Mỡ nội tạng là chất béo bao bọc xung quanh các cơ quan vùng bụng sâu bên trong cơ thể. Không phải lúc nào bạn cũng có thể cảm nhận được hoặc nhìn thấy nó. Trên thực tế, bạn có thể có một vùng bụng khá phẳng mà vẫn có mỡ nội tạng.
1. Mỡ nội tạng là gì?
Mỡ nội tạng, còn được gọi là mỡ “ẩn”, là chất béo được lưu trữ sâu bên trong bụng, bao bọc xung quanh các cơ quan của bạn, bao gồm cả gan và ruột. Nó chiếm khoảng 1/10 tổng lượng chất béo được lưu trữ trong cơ thể bạn.
Hầu hết chất béo được lưu trữ bên dưới da và được gọi là chất béo dưới da. Đó là chất béo bạn có thể nhìn thấy và cảm nhận được khi véo da. Phần còn lại của chất béo trong cơ thể của bạn được ẩn. Đó là chất béo nội tạng và nó làm cho bụng của bạn nhô ra ngoài hoặc tạo cho bạn hình dạng “quả táo”.
Chất béo không chỉ “ngồi yên tại chỗ”. Nó tạo ra các hóa chất và kích thích các yếu tố có thể gây độc cho cơ thể. Mỡ ẩn trong cơ thể tạo ra nhiều các chất này hơn chất béo dưới da nên chúng nguy hiểm hơn. Ngay cả ở những người gầy, tỷ lệ mỡ nội tạng lớn cũng mang lại một loạt các nguy cơ sức khỏe.
2. Nguyên nhân gây ra mỡ nội tạng?
Chất béo được lưu trữ khi bạn tiêu thụ quá nhiều calo và hoạt động thể chất quá ít. Một số người có xu hướng tích trữ mỡ quanh bụng hơn là ở hông do gen của họ.
Ở phụ nữ, già đi có thể thay đổi nơi cơ thể tích trữ chất béo. Đặc biệt là sau khi mãn kinh, khối lượng cơ của phụ nữ ít đi và chất béo của họ tăng lên. Khi phụ nữ già đi, họ có khả năng phát triển nhiều chất béo nội tạng hơn ở bụng, ngay cả khi họ không tăng cân.
Ở nam giới, tuổi tác và di truyền cũng đóng vai trò trong việc phát triển mỡ nội tạng. Uống rượu cũng có thể dẫn đến nhiều mỡ bụng hơn ở giới này.
3. Mỡ nội tạng nguy hiểm như thế nào?
Quá nhiều chất béo trong cơ thể rất có hại cho sức khỏe của bạn, dù là loại chất béo gì. Nhưng so với chất béo nằm ngay dưới da (mỡ dưới da), loại mỡ nội tạng có nhiều khả năng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề y tế nghiêm trọng hơn. Bệnh tim, Alzheimer, tiểu đường loại 2, đột quỵ và cholesterol cao là một số tình trạng có liên quan chặt chẽ đến việc có quá nhiều chất béo trong cơ thể bạn.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, chất béo nội tạng tạo ra nhiều protein nhất định làm viêm các mô và cơ quan của cơ thể và thu hẹp các mạch máu của bạn. Điều đó có thể làm cho huyết áp của bạn tăng lên và gây ra các vấn đề khác
4. Chỉ số mỡ nội tàng được đo như thế nào?
Một số cách dưới đây có thể giúp bạn đo lường lượng mỡ nội tạng trong cơ thể.
4.1. Kích thước vòng eo
Đây là cách dễ nhất để bạn có được một ước tính sơ bộ. Hãy quấn thước dây quanh eo qua rốn. Ở phụ nữ, 35 inch trở lên là dấu hiệu của mỡ nội tạng. Ở nam giới là 40 inch. Và nếu bạn là người gốc Châu Á, điểm chuẩn cho chất béo nội tạng sẽ giảm xuống 31,5 inch đối với phụ nữ và 35,5 inch đối với nam giới.
