Làm gì để dự phòng xuất hiện cơn rung nhĩ

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phong - Bác sĩ Nội và Can thiệp Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Rung nhĩ là kết quả của các tín hiệu điện hỗn loạn trong các buồng tim phía trên (tâm nhĩ). Rung nhĩ gây ra nhịp tim không đều và thường nhanh. Tỷ lệ mắc rung nhĩ tăng theo tuổi và có khuynh hướng xảy ra ở người đang có sẵn bệnh lý tim mạch.

1. Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp phổ biến, bệnh nhân bị rung nhĩ thường cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược, đổ mồ hôi và thậm chí đau ngực.

2. Biện pháp giúp dự phòng xuất hiện cơn rung nhĩ

2.1 Hạn chế Caffein

Đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà, nước tăng lực ... có thể làm gia tăng nhịp tim, tăng tần số xuất các nhịp tim bất thường khiến cho cơn rung nhĩ dễ xảy ra hơn. Vì vậy, những người rung nhĩ nên hạn chế những loại nước uống có chứa caffein, các loại nước tăng lực.

2.2 Tránh rượu bia, đặc biệt là uống rượu quá mức

Đối với người lớn khỏe mạnh chỉ nên dùng 1 - 2 ly rượu nhỏ mỗi ngày. Nhưng đối với người bệnh rung nhĩ, việc sử dụng bia rượu sẽ gây ra nhịp tim nhanh và các triệu chứng khác của rung nhĩ.

Để giảm nguy cơ xuất hiện cơn rung nhĩ, người bệnh rung nhĩ nên đổi đồ uống có cồn sang loại đồ uống ít calo khác như các loại nước ép hoa quả nguyên chất ...

2.3 Ăn chuối hoặc các loại hoa quả giàu Kali

Các nghiên cứu đều cho thấy nếu hàm lượng kali trong máu của bạn thấp, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn mắc rung nhĩ.

Để dự phòng mắc rung nhĩ bạn nên sử dụng chuối trong bữa tráng miệng. Chuối chứa nhiều kali và các chất dinh dưỡng khác tốt cho tim mạch.

Nếu không thích ăn chuối bạn có thể lựa chọn các loại hoa quả khác chứa nhiều kali như bơ, hạt đậu...


Bạn nên bổ sung chuối vào chế độ ăn để ngăn ngừa rung nhĩ
Bạn nên bổ sung chuối vào chế độ ăn để ngăn ngừa rung nhĩ

2.4 Nhúng đầu vào nước lạnh

Khi nhúng đầu vào nước lạnh hoặc tắm nước lạnh sẽ kích thích dây thần kinh phế vị khiến nhịp tim của bạn chậm lại.

Ngay cả khi đặt 1 viên đá lạnh lên trán hoặc đứng ở cửa tủ lạnh mở ra trong vài phút cũng giúp giảm nhịp tim của bạn.

2.5 Tập một tư thế Yoga

Tập luyện Yoga là một cách phổ biến để giảm căng thẳng và nâng cao thể lực. Trong một nghiên cứu trên 80 người bị rung nhĩ tập Yoga cho biết: “ Chất lượng cuộc sống tốt hơn, huyết áp và nhịp tim tốt hơn”.

Bạn có thể tìm hiểu một số động tác Yoga đơn giản ở trên mạng hoặc hãy tìm một phòng tập Yoga cộng đồng gần nhà hoặc tham gia các lớp học trực tuyến.

Tập luyện giúp tim bạn khỏe mạnh hơn, giảm căng thẳng. Giảm căng thẳng giúp giảm cân và mang lại cho bạn tâm trạng tốt hơn.

Ngoài ra, viện tập luyện thường xuyên cũng giúp dự phòng các cơn rung nhĩ, giảm nguy cơ tử vong vì tim mạch hơn so với người lười vận động.

2.6 Thử làm nghiệm pháp Valsalva

Một kỹ thuật thở được gọi là nghiệm pháp Valsalva có thể giúp dự phòng cơn rung nhĩ. Nghiệm pháp Valsalva được thực hiện bằng cách thở ra gắng sức cùng lúc với đóng nắp thanh môn sau khi đã hít vào tối đa.

2.7 Hít thở sâu bằng bụng

Thở bằng bụng là một cách nhanh chóng và thư giãn để làm chậm nhịp tim.

Nằm ngửa, gối đầu nhẹ, 2 đầu gối nâng cao nhẹ. Một tay đặt lên trái tim và tay kia đặt dưới khung sườn, hít vào từ từ bằng mũi và thở ra bằng đôi môi mím lại. Bạn cũng có thể thực hiện kỹ thuật này khi ngồi.

2.8 Chế độ ăn lành mạnh

Một chế độ ăn lành mạnh là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn rung nhĩ. Người bệnh rung nhĩ nên tập trung sử dụng các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn protein từ thực vật như đậu.Các sản phẩm sữa có ít hoặc không có chất béo và các loại thịt nạc như cá và thịt gia cầm nên được lựa chọn.

Hạn chế ăn thức ăn mặn, nhiều đường hoặc chất béo bão hòa. Đặc biệt cần tránh chất béo chuyển hóa nhân tạo ( artificial trans fat)

2.9 Ăn nhạt

Việc ăn mặn không chỉ gây ra huyết áp cao, nồng độ natri trong máu cao, mà còn liên quan đến nguy cơ xuất hiện rung nhĩ.

Nên hạn chế sử dụng các loại thức ăn mặn như pizza, thịt nguội, nước sốt salad, súp..., hạn chế sử dụng các loại gia vị như nước mắm, mì chính, nước tương... để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bạn nên kiểm tra hàm lượng natri trên nhãn mác sản phẩm trước khi sử dụng. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về định mức natri hàng ngày của mình

2.10 Uống đủ nước

Nếu bạn cảm thấy khát và nước tiểu có màu vàng sẫm: Có thể bạn đang bị thiếu nước. Điều đó có nghĩa bạn có nguy cơ xuất hiện rung nhĩ cao hơn.


Uống đủ nước có thể hạn chế nguy cơ bị rung nhĩ
Uống đủ nước có thể hạn chế nguy cơ bị rung nhĩ

Bạn có thể uống bất kỳ loại nước nào bạn thích trừ rượu bia, cà phê, nước uống tăng lực. Bạn nên uống nhiều các loại nước ép hoa quả tươi, thậm chí chỉ nước lọc thôi cũng rất tốt cho cơ thể bạn.

Rung nhĩ hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu người bệnh có thể kiểm soát được các áp dụng các biện pháp dự phòng, đồng thời uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và kiểm tra nồng độ máu thường xuyên.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán rung nhĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe