Làm gì khi bị xô lệch hàm răng?

Xô lệch hàm răng xảy ra khi răng bị mất đi. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng cũng như sức khỏe răng miệng. Vì vậy, người bệnh cần khám nha sĩ và tìm biện pháp khắc phục tình trạng mất răng nhanh chóng, tránh kéo dài ảnh hưởng đến các răng còn lại và cung hàm.

1. Tầm quan trọng của răng trên hàm răng

Một hàm răng của người trưởng thành sẽ có khoảng 32 chiếc răng, trong đó có 8 răng hàm (hay còn gọi răng cối lớn), nằm ở trước răng khôn. Những loại răng này đều có tác dụng thực hiện chức năng nhai và nghiền thức ăn.

Về hình dáng răng hàm thường là loại răng lớn nhất có mặt nhai to và rộng. Răng hàm khác với răng cửa vì chỉ có một chân răng.
Bên cạnh việc sử dụng để cắn, cắt nhỏ thức ăn trước khi nuốt thì răng hàm còn giúp cân đối khuôn mặt và hoàn chỉnh bộ nhai.

2. Lý giải nguyên nhân mất răng sẽ làm xô lệch hàm răng

Mất một hay nhiều chiếc răng trên cung hàm đều có thể gây ra những ảnh hưởng đến tình trạng răng miệng, có thể ở mức độ nhẹ đến vừa. Một trong những hiện tượng có thể dễ gặp với tình trạng mất răng chính là xô lệch hàm răng. Mất răng kéo dài có thể khiến cho lệch khớp hàm cũng như tình trạng bị lệch hàm răng càng trầm trọng hơn, khiến khớp cắn của 2 hàm bị lệch lạc.

Nguyên nhân gây răng mọc lệch hàm dưới hoặc hàm trên có thể do không còn răng tại vị trí nào đó trên cung hàm khiến giảm lực nhai và lực kích thích cần thiết để xương hàm phát triển. Nếu thời gian mất răng dài từ 3 đến 6 tháng thì có thể khiến cho xương hàm dễ bị tiêu biến. Tốc độ tiêu xương nhanh hay chậm còn có thể phụ thuộc vào cả cơ địa của người bệnh.

Mặc dù tình trạng tiêu xương hàm chỉ xảy ra chủ yếu ở vị trí mất răng nhưng nó cũng sẽ tác động đáng kể đến các răng kế cận, làm cho răng có xu hướng đổ nghiêng ngả về phía vị trí răng mất. Vì vậy, khi mất răng một thời gian dài mà không được phục hình răng thì sẽ xuất hiện các vấn đề như xô lệch hàm, sai khớp cắn, tiêu xương hàm...

3. Hậu quả của việc rất răng trên cung hàm

Khi mất răng trên cung hàm ngoài việc khiến cho hàm bị xô lệch thì các răng trên có xu hướng giãn rộng tạo thành khe hở giữa hai răng và gây ra tình trạng răng thưa. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để thức ăn đọng vào các khe này, gây ra bệnh lý răng miệng.

Khi mất răng trên cung hàm có thể khiến má bị hóp, khuôn mặt trở nên già và kém thẩm mỹ.

Khớp cắn tự nhiên của hàm sẽ thay đổi khi trên cung hàm bị mất răng, đồng thời cản trở hoạt động nhai, cắn của răng và gây ra cảm giác đau khớp thái dương hàm hoặc bệnh đau đầu kinh niên, mỏi hàm, mỏi cơ cổ...

4. Phương pháp khắc phục tình trạng xô lệch hàm răng

Để khắc phục tình trạng mất răng thì người bệnh có thể lựa chọn một số phương pháp sao cho phù hợp với tình trạng cụ thể.