4.2. Chỉ số khối cơ thể (BMI)
Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một công thức cho biết bạn nặng bao nhiêu so với chiều cao của bạn. Chỉ số BMI từ 30 trở lên là thừa cân. Đó có thể là dấu hiệu của mỡ nội tạng. Chỉ số BMI từ 23 trở lên có thể đã là một vấn đề đáng lo ngại.
Tỷ lệ từ hông đến eo. Bạn chia kích thước vòng eo của bạn cho kích thước vòng hông. Một số bác sĩ cho rằng, con số này cho biết nguy cơ mắc bệnh mỡ nội tạng của bạn. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, nó có thể không tốt hơn một phép đo vòng eo đơn giản là mấy.
4.3. Thân hình
Hãy soi gương để tìm ra manh mối nơi cơ thể bạn tích trữ chất béo. Nếu cơ thể bạn là hình một quả táo thân to và chân thon thì điều đó thường là dấu hiệu bạn có nhiều mỡ nội tạng. Hình dạng cơ thể này phổ biến hơn ở nam giới. Phụ nữ thường có thân hình quả lê với hông và đùi to hơn. Nghiên cứu cho thấy mỡ phần trên cơ thể nguy hiểm hơn đối với sức khỏe của bạn, đó có thể là một lý do tại sao phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới.
4.4. Các xét nghiệm hình ảnh
Phương pháp này là cách duy nhất để kiểm tra lượng mỡ nội tạng chính xác mà bạn đang có. Nếu bác sĩ yêu cầu bạn thực hiện chụp CT hoặc xét nghiệm MRI để kiểm tra tình trạng bệnh lý khác, họ cũng có thể nhận được hình ảnh chi tiết về chất béo nội tạng của bạn.
5. Giảm mỡ nội tạng bằng cách nào?
Bạn không cần phải theo một chế độ ăn kiêng hoặc thực hiện các bài tập đặc biệt để loại bỏ mỡ bụng. Chỉ cần làm theo những phương pháp đơn giản mà vẫn giúp bạn có được một vóc dáng cân đối và sức khỏe tốt.
5.1. Chuyển động nhiều
Tập thể dục có thể giúp bạn loại bỏ cả mỡ nội tạng và mỡ dưới da mà bạn có thể nhìn thấy hoặc sờ được. Nếu bạn đang ăn kiêng để giảm cân, tập thể dục có thể giúp bạn rất nhiều. Bạn không cần phải tập luyện quá nặng, dù chỉ là đi dạo sau bữa tối, đi cầu thang, đạp xe thay vì lái xe cũng đều rất có ích. Hãy cố gắng tập thể dục nhịp điệu vừa phải, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Điều quan trọng là giữ gìn và xây dựng cơ bắp của bạn. Tập thể dục với tạ, tập sức bền như chống đẩy, SWAT hoặc tập yoga.
5.2. Ăn uống thông minh
Các nghiên cứu cho thấy rằng nhiều canxi và vitamin D trong cơ thể của bạn có thể liên quan đến việc bạn có ít chất béo nội tạng hơn. Vì vậy, hãy ăn nhiều rau xanh như cải thìa và rau bina. Đậu phụ và cá mòi cũng là những lựa chọn tốt cũng như các loại thực phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát và sữa nguyên chất.
Mặt khác, có một số loại thực phẩm có thể làm gia tăng lượng mỡ bụng. Một trong số đó là chất béo chuyển hóa, được tìm thấy trong thịt cũng như trong thực phẩm chiên giòn hoặc chế biến sẵn. Ngoài ra còn có nước ngọt, kẹo, bánh nướng chế biến và các thực phẩm khác được làm ngọt bằng đường fructose. Vì vậy, hãy đọc nhãn và tránh các thành phần như “dầu hydro hóa một phần” hoặc “xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao”. Hãy tuân theo các quy tắc ăn uống lành mạnh với nhiều sản phẩm tươi, ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì và bột yến mạch, và protein nạc như thịt gà không da, cá, trứng, đậu và sữa ít béo.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin bổ ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.