Triệu chứng nổi mụn nước ngứa khắp người có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khoẻ khác nhau, kể cả về da liễu, nội tiết hay các bệnh lý khác. Vậy cần phải làm gì khi bị mụn nước ngứa khắp người?
1. Mụn nước là gì? Nguyên nhân gây ra mụn nước?
Mụn nước dùng để chỉ các cấu trúc kích thước nhỏ (dưới 5 mm) nổi trên bề mặt da, có thể chứa nhân là dịch trong suốt hoặc dịch mủ trong các trường hợp bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập.
Mụn nước có thể xuất hiện rải rác trên khắp cơ thể, nếu không được xử lý đúng cách có thể gây vỡ, chảy dịch, viêm nhiễm và để lại sẹo. Có một số nguyên nhân bên ngoài gây ra tình trạng bị mụn nước ngứa khắp người như:
- Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp: việc sử dụng các loại kem, trang điểm không rõ nguồn gốc hay hết hạn hoặc đơn giản chỉ là không phù hợp với loại da có thể gây nên các biểu hiện kích ứng, trong đó có mụn nước.
- Ô nhiễm môi trường: với môi trường sống không được sạch, nhiều hoá chất, khói bụi có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng kích ứng da, sự xuất hiện của các cục mụn nước
- Côn trùng cắn: khi không may bị côn trùng cắn phải, mụn nước cũng có nguy cơ cao xuất hiện do tương tác giữa độc tố mà côn trùng tiết ra với sự kích hoạt miễn dịch trong cơ thể người.
Các nguyên nhân khác do bệnh lý hay tình trạng đặc hiệu gây nên mụn nước gồm:
- Mụn nhọt
- Bỏng
- Nhiễm trùng tụ cầu
- Nốt sần trên da
- U sợi thần kinh hoặc khối u phát triển trên dây thần kinh
- Nhiễm trùng nang lông.
2. Mụn nước ngứa nổi khắp người có nguy hiểm không?
Bản thân mụn nước nổi chỉ là một triệu chứng của bệnh nào đó. Vì vậy việc nhận biết các loại bệnh có sự xuất hiện của mụn nước cũng góp phần quan trọng trong xử trí đúng cách biểu hiện này:
- Bệnh thuỷ đậu: Là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây nên, đặc trưng bởi đau đầu, chán ăn, sốt cao, mệt mỏi và sự xuất hiện của hàng loạt mụn nước nổi rải rác khắp cơ thể, tập trung vùng lưng, đùi, bẹn và mặt. Các bóng nước của thuỷ đậu có thể to dần theo thời gian và hoại tử tạo thành chấm đen ở giữa, thậm chí bội nhiễm gây nên mụn mủ
- Nhiễm virus: virus herpes có thể gây tình trạng nổi mụn nước quanh vùng môi, miệng và cơ quan sinh dục. Đặc điểm của mụn nước này xuất hiện trên nền da sưng đỏ và đau nhức, khó chịu. Các mụn nước này nên được vệ sinh cẩn thận vì rất dễ vỡ và một khi vỡ có nguy cơ bội nhiễm vi trùng xâm nhập. Các triệu chứng khác đi kèm với nhiễm herpes là sốt cao, đau nhức cơ
- Tay chân miệng: là bệnh lý phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông thường gặp ở trẻ nhỏ. Các bóng nước có kích thước nhỏ, mọc lên nhiều, màu xám và có hình bầu dục. Chúng có thể mọc gồ ghề ở lòng bàn tay, chân hoặc bị ẩn dưới da, khi sờ có cảm giác cộm. Các trường hợp tay chân miệng ngoài nổi mụn nước có các triệu chứng nguy hiểm như sốt cao, khó thở, co giật thì cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời
- Bệnh Zona: Zona thần kinh đa số xuất hiện ở người có tiền căn mắc bệnh thuỷ đậu, vi khuẩn có khả năng bùng lên, gây ra triệu chứng nổi mụn nước ngứa khắp cơ thể. Các phát ban và mụn nước hình thành từng dải, gây đau nhức, nóng rát và khó chịu. Một số trường hợp nghiêm trọng, Zona xuất hiện ở tai và mắt gây suy giảm thị lực cần được điều trị sớm.
3. Cần làm gì khi có triệu chứng mụn nước ngứa nổi khắp người?
Hầu hết các mụn nước không cần điều trị, chỉ khi đã có bội nhiễm vi khuẩn mới cần theo dõi và sử dụng thuốc để tránh các biến chứng và việc hình thành sẹo.
Khi có mụn nước nổi khắp cơ thể, người bệnh nên thực hiện các phương pháp sau:
- Giữ cho mụn nước luôn khô và không vỡ tránh nhiễm khuẩn
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng nổi mụn, hạn chế viêm
- Xác định nguyên nhân, hoá chất có khả năng gây nên tình trạng nổi mụn nước không phải do bệnh lý. Nên ngưng sử dụng các sản phẩm này ngay khi phát hiện được nguyên nhân gây ra nổi mụn nước
- Thuốc bôi mụn nước steroid để giảm viêm hoặc kháng sinh điều trị nhiễm trùng da cần được kê toa bởi bác sĩ có chuyên môn sau khi đã thăm khám kỹ
- Nếu các mụn nước quá lớn kèm nhiễm trùng, hình thành ổ áp-xe có thể điều trị bằng phương pháp tháo rạch ổ áp-xe dẫn lưu dịch ra ngoài nhưng cần thực hiện ở cơ sở y tế có đủ điều kiện vệ sinh vô trùng.
Tóm lại, mụn nước nổi và ngứa khắp cơ thể có thể do nguyên nhân bên ngoài hoặc nguyên nhân bệnh lý nhưng việc cần làm nhất chính là bảo vệ các nốt mụn nước không để vỡ ra nhằm phòng tránh nguy cơ bội nhiễm gây các biến chứng nguy hiểm. Nếu mụn nước nổi với mức độ nhiều trong thời gian dài người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.