Sử dụng hàm giả tháo lắp:

  • Với phương pháp này người bệnh có thể thay thế nhiều răng đã mất bằng một hàm răng giả có cấu tạo bao gồm nền hàm hoặc khung hàm được làm từ vật liệu nhựa dẻo. Răng sứ được phục hình phía trên và cố định bằng móc cài làm bằng chất liệu titan. Hàm giả tháo lắp sẽ cầu cấu tạo như hàm toàn phần hoặc hàm bán phần.
  • Ưu điểm của hàm giả có khả năng tháo lắp đơn giản và không gây đau cho người bệnh. Chất liệu thiết kế hàm khá an toàn với người dùng và chi phí thấp, hợp lý. Tuy nhiên, hàm giả tháo lắp cũng có một vài hạn chế như: Không khắc phục được tình trạng tiêu xương hàm và những biến dạng của khuôn mặt. Thêm vào đó, hàm giả có lực nhai yếu và khó khăn trong việc nhai các loại thực phẩm cứng, rắn. Hàm khá lỏng lẻo, dễ bị bung tuột khi nhai hoặc nói chuyện.

Sử dụng cầu răng sứ:

  • Phương pháp này được thực hiện bằng cách trồng răng giả cố định hoặc thay thế nhiều răng đã mất. Tuy nhiên, để trồng răng giả bằng cầu răng s, thì nha sĩ sẽ tiến hành mài hai răng kế cận để làm trụ nâng đỡ như một dãy cầu sứ. Quá trình phục hình răng bằng cầu răng sứ được thực hiện khi hai răng kế cận khỏe mạnh và đặc biệt không mắc các bệnh lý về nha khoa.
  • Ưu điểm của cầu răng sứ khiến cho răng được cố định chắc chắn hơn so với hàm giả tháo lắp, độ thẩm mỹ của cầu răng sứ cũng cao và khá an toàn với cơ thể. Tuy nhiên, cầu răng sứ cũng không khắc phục được tình trạng tiêu xương hàm, biến dạng ở khuôn mặt. Nhược điểm nữa của cầu răng sứ có thể khiến cho người bệnh cảm thấy dễ bị ê buốt và viêm nướu sau khi thực hiện mài cùi răng. Hơn nữa, chi phí thực hiện phương pháp này khá cao và tuổi thọ của răng lại ngắn, phải làm lại nhiều lần.

Trồng răng sứ bằng phương pháp implant:

  • Phương pháp phục hình răng đã bị mất khá tối ưu và phổ biến hiện nay. Đặc biệt, phương pháp này có thể áp dụng khá hiệu quả với trường hợp mất răng số 6 kèm theo tình trạng tiêu xương hàm. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật ghép xương hàm và cố định lại các răng đã bị xô lệch để tạo hiệu quả tối ưu cho phương pháp này. Tiếp đến bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép trụ implant được làm bằng vật liệu titanium vào xương hàm đồng thời gắn khớp abutment cùng thân răng phục hình sứ lên trên.
  • Phương pháp trồng răng implant có thể khắc phục hoàn toàn tình trạng tiêu xương hàm và tránh tình trạng xô lệch của các răng xung quanh. Hơn nữa, các răng kế cận trên cung hàm không cần phải thực hiện mài mòn giúp giảm thiểu nguy cơ mất thêm răng. Với vật liệu sử dụng cho trụ implant titanium có khả năng tương thích tốt với xương hàm khiến cho tuổi thọ của răng cũng cao hơn và thận chí có thể sử dụng như răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, với phương pháp cấy implant khi thực hiện yêu cầu phải cẩn thận, tỉ mỉ và thời gian thực hiện sẽ dài hơn so với các phương pháp khác. Chi phí của phương pháp này cũng khá cao.

Mất răng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, bao gồm tình trạng tiêu xương hàm, lão hoá xương mặt hoặc gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng. Vì vậy, những trường hợp mất răng nên có kế hoạch và phương pháp điều trị phù hợp nhằm khắc phục hoàn toàn tình trạng tiêu xương hàm cũng như phục hồi chức năng nhai của hàm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe