Lactoferrin là loại protein đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch tự nhiên, tìm thấy chủ yếu trong sữa mẹ và đặc biệt là sữa non. Vậy tác dụng của Lactoferrin là gì và cha mẹ nên bổ sung Lactoferrin cho con như thế nào?
1.Lactoferrin là gì?
Lactoferrin bản chất là một protein thuộc họ Transferrin và là thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể người. Hiện nay Lactoferrin chỉ tìm thấy trong sữa động vật có vú, bao gồm cả sữa mẹ và đặc biệt là sữa non. Lactoferrin trong sữa non có thể chiếm tỷ lệ lên đến 25% tổng lượng chất đạm. Lactoferrin được sản xuất trong sữa mẹ từ giai đoạn mang thai. Lượng Lactoferrin trong sữa sẽ đạt giá trị cao nhất ở giai đoạn mới sinh và giảm dần khi bé được 9 tháng tuổi (gần như không còn Lactoferrin trong sữa). Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đã sản xuất được Lactoferrin trong sữa công thức, từ đó mang lại hy vọng tăng cường đề kháng cho những bé không được bú sữa mẹ.
Lactoferrin được đánh giá là một phần của hệ thống miễn dịch bẩm sinh khi tham gia gián tiếp vào các phản ứng miễn dịch đặc hiệu. Lactoferrin có vị trí chiến lược trên bề mặt niêm mạc, do đó nó sẽ là hệ thống phòng thủ đầu tiên của cơ thể để chống lại các tác nhân bên ngoài xâm nhập, chủ yếu là thông qua các mô niêm mạc. Lactoferrin tác động đến quá trình tăng trưởng và phân bố của một loạt các tác nhân truyền nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm, các chủng virus, động vật nguyên sinh hoặc cả vi nấm.
2.Tác dụng của Lactoferrin đối với hệ miễn dịch
Lactoferrin được coi là một phần quan trọng của hệ miễn dịch bẩm sinh, giữ vị trí phòng thủ tuyến đầu chống lại các tác nhân vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Bản chất Lactoferrin là một chất protein nhưng nó lại có một khả năng đặc biệt là liên kết mạnh mẽ với các phân tử sắt, đồng nghĩa Lactoferrin sẽ “giành giật” chất sắt với các chủng vi khuẩn gây bệnh.
Nhờ vào khả năng cạnh tranh chất sắt rất cao của mình nên Lactoferrin trở thành một yếu tố miễn dịch quan trọng hàng đầu của cơ thể. Tác dụng của Lactoferrin bao gồm ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn, virus và vi sinh vật, qua đó hỗ trợ bảo vệ cơ thể tốt hơn.
Vai trò của Lactoferrin đối với hệ thống miễn dịch được thể hiện qua các khía cạnh sau:
- Lactoferrin có điện tích dương, do đó sẽ gắn kết với các phân tử mang điện tích âm trên bề mặt tế bào vi khuẩn. Kết quả là giúp trung hòa điện tích, tạo điều kiện cho lysozyme phá hủy màng tế bào vi khuẩn;
- Lactoferrin gắn trực tiếp lên Glycosaminoglycans (GAGs), qua đó có tác dụng ngăn cản quá trình gắn virus vào tế bào vật chủ. Cơ chế này có tác dụng trên nhiều chủng virus khác nhau, bao gồm những virus gây bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ như Herpes simplex, HIV, Hepatitis B virus, CMV...
Cha mẹ có thể tăng cường bổ sung Lactoferrin trong sữa công thức như một biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn. Việc kết hợp Lactoferrin với trong các loại thuốc đặc hiệu vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch, vừa hạn chế được tác dụng phụ của thuốc đối với sức khỏe của bé.
Theo một báo cáo công bố trên Tạp chí Nhiễm trùng và Hóa trị năm 2014, Lactoferrin ức chế quá trình gắn virus với tế bào trong cơ thể và sự nhân lên của virus. Tác dụng kìm khuẩn của Lactoferrin có phổ rộng, bao gồm vi khuẩn Gram âm và gram dương, vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí, virus, nấm và ký sinh trùng.
3.Một số tác dụng khác của Lactoferrin
- Cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn da: Theo kết quả một nghiên cứu công bố trên tờ Dinh dưỡng năm 2010, sử dụng Lactoferrin giúp giảm mụn, kiểm soát tình trạng viêm nhiễm trên da, điều trị mụn trứng cá và chứng da giảm tiết bã nhờn. Vai trò này của Lactoferrin có được bởi khả năng kìm khuẩn và chống viêm rất tốt;
- Giảm tình trạng loãng xương: Theo một báo cáo thử nghiệm công bố trên tạp chí khoa học PLoS One năm 2015, Lactoferrin kết hợp với Hydroxyapatite khoáng chất có khả năng kích thích tăng sinh tế bào tạo xương;
- Ngăn ngừa tổn thương do lão hóa: Lactoferrin bổ sung cho cơ thể nguồn đạm lớn, hỗ trợ nuôi dưỡng tế bào và chống lại quá trình lão hoá do thiếu chất nuôi tế bào. Đồng thời, Lactoferrin liên kết với sắt, qua đó loại bỏ các gốc tự do từ sắt giúp ngăn ngừa các tổn thương do lão hoá;
- Thúc đẩy lợi khuẩn đường ruột: Theo một báo cáo công bố trên Tạp chí Thế giới Gastroenterology năm 2014, Lactoferrin trong sữa công thức có thể hỗ trợ loại bỏ Helicobacter pylori và giảm tỷ lệ nhiễm trùng nhờ cơ chế phá hủy màng tế bào vi khuẩn. Đồng thời nó còn thúc đẩy hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột và dạ dày phát triển;
- Điều hòa quá trình trao đổi chất sắt: Cấu trúc phân tử Lactoferrin gồm 2 vị trí có khả năng gắn và vận chuyển sắt tự do đến tế bào. Không những cạnh tranh sắt với vi khuẩn, Lactoferrin còn tước bỏ sắt trong cấu trúc của vi sinh vật nhờ ái lực với sắt rất mạnh;
- Cải thiện tình trạng tiêu chảy: Năm 2015, khoa Nội thuộc Trung tâm Y tế Đại học Rush, Chicago đã thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của Lactoferrin trong tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp của trẻ cai sữa". Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ xuất hiện của các bệnh liên quan đến tiêu chảy ở trẻ em ở nhóm uống sữa non Lactoferrin và trẻ bú sữa mẹ thấp hơn đáng kể so với nhóm trẻ uống sữa không chứa Lactoferrin. Tuy nhiên, cơ chế của tác dụng này vẫn chưa được xác định;
- Hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư: Lactoferrin có khả năng kháng lại vi khuẩn Helicobacter Pylory, tác nhân gây ung thư dạ dày, đường ruột. Một số khảo sát cho thấy, chúng còn ngăn ngừa quá trình di căn của các tế bào ác tính. Tuy nhiên, cơ chế tác dụng này của Lactoferrin vẫn cần được nghiên cứu thêm.
4.Đối tượng nào nên bổ sung Lactoferrin?
Bất kỳ đối tượng nào cũng nên bổ sung Lactoferrin để tăng cường chức năng của hệ miễn dịch, qua đó ngăn ngừa được nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó một số đối tượng đặc biệt sau đây nên tăng cường bổ sung Lactoferrin:
- Trẻ em: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ trong ít nhất trong 6 tháng đầu đời, khi đó có thể không cần cung cấp thêm Lactoferrin. Trường hợp mẹ ít sữa hoặc không thể cho con bú thì mẹ nên bổ sung các sản phẩm sữa Lactoferrin cho trẻ sơ sinh phù hợp;
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú: Việc bổ sung Lactoferrin từ các sản phẩm ngoài sẽ hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho cả mẹ và thai nhi;
- Người già, người mới khỏi bệnh hoặc người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như viêm gan B, HIV/AIDS...
5.Bổ sung Lactoferrin bằng cách nào?
Đối với trẻ sơ sinh, cách tốt nhất để bổ sung Lactoferrin là bú sữa mẹ bởi Lactoferrin được tìm thấy nhiều nhất ở sữa mẹ sau sinh, đặc biệt là sữa non. Tuy nhiên, bé càng lớn thì hàm lượng Lactoferrin trong sữa mẹ càng giảm, đến khi bé được 9 tháng thì sữa mẹ hầu như không còn Lactoferrin nữa. Lúc này, mẹ cần bổ sung cho con Lactoferrin trong sữa công thức nhằm cung cấp đủ lượng Lactoferrin cần thiết cho cơ thể.
Đối với mẹ bầu, người già, người mới ốm dậy, người sức khỏe yếu cần sử dụng thêm sản phẩm chứa Lactoferrin phù hợp.