Chỉ số độ lọc cầu thận (GFR) phản ánh lưu lượng máu được thận lọc trong một khoảng thời gian nhất định. Khi chỉ số này thấp cho thấy khả năng lọc máu của thận đang suy giảm, thường gặp trong các trường hợp bệnh thận cấp và mạn. Cùng tìm hiểu chi tiết thông tin về chỉ số GFR trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Độ lọc cầu thận bao nhiêu là thấp?
Để xác định chính xác chỉ số GFR có thấp hay không thì người bệnh cần thực hiện xét nghiệm độ lọc cầu thận. Tuy nhiên, do không có phương pháp xét nghiệm trực tiếp nên việc tính toán chính xác chỉ số GFR gặp nhiều khó khăn. Các công thức tính toán hiện nay thường dựa vào những yếu tố như tuổi, giới tính và nồng độ creatinin trong máu, nước tiểu.
Trong quá trình vận động bình thường của mô cơ, creatinin được sinh ra như một sản phẩm thải. Thận sẽ lọc hoàn toàn creatinin và thải ra ngoài qua nước tiểu. Do thận không tái hấp thu creatinin nên độ thanh thải creatinin sẽ bằng chính độ lọc cầu thận.
Độ thanh thải creatinin là chỉ số đo lượng máu mà thận lọc sạch creatinin trong 1 phút. Ở người khỏe mạnh, độ thanh thải creatinin thường khoảng 125ml/phút, nghĩa là trong 1 phút, thận có thể loại bỏ toàn bộ creatinin trong 125ml máu.
Chức năng thận hoạt động kém được biểu hiện qua chỉ số GFR thấp hoặc độ thanh thải creatinin giảm. Tình trạng này có thể là dấu hiệu của suy thận cấp hoặc mạn tính. Suy thận cấp nếu điều trị hiệu quả sẽ hồi phục chức năng thận, tăng chỉ số GFR và độ thanh thải creatinin. Ngược lại, nếu không đáp ứng điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Nếu suy thận mạn tính tiến triển nặng dần thì sẽ làm giảm độ lọc cầu thận và độ thanh thải creatinin.
Chỉ số GFR được dùng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho những người mắc bệnh thận mạn tính.
- Giai đoạn 1: chỉ số GFR >= 90 (chức năng thận bình thường).
- Giai đoạn 2: chỉ số GFR 60-90 (chức năng thận giảm nhẹ).
- Giai đoạn 3: chỉ số GFR 30-59 (chức năng thận suy giảm vừa phải).
- Giai đoạn 4: chỉ số GFR 15-29 (chức năng thận suy giảm nghiêm trọng).
- Giai đoạn 5: GFR <15 (suy thận, chạy thận thường xuyên).
Khi giảm dưới 60 ml/phút/1.73 m2, độ lọc cầu thận được xem là thấp (chỉ bằng 50% so với mức bình thường 120 ml/phút/1.73 m2).
2. Làm gì khi chỉ số GFR thấp?
Khi chỉ số độ lọc cầu thận thấp, điều đó cho thấy thận đang hoạt động kém. Nếu độ lọc cầu thận giảm, cần theo dõi thường xuyên và tập trung điều trị để làm chậm quá trình suy thận. Việc quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây suy thận và kiểm soát thông qua thuốc, chế độ ăn uống và vận động phù hợp.
Những điều cần thực hiện khi chỉ số GFR thấp là:
- Tìm nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận, các nguyên nhân có thể bao gồm: Siêu âm, xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu…là những phương pháp cận lâm sàng được sử dụng để chẩn đoán các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm khuẩn tiết niệu, huyết khối vi mạch thận và các bệnh thận bẩm sinh như thận đa nang loạn sản thận, thận hình móng ngựa.
Nếu nguyên nhân có thể kiểm soát được như tăng huyết áp hay đái tháo đường, người bệnh cần:
- Kiểm soát huyết áp, đảm bảo mức huyết áp dưới 140/80 mmHg.
- Quản lý đường huyết hiệu quả.
- Thực hiện chế độ ăn uống giảm đường, giảm muối (giúp giảm phù nề và hạ huyết áp), hạn chế chất béo đồng thời tăng cường ăn rau xanh và trái cây.
- Tập thể dục đều đặn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Khi độ lọc cầu thận giảm do nhiễm khuẩn, người bệnh cần sử dụng các loại kháng sinh beta-lactam - nhóm kháng sinh ít gây hại cho thận để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh.
Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc điều trị và thường xuyên kiểm tra chức năng thận theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc theo dõi chỉ số GFR hoặc độ thanh thải creatinin giúp xác định tình trạng suy thận cấp tính hay mãn tính, từ đó áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, người bệnh cần thực hiện lọc máu để loại bỏ chất thải hoặc điều trị thay thế thận.
Để hạn chế nguy cơ thiếu máu, người mắc bệnh thận mạn nên bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, B6 và acid folic.
Tùy thuộc vào mức độ giảm của độ lọc cầu thận mà bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn ít đạm hơn. Cụ thể, chỉ số GFR càng giảm thì lượng protein trong thức ăn càng phải hạn chế. Đồng thời, người có canxi máu giảm cần bổ sung vitamin D và canxi.
Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi đang mắc bệnh, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh sử dụng những loại thuốc có thể gây hại cho thận hoặc những loại thuốc không rõ thành phần.
Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, có thể kiểm soát và làm chậm quá trình suy thận. Vì vậy, nếu có nguy cơ mắc bệnh thận, người bệnh nên đi khám để đánh giá chức năng thận và phát hiện sớm các vấn đề liên quan.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Vinmec mang đến Gói khám và sàng lọc bệnh lý tiết niệu nhằm hỗ trợ khách hàng phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và nhận được phương pháp điều trị hiệu quả, đồng thời phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Khi lựa chọn Gói khám và sàng lọc bệnh lý tiết niệu tại Vinmec, khách hàng sẽ được:
- Khám chuyên khoa ngoại tiết niệu
- Siêu âm hệ tiết niệu
- Định lượng PSA toàn phần
- Định lượng PSA tự do
- Cấy nước tiểu
Để phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh tiết niệu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiền liệt tuyến (như phì đại lành tính và ung thư tiền liệt tuyến) cũng như các bệnh lý về sỏi tiết niệu nhằm giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.