Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sỏi thận khi mang thai tuy không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi nhưng lại tác động rất nhiều đến sức khỏe của thai phụ. Hầu hết các trường hợp bị sỏi thận khi mang thai đều là do đã mang bệnh từ trước.
1. Nguyên nhân bị sỏi thận khi mang thai
Tuy phần lớn các trường hợp bị sỏi thận khi mang thai là do có bệnh từ trước nhưng cũng có nhiều thai phụ mắc bệnh trong thời gian này. Nguyên nhân là do mang thai khiến cơ thể phụ nữ có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là trong việc chuyển hóa khoáng chất và các chất hữu cơ dẫn đến khả năng hình thành sỏi.
Ngoài ra, thai nhi phát triển, ngày càng lớn dần lên làm thay đổi vị trí của tử cung, chèn ép sự lưu thông của nước tiểu khiến nước tiểu lắng đọng, dễ sinh sỏi thận.
Uống ít nước cũng là một trong những nguyên nhân gây sỏi thận ở phụ nữ có thai. Khi mang thai, nhu cầu nước của cơ thể tăng gấp đôi bình thường, việc uống ít nước khiến quá trình lọc của thận bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ lắng đọng sỏi.
2. Bị sỏi thận có mang thai được không?
Sỏi thận nếu không gây tắc nghẽn đường tiểu, sỏi kích thước nhỏ, không nhiễm trùng, không tác động lớn đến sức khỏe của người mẹ thì có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên, khi thai phát triển trong bụng mẹ có thể gây chèn ép niệu quản, ứ nước thận, tạo ra các cơn đau vùng hố thận. Mức độ đau tùy thuộc vào mức độ chèn ép, vị trí chèn ép, kích thước của viên sỏi. Nếu sỏi đã xuống vị trí niệu quản sẽ tăng khả năng tắc nghẽn. Nhưng nếu sỏi ở thận thì sẽ giảm các triệu chứng ảnh hưởng. Thực tế, đã có nhiều người mắc sỏi thận khi mang thai nhưng không có triệu chứng gì.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
3. Phải làm gì nếu bị sỏi thận khi mang thai?
Sỏi thận tuy không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng lại khiến thai phụ khó chịu, đặc biệt là khi sỏi phát triển gây đau buốt, đái rắt, nhiễm trùng... Hầu hết các thai phụ đều có thể sinh con bình thường mà không gặp vấn đề gì. Cũng có một số ít trường hợp sỏi thận gây đau bụng dữ dội khiến thai phụ sinh non. Do đó, chị em cần chủ động phòng ngừa sỏi thận, chú ý chế độ ăn uống hợp lý.
Nếu bị sỏi thận khi mang thai cần đến bệnh viện kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân, tình trạng sỏi, loại sỏi để có cách điều trị và chăm sóc bản thân phù hợp. Nếu là sỏi canxi thì không nên bổ sung canxi vì có thể khiến sỏi phát triển nhanh hơn. Tốt nhất, nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trong suốt thời gian mang thai.
4. Điều trị sỏi thận khi mang thai
Nếu sỏi nhỏ, không gây đau đớn hay có các triệu chứng gì ảnh hưởng đến thai kỳ thì không nên dùng thuốc điều trị, chỉ cần uống thật nhiều nước để tăng khả năng đào thải sỏi. Sỏi có thể theo đường nước tiểu đi ra ngoài.
Trường hợp sỏi kích thước lớn hay sỏi làm tắc một bên niệu quản, sỏi gây triệu chứng khó chịu thì cần can thiệp bằng một số phương pháp điều trị không dùng phẫu thuật.
Trường hợp sỏi có biến chứng gây cơn đau quặn thận, gây tắc nghẽn niệu quản hoặc đài bể thận thì cần điều trị nội khoa tạm thời hoặc can thiệp Ngoại khoa tùy tình trạng của người bệnh và biến chứng do sỏi gây ra.
Trong quá trình mang thai, nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.