Làm thế nào với viêm mũi dị ứng khi mang thai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bị viêm mũi dị ứng khi mang thai là tình trạng thường xuyên xảy ra trong thời kỳ mang thai ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và bé nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

1. Viêm mũi dị ứng khi mang thai là gì?

  • Phụ nữ mang thai có các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngứa mũi khi mang thai, tình trạng này gọi là viêm mũi dị ứng thai kỳ. Bệnh có biểu hiện nghẹt mũi liên tục, kèm theo tiết dịch mũi lỏng hoặc nhớt. Hiện tượng nghẹt mũi có thể dẫn đến thở bằng miệng vào ban đêm và giảm chất lượng giấc ngủ gây thiếu oxy cho cơ thể.
  • Viêm mũi dị ứng thai kỳ là các triệu chứng về mũi trong thời gian mang thai, kéo dài 6 hoặc nhiều tuần mà không có dấu hiệu khác của nhiễm trùng đường hô hấp và nguyên nhân gây dị ứng không rõ, biến mất hoàn toàn trong vòng hai tuần sau khi sinh.
  • Cơ chế gây viêm mũi dị ứng khi mang thai. Trong thai kỳ, oestrogen tăng ức chế acetylcholin esterase làm phản ứng cholinergic gia tăng vì vậy làm tăng các tuyến dịch nhờn luân chuyển lông mũi và mạch máu trong niêm mạc mũi, hoặc nặng hơn thể gây ra sung huyết và phù nề niêm mạc mũi.
  • Viêm mũi dị ứng thường tồn tại từ trước khi mang thai, có trường hợp lần xuất hiện đầu tiên khi mang thai. Bệnh viêm mũi sẵn có từ trước có thể xấu đi, cải thiện, hoặc không thay đổi trong thời gian mang thai. Nguyên nhân phổ biến gây viêm mũi dị ứng gồm mạt bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông thú vật,...

Viêm mũi dị ứng thai kỳ có biểu hiện sổ mũi, hắt hơi
Viêm mũi dị ứng thai kỳ có biểu hiện sổ mũi, hắt hơi

2. Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?

  • Viêm mũi thai kỳ thoáng qua có thể không ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi. Viêm mũi dị ứng không kiểm soát được có thể gián tiếp ảnh hưởng đến thai nhi thông qua chất lượng giấc ngủ, hoặc gây căng thẳng, mệt mỏi ở mẹ bầu, trường hợp nặng hơn có thể gây bội nhiễm dẫn đến viêm mũi mạn tính, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm họng trong thời kỳ mang thai.
  • Trường hợp viêm mũi kéo dài dai dẳng, không điều trị dứt điểm có thể dẫn đến tình trạng giảm cung cấp oxy ở phụ nữ mang thai khi ngủ ảnh hưởng tới lượng oxy cung cấp cho thai nhi, từ đó có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và thai chậm phát triển trong tử cung, suy thai, sảy thai. Vì vậy, điều trị hợp lý bệnh viêm mũi trong thời kỳ mang thai có thể giúp người phụ nữ là vô cùng quan trọng.

3. Bị viêm mũi dị ứng khi mang thai uống thuốc gì?

Phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc đặc biệt viêm mũi dị ứng phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu.

Khi có những biểu hiện bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ vì việc dùng thuốc cần phải thận trọng hơn vì bà bầu rất nhạy cảm. Việc dùng thuốc không đúng có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc, nguy hiểm cho cả mẹ và con. Vệ sinh mũi hàng ngày là quan trọng nhất đối với viêm mũi dị ứng, trường hợp nặng có thể dùng thêm một số thuốc theo đúng chỉ định và liều lượng mà bác sĩ kê đơn.


Mẹ bầu có thể dùng một số thuốc điều trị viêm mũi dị ứng
Mẹ bầu có thể dùng một số thuốc điều trị viêm mũi dị ứng

Các thuốc có thể sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng

  • Natri cromolyn là thuốc đầu tay sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng ở phụ nữ mang thai hiện nay do có tính an toàn cao. Natri cromolyn được chứng minh an toàn, không phát hiện bất kỳ nguy cơ khuyết tật bẩm sinh nào với natri cromolyn dạng hít. Thuốc dưới dạng xịt hàng ngày, cần sử dụng thường xuyên, nhiều lần trên ngày. Đây có thể là lựa chọn khởi đầu hợp lý cho nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên trong trường hợp nặng, kéo dài cần thiết phải phối hợp thêm thuốc khác để đảm bảo nhanh khỏi bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi.
  • Glucocorticoid dạng xịt mũi: glucocorticoid đường mũi có hiệu quả cao đối với viêm mũi dị ứng và được coi là thích hợp để sử dụng trong thai kỳ. Phụ nữ có thai nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả tránh các tác dụng không mong muốn xảy ra.
  • Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin ít hiệu quả trong điều trị viêm mũi dị ứng so với glucocorticoid đường mũi. Một số nghiên cứu đã đánh giá sự an toàn của thuốc kháng histamin trong thời kỳ mang thai. Thuốc kháng histamin thế hệ hai an toàn hơn cả do thuốc này ít có tác dụng an thần, ít tác dụng phụ hơn so với thế hệ 1 nên được ưu tiên lựa chọn điều trị viêm mũi dị ứng trong thời kỳ mang thai.
  • Thuốc co mạch. Bào chế ở dạng uống và dạng xịt. Thuốc thông mũi dạng xịt có thể được sử dụng trong thời gian ngắn (ví dụ, ba ngày hoặc ít hơn) để làm giảm tạm thời tình trạng nghẹt mũi nặng. Tuy nhiên bệnh nhân có thể bị phụ thuộc thuốc nếu sử dụng kéo dài. Đặc biệt lưu ý nên tránh sử dụng thuốc thông mũi đường uống trong 3 tháng đầu thai vì có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe