mắt.

Sàng lọc tiểu đường ở trẻ có vai trò rất quan trọng, giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và ngăn cản bệnh tiến triển cũng hạn chế được các biến chứng do bệnh gây ra. Các biện pháp sàng lọc tiểu đường ở trẻ em bao gồm:

  • Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ.
  • Trẻ bị đái tháo đường type 1 ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng. Thường là sút cân, kém ăn, khát nhiều... Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu trên cần đưa trẻ đi khám ngay để sớm phát hiện bệnh.

5. Bệnh tiểu đường ở trẻ em có thể gây ra những biến chứng gì ?

  • Biến chứng điển hình nhất của bệnh đái tháo đường là nhiễm toan ceton. Cơ thể không sử dụng được đường nên đã chuyển hóa mỡ để cung cấp năng lượng cho hoạt động của cơ thể. Chính việc chuyển hóa mỡ đã tạo ra nhiều thể ceton trong máu thông qua quá trình chuyển hoá acid béo. Khi nhiễm toan ceton, trẻ có biểu hiện lơ mơ, hôn mê, thở nhanh sâu, mất nước.
  • Biến chứng lâu dài có thể kể đến là mù lòa, suy thận, tiểu đạm.
  • Tiểu đường ở trẻ em còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch, như tai biến mạch máu não hay mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư...

6. Điều trị tiểu đường ở trẻ em

Mục đích điều trị đái tháo đường là đưa đường huyết về gần mức bình thường, đồng thời hạn chế biến chứng. Do đó, cần tuân thủ các nguyên tắc sau sau đây:

  • Thường xuyên tiến hành đo đường huyết cho người bệnh theo y lệnh của bác sĩ. Có thể thử đường huyết nhanh bằng que dextrostix hoặc glucostix. Việc theo dõi đường huyết phải tiến hành hằng ngày để có thể phát hiện sớm biến chứng.
  • Làm xét nghiệm Hemoglobin A1c (HbA1c) định kỳ 3 tháng một lần để theo dõi điều trị, xem có làm cải thiện tình trạng người bệnh hay không.
  • Thực hiện dùng thuốc đúng theo y lệnh bác sĩ.
  • Thực hiện chế độ ăn hợp lý để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng.
  • Việc hợp tác giữa bác sĩ, bệnh nhân và người nhà có vai trò rất quan trọng.

Để điều trị tiểu đường ở trẻ em hiệu quả, cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ
Để điều trị tiểu đường ở trẻ em hiệu quả, cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ

7. Biện pháp phòng ngừa

Phòng bệnh là công tác rất quan trọng trong hoạt động y tế. Để phòng ngừa bệnh tiểu đường, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Cho trẻ ăn uống phù hợp, không cho ăn nhiều đường, đồ ngọt. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả để tăng thêm chất xơvitamin cần thiết. Đặc biệt, cần tránh các đồ uống có ga và đồ ăn sẵn. Tăng cường các món nấu, luộc và hạn chế món chiên xào trong khẩu phần ăn của trẻ.
  • Tạo điều kiện và thói quen vận động cho trẻ. Cùng trẻ chạy bộ hay chơi thể thao mỗi ngày.
  • Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh.

Hy vọng với những chia sẻ trên đã giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh tiểu đường ở trẻ em và các biện pháp sàng lọc tiểu đường ở trẻ em. Từ những kiến thức đó để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe