Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Nội Tim mạch và Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Rung nhĩ là một trong những dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất trên thế giới. Việc phòng bệnh hoặc điều trị tốt bệnh rung nhĩ đóng vai trò quan trọng trong việc tránh được những biến chứng nặng nề mà rung nhĩ có thể gây ra, bao gồm cả đột quỵ.
1. Rung nhĩ là gì?
Ở người bình thường, tim gồm có bốn buồng, hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất lớn hơn nằm bên dưới. Tâm nhĩ phải nhận máu nghèo oxy từ các cơ quan trong cơ thể, đưa xuống tâm thất phải để tống máu lên phổi, nơi xảy ra quá trình trao đổi khí để trở thành máu giàu oxy. Tâm nhĩ trái nhận máu giàu oxy từ phổi và đưa xuống tâm thất trái để đưa máu đi nuôi khắp cơ thể.
Sở dĩ có dòng màu luân chuyển được tim là nhờ vào hoạt động co bóp đồng bộ và nhịp nhàng của các buồng tim. Tim có khả năng tự phát xung động nhờ vào nút xoang chủ nhịp nằm trong tâm nhĩ phải, gần với vị trí đổ vào buồng nhĩ phải của tĩnh mạch chủ trên. Xung động do nút xoang phát ra có tần số trung bình khoảng 60 - 100 nhịp / phút và được dẫn truyền đến các thành phần khác trong quả tim thông qua một hệ thống dẫn truyền đến tận từng tế bào cơ tim. Chính nhờ sự phát xung và hệ thống dẫn truyền xung động này mà các buồng tim co bóp đều đặn và thực hiện tốt nhiệm vụ bơm máu đi nuôi cơ thể của mình.
Khi có bất thường trong hệ thống phát xung và/ hoặc dẫn truyền xung động, rối loạn nhịp tim sẽ xuất hiện. Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp rất phổ biến trên lâm sàng. Trong bệnh rung nhĩ, nút xoang mất khả năng làm chủ nhịp, thay vào đó nhiều vị trí khác nhau trong buồng nhĩ thay nhau phát xung liên tục kích thích các thớ cơ của tâm nhĩ rung lên. Tần số phát xung tại các điểm trong hai buồng nhĩ rất lớn nhưng không đều, khoảng 350 - 600 nhịp/ phút. Hai tâm nhĩ không co bóp nửa mà chỉ rung lên, vì thế giảm lượng máu xuống tâm thất và tăng lượng máu ứ đọng lại ở buồng tâm nhĩ, kích thích quá trình đông máu dẫn đến việc hình thành các cục máu đông nhỏ trong buồng nhĩ. Ngoài ra, nếu các xung động với tần số nhanh này lan xuống hai tâm thất, sẽ làm tăng tần số nhịp tim, trong trường hợp tần số tim quá nhanh sẽ tạo ra những nhát bóp không hiệu quả (nhát bóp rỗng), làm giảm lượng máu đưa đi nuôi cơ thể, người bệnh có thể bị hạ huyết áp hoặc ngất xỉu.
Nhiều thống kê cho thấy trong dân số, số lượng người mắc rung nhĩ rất cao. Bệnh rung nhĩ còn làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ lên đến 5 lần so với những người bình thường và là nguyên nhân cho hơn 25% các trường hợp đột quỵ trên lâm sàng. Bệnh rung nhĩ không thể tự khỏi và thường tiến triển nặng lên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Yếu tố nguy cơ gây rung nhĩ
Nguyên nhân trực tiếp và cơ chế xuất hiện rung nhĩ hiện vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh rung nhĩ. Yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân gây bệnh, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ, có khả năng bị bệnh rung nhĩ cao hơn hoặc nếu khi mắc bệnh thì nguy cơ diễn tiến nặng và gặp nhiều biến chứng cũng tăng lên. Một số yếu tố nguy cơ đã được công nhận như:
- Tuổi: người cao tuổi, nhất là những người trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn trong nhóm các bệnh nhân rung nhĩ so với người trẻ.
- Bệnh lý tim mạch: Rung nhĩ có mối liên quan chặt chẽ tới bệnh tăng huyết áp. Các bệnh lý liên quan đến hệ động mạch vành, bệnh van tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, hoặc sau các phẫu thuật can thiệp lên tim, bệnh tim bẩm sinh cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh rung nhĩ.
- Bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, lạm dụng chất kích thích làm tăng khả năng bị rung nhĩ.
- Một số bệnh toàn thân như cường giáp không được phát hiện và kiểm soát tốt cũng tăng nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp nhĩ như nhịp nhanh nhĩ đa ổ, rung nhĩ.
3. Chẩn đoán rung nhĩ
Chẩn đoán bệnh rung nhĩ dựa trên các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng, mặc dù nhiều bệnh nhân rung nhĩ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Rung nhĩ thường khiến cho người bệnh có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực do tim đập với tần số rất nhanh, thường >100 nhịp/ phút.
Bệnh nhân rung nhĩ do tim hoạt động bơm máu không có hiệu quả nên dễ rơi vào trạng thái khó thở, thở hụt hơi, thậm chí ngất hoặc tụt huyết áp rất nguy hiểm. Đau ngực, vã mồ hôi, choáng váng cũng có thể xảy ra khi tâm thất đập với tần số nhanh, đặc biệt trên những bệnh nhân có kèm theo bệnh mạch vành.
Rung nhĩ kéo dài không được điều trị và phát hiện sớm có thể sẽ dẫn đến suy tim xung huyết. Khi đến giai đoạn suy tim, người bệnh dễ cảm thấy mệt mỏi khi gắng sức hoặc khi nghỉ ngơi, giảm khả năng hoạt động, xuất hiện phù, nổi tĩnh mạch cổ.
Trong thực hành lâm sàng, rung nhĩ được chẩn đoán dựa vào điện tâm đồ. Việc theo dõi nhịp tim và các đặc điểm dẫn truyền giúp đánh giá những rối loạn nhịp tim bất thường một cách chi tiết hơn.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán rung nhĩ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.