Làm gì khi bị đau bụng bên phải?

Đau quặn bụng bên phải là tình trạng khá phổ biến, gây khó chịu cho người bệnh. Do xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nên khi gặp triệu chứng này, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán chính xác.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Vị trí đau bụng bên phải

Đau bụng có thể được chia thành 9 vị trí chính:

  • Trên rốn.
  • Quanh rốn.
  • Dưới rốn.
  • Trên sườn trái.
  • Trên sườn phải.
  • Dưới sườn trái.
  • Dưới sườn phải.
  • Hố chậu trái.
  • Hố chậu phải.

Để tiến hành khám lâm sàng, ổ bụng thường được chia thành 4 phần chính: vùng bụng trên và dưới bên trái, vùng bụng trên và dưới bên phải.

Vùng bụng bên phải là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng như gan, túi mật, ruột già, ruột thừa,... Do vậy, khi bị đau quặn bụng bên phải, người bệnh sẽ được xác định chính xác vị trí để khoanh vùng nguyên nhân gây bệnh. Cơn đau bụng bên phải thường xuất hiện từ dưới xương sườn đến vùng mu bên phải.

Đau bụng bên phải có thể là đau âm ỉ hoặc đau quặn thắt dữ dội, khiến người bệnh khó khăn trong sinh hoạt và công việc hằng ngày. Cơn đau thường tăng khi có lực tác động lên bụng và giảm khi người bệnh nằm nghỉ. Các tình trạng kèm theo thường là sốt, buồn nôn, nôn, chán ăn và suy nhược cơ thể


Đau quặn bụng bên phải có thể là đau âm ĩ hoặc đau quặn thắt dữ dội, khiến người bệnh khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
Đau quặn bụng bên phải có thể là đau âm ĩ hoặc đau quặn thắt dữ dội, khiến người bệnh khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

2. Đau quặn bụng bên phải là bệnh gì?

Đau bụng quặn bụng bên phải có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy từng khu vực cụ thể như sau:

2.1 Đau bụng trên bên phải

Đau bụng trên bên phải thường do các bệnh lý về gan như viêm gan hoặc ung thư gan. Người bệnh thường có biểu hiện đau nhẹ, âm ỉ, kèm theo vàng da, vàng mắt, sụt cân bất thường, mệt mỏi, chán ăn.

Viêm túi mật, ống mật hoặc giun chui ống mật cũng là nguyên nhân gây đau bụng trên bên phải. Khác với các nguyên nhân khác, cơn đau trong những trường hợp này thường dữ dội và diễn ra theo từng đợt.

Viêm bể thận phải cũng có thể gây đau bụng bên phải, với cơn đau lan từ lưng ra phía bụng phải. Ngoài ra, các cơ quan khác như phổi phải và ruột già cũng có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau bụng bên phải.

2.2 Đau quặn bụng dưới bên phải

Nguyên nhân phổ biến gây đau quặn bụng dưới bên phải bao gồm:

  • Viêm ruột thừa cấp: Đây là nguyên nhân thường gặp, cơn đau bắt đầu từ vùng rốn và lan sang bụng dưới bên phải, đau cả khi ngồi và nằm. Tình trạng này cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để điều trị kịp thời.
  • Đau bụng kinh: Đau bụng kinh là nguyên nhân phổ biến gây đau bụng dưới bên phải ở phụ nữ, đi kèm với ra máu kinh nên dễ dàng nhận biết.
  • Viêm bàng quang: Bệnh nhân thường cảm thấy đau dữ dội vùng gần xương mu, kèm theo các triệu chứng khác như đi tiểu đau, tiểu ra máu và mủ.
  • Thai ngoài tử cung: Ở phụ nữ mang thai, đau bụng dưới bên phải kèm theo chảy máu ở ruột non và buồng trứng có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung, một tình trạng khẩn cấp cần được phát hiện và điều trị sớm.
  • Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác có thể gây đau quặn bụng dưới bên phải như u nang buồng trứng, lao ruột, và các bệnh lý khác. 

Đau quặn bụng dưới bên phải có thể là dấu hiệu viêm bàng quang.
Đau quặn bụng dưới bên phải có thể là dấu hiệu viêm bàng quang.

3. Làm gì khi bị đau quặn bụng bên phải?

Do có nhiều nguyên nhân gây bệnh nên bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng để được bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Từ đó, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu nguyên nhân là viêm cơ quan, bệnh nhân cần điều trị kháng sinh theo phác đồ cụ thể của bác sĩ. Đối với các nguyên nhân như viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung, viêm bàng quang hay u nang buồng trứng, phẫu thuật có thể được cân nhắc.

Khi ở nhà và chưa đi khám, người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động, chườm ấm hoặc xoa bụng để giảm đau, và không tự ý mua thuốc uống. Ngay khi có thể, bệnh nhân nên đến bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ y tế kịp thời.

4. Khi nào thì cần thăm khám bác sĩ?

Người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu cơn đau quặn bụng bên phải xuất hiện đột ngột, dữ dội hoặc kèm theo các triệu chứng sau:

  • Đau ngực.
  • Khó thở.
  • Chóng mặt.
  • Choáng váng hoặc ngất.
  • Khó nuốt hoặc thấy đau khi nuốt.
  • Sốt.
  • Đổ mồ hôi nhiều, da tái nhợt.
  • Tụt huyết áp.
  • Nôn ra máu.
  • Phân có lẫn máu.
  • Tiêu chảy nhiều lần.
  • Buồn nôn hoặc nôn liên tục.
  • Vàng mắt hoặc vàng da.
  • Đau bụng dữ dội khi ấn vào bụng.
  • Bụng to bất thường.
  • Xuất huyết âm đạo bất thường.
  • Tiểu rắt tiểu buốt, tiểu đục hoặc tiểu ra máu.
  • Sụt cân không rõ nguyên do.

5. Cách phòng ngừa  

Trong nhiều trường hợp, tình trạng đau quặn bụng bên phải có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng cách thay đổi lối sống và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Một số phương pháp hữu ích bao gồm:

  • Uống nhiều nước để tránh táo bón.
  • Đi đại tiện đều đặn.
  • Ăn uống cân bằng, giàu chất xơ từ trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
  • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
  • Ăn chậm và nhai kỹ.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa táo bón, giảm căng thẳng và phát triển cơ bụng.
  • Để tránh chấn thương vùng bụng, di chuyển và vận động một cách an toàn. 
Tình trạng đau quặn bụng bên phải có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng cách uống nhiều nước tránh táo bón.
Tình trạng đau quặn bụng bên phải có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng cách uống nhiều nước tránh táo bón.

Đau quặn bụng bên phải là tình trạng phổ biến với nguyên nhân đa dạng và phức tạp, cần được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên môn. Khi phát hiện các triệu chứng này, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe