Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ vô sinh

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý ngày càng nhận được sự quan tâm trong thời gian gần đây, trong đó các mô đáng lẽ phát triển trong tử cung lại được tìm thấy ở các bộ phận khác trên cơ thể. khoảng 10% phụ nữ có thể gặp tình trạng này

1. Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô thường lót trong tử cung (nội mạc tử cung) phát triển bên ngoài. Lạc nội mạc tử cung thường ảnh hưởng đến buồng trứng, ống dẫn trứng, ruột, trực tràng hoặc bàng quang. Các u nang, tổn thương hoặc mô sẹo phát triển và khiến vùng xung quanh dày lên.

Một số phụ nữ có ít hoặc không có cảm giác khó chịu do lạc nội mạc tử cung, nhưng những người khác lại có thể cảm thấy đau vào những ngày trước kỳ kinh, trong khi có kinh hoặc khi quan hệ tình dục. Một số bị đau trong suốt thời gian đó.

Nếu bạn bị lạc nội mạc tử cung, các mô nội mạc trong lòng tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung và lan ra ống dẫn trứng. Những mô lạc chỗ này vẫn hoạt động như các mô nội mạc tử cung bình thường, điều này có nghĩa là chúng sẽ bị bong ra và chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, máu không thể chảy ra ngoài cơ thể mà bị ứ đọng lại, gây ra chảy máu bên trong và hiện tượng viêm, phù nề, dẫn đến nhiều triệu chứng khác do chúng phát triển bên ngoài tử cung.


Bệnh nhân lạc nội mạc tử cung có thể bị đau rát khi quan hệ
Bệnh nhân lạc nội mạc tử cung có thể bị đau rát khi quan hệ

Lạc nội mạc tử cung thường liên quan đến ống dẫn trứng, buồng trứng, ruột hoặc các mô vùng chậu chậu, tuy rất hiếm xảy ra nhưng đôi khi lạc nội mạc tử cung lan ra các cơ quan ngoài vùng chậu. Các mô lạc nội mạc bao quanh có thể bị kích thích và gây đau đớn, hình thành mô sẹo và các túi chứa chất dịch khiến bạn khó mang thai.

Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ ở Hoa Kỳ, và khoảng 25 % phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có vấn đề về khả năng sinh sản.

2. Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung?

Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên lạc nội mạc tử cung. Theo đó, mô nội mạc tử cung thường được đào thải khỏi cơ thể trong kỳ kinh nguyệt. Cơ thể đào thải mô ra ngoài thông qua cổ tử cung và âm đạo và một số mô có thể chảy ngược lại qua các ống dẫn trứng. Đôi khi mô cũng di chuyển vào vùng xung quanh của bụng.

Điều này thường không gây ra vấn đề, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng ở một số phụ nữ, mô nội mạc tử cung làm tổ bên ngoài tử cung và dẫn đến lạc nội mạc tử cung.

Những người khác tin rằng hệ thống miễn dịch có liên quan đến lạc nội mạc tử cung. Theo lý thuyết này, hệ thống miễn dịch sẽ phá hủy các mô bất thường trước khi nó bám vào bên ngoài tử cung. Lạc nội mạc tử cung là kết quả khi hệ thống miễn dịch không thể loại bỏ các mô đặt nhầm chỗ.

Một giả thuyết khác cho rằng lạc nội mạc tử cung phát triển từ tàn tích của mô phôi thai của chính người phụ nữ. Dưới đây là một số yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạc nội mạc tử cung:

  • Sự trào ngược của kinh nguyệt: máu kinh có chứa các tế bào nội mạc tử cung chảy ngược lại thông qua các ống dẫn trứng vào trong khoang chậu, khiến các tế bào này dính vào phúc mạc vùng chậu và các bề mặt của các cơ quan vùng chậu thay vì di chuyển ra ngoài cơ thể.
  • Sự chuyển dạng tế bào phôi thai: tế bào phôi thai trong vùng chậu có thể chuyển dạng thành những tế bào dạng nội mạc tử cung ở giai đoạn dậy thì do tác động của hormone estrogen
  • Từng thực hiện phẫu thuật: những vết sẹo hình thành do phẫu thuật như cắt bỏ tử cung hoặc mổ lấy thai có thể khiến các tế bào nội mạc tử cung dính vào đó, gây lạc nội mạc tử cung. Hệ thống mạch máu và mạch bạch huyết có thể đem tế bào nội mạc tử cung đi khắp cơ thể.
  • Rối loạn hệ miễn dịch: khi mắc tình trạng này, cơ thể bạn không thể nhận diện và phá hủy các mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung gây ra lạc nội mạc tử cung.

Sẹo tử cung có thể là nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung
Sẹo tử cung có thể là nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung

3. Những dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung là gì?

Một số phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung không xuất hiện biểu hiện gì. Những người khác có thể có một hoặc nhiều triệu chứng với các mức độ từ nhẹ đến nặng như sau:

  • Đau ngay trước kỳ kinh
  • Đau vùng chậu, lưng hoặc một bên khi có kinh
  • Chảy máu nhiều trong kỳ kinh
  • Đi tiêu đau đớn, tiêu chảy hoặc táo bón trong kỳ kinh
  • Đau hoặc đi tiểu thường xuyên trong kỳ kinh
  • Quan hệ tình dục gây đau đớn
  • Khó mang thai
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài hơn hoặc bị chảy nhiều máu hơn hoặc ra máu âm đạo giữa chu kỳ kinh
  • Xuất hiện máu trong phân, nước tiểu
  • Vô sinh

Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác, chẳng hạn như mệt mỏi, đầy hơi, buồn nôn, đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt.


Đau lưng khi có kinh là một trong những dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung
Đau lưng khi có kinh là một trong những dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung

4. Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung?

Nếu bạn có dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung, hãy theo dõi các triệu chứng này hàng ngày trong vài tháng. Theo đó, cần lưu ý những vấn đề bạn gặp phải và ảnh hưởng của chúng đến các hoạt động, sau đó chia sẻ thông tin với bác sĩ.

Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng mà bạn có, thảo luận về tiền sử bệnh của bạn và khám phụ khoa. Trong khi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra tử cung xem có u nang, thay đổi vị trí, đau bất thường và xem một số khu vực có cảm thấy dày hơn bình thường hay không? Siêu âm có thể được thực hiện để kiểm tra các u nang trong buồng trứng.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị lạc nội mạc tử cung, họ sẽ chỉ định bạn thực hiện nội soi để xác định chẩn đoán trước khi bạn bắt đầu điều trị. Thủ thuật này mất khoảng một ngày:

  • Đầu tiên, bác sĩ sẽ thực hiện gây mê rạch một đường nhỏ gần rốn và đưa một ống mỏng có ánh sáng vào (ống soi ổ bụng).
  • Bụng của bạn sau đó sẽ được chứa đầy khí carbon dioxide để giúp dễ dàng nhìn thấy các cơ quan trước khi kiểm tra kích thước, vị trí và số lượng nội mạc tử cung phát triển.
  • Bác sĩ cũng có thể cần lấy một mẫu mô để kiểm tra.

Các bác sĩ đánh giá lạc nội mạc tử cung bằng cách sử dụng một hệ thống điểm dựa trên số lượng và kích thước của các khối phát triển được tìm thấy trong quá trình nội soi. Có 4 cách phân loại:

  • Tối thiểu (1 đến 5 điểm)
  • Nhẹ (6 đến 15 điểm)
  • Trung bình (16 đến 40 điểm)
  • Nghiêm trọng (hơn 40 điểm)

5. Lạc nội mạc tử cung có chữa khỏi được không?

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để lạc nội mạc tử cung, tuy nhiên bạn có thể lựa chọn một số phương pháp điều trị thay thế nhằm mục đích làm giảm tác động của các triệu chứng bệnh. Phương pháp điều trị được đưa ra phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, cũng như vị trí và kích thước của các khối u.

Tuổi tác cũng là một yếu tố vì các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn lớn tuổi. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, các triệu chứng thường giảm dần.


Bước vào thời mãn kinh, các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung sẽ thuyên giảm
Bước vào thời mãn kinh, các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung sẽ thuyên giảm

6. Điều trị lạc nội mạc tử cung

Khi bệnh lạc nội mạc tử cung mà bạn mắc phải đã được phân loại là tối thiểu, nhẹ, trung bình hoặc nặng, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp điều trị có thể có. Các lựa chọn phụ thuộc vào việc bạn có đang muốn mang thai hay không.

6.1. Các lựa chọn nếu bạn muốn mang thai

Lạc nội mạc tử cung ở mức độ tối thiểu hoặc nhẹ

  • Bác sĩ có thể loại bỏ các khối phát triển bất thường trong quá trình nội soi. Trong trường hợp này, một phụ nữ có khoảng 40% cơ hội mang thai trong 8 đến 9 tháng sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Phụ nữ dưới 35 tuổi không có vấn đề gì khác về khả năng sinh sản có thể bỏ qua điều trị trong sáu tháng và cố gắng thụ thai tự nhiên. Nếu trong trường hợp không thụ thai trong thời gian đó, bác sĩ có thể đề nghị thử dùng thuốc hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong tử cung (IUI).
  • Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có thể muốn xem xét các loại thuốc hỗ trợ sinh sản với IUI hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trước khi kết thúc 6 tháng. Kết hợp clomiphene citrate với IUI mang lại khả năng mang thai từ 9 đến 10% trong mỗi chu kỳ điều trị. Kết hợp gonadotropins (thuốc tiêm kích thích rụng trứng cũng như sự phát triển của nhiều trứng) với IUI làm tăng cơ hội mang thai lên 9 đến 15% mỗi chu kỳ điều trị.
  • Phẫu thuật nội soi có thể hữu ích nếu điều trị bằng thuốc hỗ trợ sinh sản và IUI không thành công.

Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung nên thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) khi có kế hoạch có con
Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung nên thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) khi có kế hoạch có con

Lạc nội mạc tử cung trung bình hoặc nặng

  • Bạn có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở ổ bụng (phẫu thuật thông qua một vết rạch lớn hơn ở bụng).
  • Nếu bạn không thể mang thai từ ba đến sáu tháng sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện thụ tinh ống nghiệm, đặc biệt nếu bạn 35 tuổi trở lên. Cơ hội sinh con của bạn thông qua IVF là khoảng 42% đối với phụ nữ từ 34 tuổi trở xuống; 30% đối với phụ nữ từ 35 đến 37 tuổi; 21% đối với phụ nữ từ 38 đến 40 tuổi; 15% đối với phụ nữ từ 41 đến 42 tuổi; và 2% đối với phụ nữ từ 43 tuổi trở lên.

6.2. Các lựa chọn điều trị nếu bạn không muốn mang thai

Lạc nội mạc tử cung tối thiểu, nhẹ hoặc trung bình

  • Bạn cần đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh, nhưng có thể không cần điều trị y tế. Lạc nội mạc tử cung có khả năng biến mất khi bạn đến tuổi mãn kinh, không còn rụng trứng và ngừng kinh.
  • Nếu bạn chỉ bị đau nhẹ trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, thuốc giảm đau không kê đơn có thể đủ để giảm bớt sự khó chịu.
  • Thuốc tránh thai cũng có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách ngăn chặn sự rụng trứng, do đó nội mạc tử cung chảy máu ít hơn và ít thường xuyên hơn (vài tháng một lần thay vì mỗi tháng). Điều này làm chậm sự phát triển của u nang và mô sẹo mới, và có thể ngăn chặn sự tiến triển của lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung trung bình hoặc nặng

  • Đau do lạc nội mạc tử cung ở mức độ vừa hoặc nặng có thể được điều trị bằng các loại thuốc gọi là chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). Những loại thuốc này bắt chước những thay đổi nội tiết tố diễn ra trong thời kỳ mãn kinh bằng cách giảm nồng độ estrogen, khiến sự phát triển của nội mạc tử cung co lại và làm cho các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Mặt khác thuốc chủ vận GnRH ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung tiến triển, nhưng chúng không chữa khỏi nó. Khi bạn ngừng dùng thuốc, tình trạng này có thể quay trở lại. Các chất chủ vận GnRH cũng đắt tiền và có thể dẫn đến các tác dụng phụ tương tự như các tác dụng phụ do mãn kinh gây ra, chẳng hạn như bốc hỏa, khô âm đạo và mất mật độ xương.

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật khi bị lạc nội mạc tử cung nặng
Người bệnh được chỉ định phẫu thuật khi bị lạc nội mạc tử cung nặng

Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên sử dụng phương pháp điều trị này trong sáu tháng hoặc ít hơn. Tuy nhiên, nếu estrogen và progestin liều thấp được kê đơn để giảm thiểu tác dụng phụ, bạn có thể tiếp tục dùng thuốc chủ vận GnRH lâu hơn sáu tháng.

  • Nếu các triệu chứng không cải thiện sau khi điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện phẫu thuật. Nội soi hoặc phẫu thuật mở ổ bụng có thể loại bỏ các khối nội mạc tử cung mà không cần loại bỏ các cơ quan bị ảnh hưởng.
  • Nếu tình trạng rất nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ các cơ quan bị ảnh hưởng như ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc tử cung. Tất nhiên, nếu tử cung bị cắt bỏ, bạn sẽ không thể mang thai.

7. Điều trị lạc nội mạc tử cung mất bao lâu?

Tất cả các phương pháp điều trị đều giúp giảm tình trạng lạc nội mạc tử cung, nhưng không phương pháp nào chữa khỏi căn bệnh này. Ngay cả khi bạn lựa chọn liệu pháp hormone hoặc phẫu thuật, bệnh lạc nội mạc tử cung có thể trở lại hoặc trở nên tồi tệ hơn.

Dưới đây là một số gợi ý để xoa dịu cơn đau do lạc nội mạc tử cung gây ra ngay lập tức:

  • Nghỉ ngơi trên một chiếc ghế dài thoải mái hoặc trên giường.
  • Tắm nước ấm.
  • Đặt một chai nước nóng hoặc miếng chườm nóng lên bụng.
  • Ngăn ngừa táo bón bằng cách bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn của bạn với ngũ cốc, trái cây hoặc rau.
  • Thực hành các bài tập thư giãn như yoga, hít thở sâu, thiền định và hình dung.
  • Hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau theo toa hoặc không kê đơn.

Khi bị đau do lạc nội mạc tử cung gây ra bạn nên nghỉ ngơi
Khi bị đau do lạc nội mạc tử cung gây ra bạn nên nghỉ ngơi

8. Lạc nội mạc tử cung có thể ngăn ngừa được không?

Bạn không thể ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung mặc dù có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung gây ra.

Lạc nội mạc tử cung gần như là một tình trạng mãn tính và không có cách nào phòng tránh. Tuy nhiên, khi được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, có nhiều phương pháp điều trị giảm đau và phục hồi khả năng sinh sản. Bạn đừng quá lo lắng về bệnh vì không phải trường hợp lạc nội mạc tử cung nào cũng gây vô sinh. Đa phần những khó chịu do lạc nội mạc tử cung là tình trạng đau đớn mỗi khi hành kinh. Về phương diện này thì có nhiều thuốc giảm đau hỗ trợ để giúp bạn có thể trải qua những ngày này dễ dàng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe