Cầu răng sứ ngày càng trở nên phổ biến giúp mang lại hình dạng ban đầu, hỗ trợ việc nhai nuốt và đem lại sự tự tin cho những người không may có vấn đề về răng miệng. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng liệu làm cầu răng sứ có đau không?
1. Cầu răng sứ là phương pháp gì?
Cầu răng sứ là một hình thức phục hình răng cố định bằng cách thay thế những chiếc răng bị mất giúp mang lại kết quả toàn diện cho hàm răng cả về tính thẩm mỹ cho gương mặt và chức năng ăn nhai của người bệnh.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng hai chiếc răng cạnh răng đã mất để làm trụ, từ đó dùng một mão sứ được gọi là cầu răng để chụp lên trên giúp che đi khoảng trống răng bị mất. Nhịp cầu này sẽ có thể gồm từ 2, 3 hay 4 răng gắn liền nhau không chỉ giúp khôi phục lại khoảng trống do mất răng một cách tự nhiên mà còn ngăn ngừa tình trạng lệch khớp cắn, đảm bảo tính thẩm mỹ cho gương mặt.
Tuy nhiên, cần chú ý là trước khi thực hiện việc đặt mão sứ lên các trụ cầu, bác sĩ cần phải mài bớt phần răng thật để đảm bảo khi đặt cầu lên phần răng không bị nhô ra quá nhiều. Vì vậy, phần men răng của người bệnh sau khi áp dụng phương pháp này thì không thể trở về như trước được.
2. Những ai cần làm cầu răng sứ?
Những người thực hiện cầu răng sứ là các trường hợp bị mất liên tiếp từ một đến 2 chiếc răng có chỉ định hoặc nhu cầu phục hình. Điều kiện để thực hiện cầu răng sứ chỉ cần 2 răng nằm hai bên phần răng bị mất chắc khỏe, không mắc bệnh lý để làm trụ nền tảng cho nhịp cầu.
Nếu bạn thuộc các trường hợp sau đây thì có thể áp dụng kỹ thuật làm cầu răng sứ:
- Răng bị sâu nặng, mất hết cả phần chân răng không thể bọc răng sứ.
- Răng buộc phải nhổ bỏ do bị gãy răng
- Người mất răng mà sức khỏe không đảm bảo để thực hiện cấy ghép Implant.
- Cầu răng sứ có thể được thực hiện cho 1 – 3 răng mất liên tiếp trên hàm.
- Các răng bên cạnh răng bị mất vẫn còn đảm bảo chắc khỏe để làm trụ cầu.
3. Các loại cầu răng sứ phổ biến hiện nay
Hiện tại, có 3 loại cầu răng sứ thường được các bác sĩ áp dụng là:
- Cầu răng sứ truyền thống
Đây là loại cầu răng sứ được nhiều người bệnh ưu tiên lựa chọn nhất. Để thực hiện kỹ thuật này cần cần phải mài nhỏ 2 răng bên cạnh làm trụ cầu trước khi đặt mão tạo thành cầu răng sứ gắn cố định lên trên.
Ưu điểm của loại cầu răng sứ này là nhỏ, nhẹ và không ảnh hưởng đến quá trình ăn nhai của người bệnh. Tuy nhiên, nhược điểm chính là phần men răng của các răng được dùng làm trụ sẽ bị mài nhỏ để bọc sứ có thể ảnh hưởng răng thật vì vậy, người bệnh nếu muốn cầu răng sứ bền lâu thì cần phải theo dõi thường xuyên.
+ Cầu răng sứ cánh dán
Đây là loại cầu răng sứ được sử dụng cho vùng răng trước được tạo thành từ một dải kim loại các loại răng giả – gọi là cánh dán. Cánh dán này sẽ được cố định vào các răng trụ bằng xi măng nha khoa. 2 đầu khoảng mất răng sẽ là nơi cố định cánh dán trong khi ở giữa là các răng giả. Chống chỉ định áp dụng cầu răng cánh dán đối với những trường hợp khớp cắn chéo và khớp cắn sâu.
Ưu điểm lớn nhất của loại cầu răng sứ này là chỉ cần điều chỉnh đường viền của răng trụ và chi phí thực hiện tiết kiệm hơn nhiều so với cầu răng truyền thống. Tuy nhiên, nhược điểm là phần kim loại của cầu răng cánh dán sẽ thường xuống màu theo thời gian khiến cho càng về sau răng trụ càng bị tối màu.
+ Cầu răng sứ nhảy
Đây là loại cầu răng sứ được áp dụng khi răng bị mất nằm ở vị trí răng cửa và vùng răng bên, đây là những vị trí thường ít chịu tác động của lực nhai. Cấu tạo của cầu răng sứ nhảy đa phần tương tự như cầu răng sứ truyền thống chỉ khác là phần trụ răng chống đỡ sẽ chỉ nằm ở 1 bên thay vì cả 2 bên như phương pháp truyền thống.
4. Làm cầu răng sứ có đau không?
Nhiều khách hàng trước khi thực hiện làm cầu răng sứ thường lo lắng liệu có đau không vì kỹ thuật này yêu cầu khách hàng phải loại bỏ khá nhiều men răng thật thực hiện việc bắc cầu răng một cách chắc chắn.
Theo các bác sĩ nha khoa, trong quá trình thực hiện làm cầu răng sứ người bệnh sẽ hoàn toàn không đau.
Điều này là do suốt quá trình mài răng, người bệnh sẽ được bác sĩ thực hiện gây tê với liều lượng thích hợp làm cho mất cảm giác tạm thời nên sẽ không còn cảm giác đau nhức.
Sau khi thực hiện xong khoảng 1 -2 giờ, thuốc tê sẽ bắt đầu giảm và hết tác dụng thì người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau nhức, khó chịu và ê ẩm do những tổn thương trên bề mặt răng gây ra.
Đây là triệu chứng hoàn toàn bình thường sau khi bắc cầu răng. Cảm giác đau nhiều nhất sẽ kéo dài trong 2 ngày đầu và giảm dần trong 4 – 5 ngày và tối đa đến 1 tuần người bệnh sẽ hết đau.
5. Làm cầu răng sứ đau kéo dài do đâu?
Thông thường những cơn đau sau làm cầu răng sẽ kéo dài trong một tuần đầu, nếu cảm giác đau nhức, ê ẩm của bạn vẫn không thuyên giảm sau khoảng 1 tuần thì có thể trong quá trình bắc cầu răng của bạn đã xảy ra vấn đề:
- Do bác sĩ mài quá tay
Làm cầu răng sứ có đau không có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi trình độ, kinh nghiệm và tay nghề mài răng của bác sĩ nha khoa. Vì cấu trúc men răng của mỗi người không giống nhau hoàn toàn và độ chắc khỏe cũng sẽ khác nhau nên nếu chỉ dựa vào tỷ lệ mài răng trên lý thuyết thì nguy cơ mắc sai sót sẽ cao hơn nhiều.
Vì vậy, nếu được thực hiện bởi những bác sĩ không có nhiều kinh nghiệm sẽ dễ bị mài quá lực làm cho men răng bị lấy đi quá mức tiêu chuẩn sẽ làm lộ ngà răng dẫn đến gây cảm giác ê buốt.
- Khớp cắn quá cao
Sau khi thực hiện làm cầu răng sứ mà người bệnh bị đau kéo dài có thể do gặp vấn đề về khớp cắn. Nếu kích thước hay độ cao của chiếc răng mới không chuẩn so với các răng tự nhiên tạo ra áp lực lên xương hàm và gây đau nhức. Vì vậy, điều chỉnh khớp cắn cũng là một trong những kỹ thuật khó trong khi làm cầu răng đối với mỗi nha sĩ.
Cùng với đó, thiết kế răng sứ không chuẩn cũng sẽ là nguyên nhân làm cho bề mặt tiếp xúc của răng trụ với răng đối diện không chuẩn, khiến người bệnh bị đau thêm ở chiếc răng đối diện.
- Sâu răng
Những cơn đau sau khi làm cầu răng có thể do răng trụ hoặc những chiếc răng khác trong hàm bị sâu. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì việc chăm sóc răng miệng tốt và đảm bảo chất lượng cầu răng thì tỷ lệ người bệnh gặp phải triệu chứng đau do sâu răng sẽ rất thấp.
Nhịp cầu răng để cố định sẽ được bịt kín bởi các loại keo nha khoa trong khi thân răng sứ cũng kháng hầu hết các loại vi khuẩn nên khả năng sâu răng tấn công lên hệ thống răng trụ và cầu răng là rất thấp.
Trường hợp này có thể xảy ra nếu thân răng sứ bị nứt vỡ hoặc lớp keo nha khoa bị hở mà không được khắc phục kịp thời sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn sẽ xâm nhập vào và gây ra sâu răng làm những cơn đau ở cầu răng sứ bắt đầu xuất hiện.
- Chứng nghiến răng
Nhiều người có thói quen nghiến răng khi ngủ mà không biết rằng việc này sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên cầu răng, từ đó tác động phần răng thật ở phía dưới, thậm chí tới cả xương hàm. Nếu cảm giác đau do hiện tượng nghiến răng kéo dài sẽ có thể gây gãy cầu răng hoặc viêm xương hàm.
6. Phòng ngừa bị đau kéo dài sau làm cầu răng sứ
Để làm cầu răng sứ không bị đau, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Lựa chọn các bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm để trực tiếp thực hiện.
- Sử dụng các thuốc giảm đau được kê theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Không nên ăn nhai các thực phẩm cứng sau khi làm cầu răng sứ, đặc biệt là trong tuần đầu tiên, nên ăn các thực phẩm mềm, dễ nhai.
- Đảm bảo vệ sinh răng miệng, đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và có thể kết hợp thêm các loại nước súc miệng chuyên dụng.
- Nếu khách hàng có chứng nghiến răng, hãy thông báo cho bác sĩ để được tư vấn đeo máng chống nghiến răng.
- Thăm khám nha khoa thường xuyên và định kỳ để sớm phát hiện các bất thường, đặc biệt là khi những cơn đau xảy ra, người bệnh không nên tự chữa tại nhà.
Làm cầu răng sứ là giải pháp hiệu quả và an toàn cho những người bị mất răng giúp phục hình răng miệng và đem lại sự tự tin trong giao tiếp. Làm răng cầu răng sứ hoàn toàn không đau nếu được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm và quy trình đảm bảo cũng như quá trình chăm sóc đúng đắn của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.