Kinh nghiệm chữa lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa có tính chất mạn tính, diễn tiến phức tạp và dễ tái phát. Hiện nay việc chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vậy lạc nội mạc tử cung có chữa được không, kinh nghiệm chữa lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý liên quan đến sự xuất hiện của các tuyến nội mạc tử cung và mô đệm ở một vị trí khác ngoài tử cung. Những vị trí thường gặp bao gồm: Buồng trứng, cơ tử cung, tầng sinh môn, trong ổ bụng hoặc thành bụng, ở phúc mạc,... Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý khá phức tạp về mặt chẩn đoán và điều trị. Do đó, mặc dù hiện nay có rất nhiều phác đồ và hướng dẫn của nhiều tổ chức y tế lớn trên thế giới, nhưng kinh nghiệm chữa lạc nội mạc tử cung thường phụ thuộc vào từng bác sĩ điều trị và cũng như là từng bệnh nhân khác nhau.

1. Điều trị nội khoa lạc nội mạc tử cung

Điều trị nội khoa là lựa chọn đầu tiên trong cách chữa lạc nội mạc tử cung, tuy nhiên phương pháp nào cũng có ưu nhược điểm của riêng nó.

Ưu điểm:

  • Tránh tổn thương các cơ quan vùng chậu trong quá trình phẫu thuật.
  • Tránh nguy cơ hình thành dính sau mổ.
  • Điều trị lạc nội mạc tử cung thâm nhiễm mà không quan sát được trong quá trình điều trị.
  • Giảm được một phần chi phí y tế cho bệnh nhân.

Nhược điểm

  • Tác dụng phụ của thuốc.
  • Tỉ lệ tái phát cao sau ngưng điều trị.
  • Không hiệu quả trên dính đang tồn tại.
  • Không hiệu quả trên u lạc nội mạc tử cung.
  • Không hiệu quả trên hiếm muộn.
  • Các điều trị liên quan ức chế rụng trứng, ngăn cản có thai trong quá trình điều trị.
  • Điều trị nội khoa không cải thiện chức năng sinh sản, giảm u lạc nội mạc, hoặc điều trị biến chứng của lạc nội mạc tử cung thâm nhiễm sâu chẳng hạn như hẹp niệu quản.

2. Các thuốc chữa lạc nội mạc tử cung

Giảm đau và kháng viêm không - steroid (NSAIDs)

  • Có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.
  • Điều trị gián đoạn, không phù hợp với việc điều trị liên tục.
  • Đáp ứng với đau bụng kinh nguyên phát hơn là đau bụng kinh do lạc nội mạc tử cung, thường dùng với thuốc ngừa thai kết hợp hoặc liệu pháp nội tiết khác trong giai đoạn đầu điều trị.

Thuốc viên tránh thai kết hợp

  • Hiệu quả giảm đau bụng kinh, giảm đau vùng chậu mạn tính, giảm giao hợp đau và có tác dụng ngừa thai
  • Không dùng quá 3 tháng nếu không có hiệu quả.
  • Khuyến cáo nên dùng liên tục hơn là theo chu kỳ.
  • Đơn giản, rẻ tiền, dễ dung nạp, giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư tử cung.

Liệu pháp Progestin: Các Progestin uống không ảnh hưởng đến mật độ xương, dễ dung nạp hơn Danazol.

  • Norethindrone Acetate: Sử dụng liều 5 - 20mg/ ngày. Duy trì mật độ xương, tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ làm giảm HDL, tăng LDL và Triglycerid.
  • Dienogest: Hiệu quả giảm đau vùng chậu và thống kinh như GnRH đồng vận, có thể là chọn lựa điều trị lâu dài. Sử dụng liều 2mg/ ngày.
  • Depot medroxyprogesterone acetate (DMPA): Hiệu quả giảm đau ở 3/4 bệnh nhân. Liều sử dụng 150mg tiêm bắp mỗi 3 tháng. Thuốc có thể gây ức chế buồng trứng nên không dùng cho phụ nữ mong có thai, việc dùng thuốc trong thời gian dài làm giảm mật độ xương.
  • Dụng cụ tử cung phóng thích Progestin: Khoảng 50% bệnh nhân đau mức độ nhẹ và trung bình đáp ứng với điều trị sau 6 tháng. Thuận lợi có thể dùng điều trị liên tục 5 năm, nồng độ tập trung tại chỗ nên ít tác dụng phụ toàn thân, không ảnh hưởng mật độ xương và Lipid máu, không ức chế buồng trứng.
  • Etonogestrel implant: Hiệu quả điều trị đau tương đương DMPA và không ảnh hưởng đến mật độ xương hay Lipid máu.

GnRH đồng vận: Goserelin, Triptorelin, Leuprolide...

  • Là lựa chọn thứ 2 khi không đáp ứng liệu pháp nội tiết khác hoặc tái phát triệu chứng đau sau điều trị.
  • Nên kết hợp liệu pháp bổ sung ngay từ đầu nhằm giảm các tác dụng phụ của thiếu hụt Estrogen và phòng ngừa loãng xương.
  • Liệu pháp GnRH đơn thuần có thời gian điều trị tối đa là 6 tháng.
  • Kết hợp liệu pháp bổ sung với điều trị GnRH: Thời gian điều trị tối đa là 12 tháng (kết hợp điều trị bổ sung với Progestin đơn thuần hoặc Estrogen liều thấp và Progestin mỗi ngày). Sau 12 tháng, thuốc ngừa thai kết hợp là lựa chọn điều trị tiếp tục.

Ức chế Aromatase

  • Cân nhắc sử dụng kết hợp với thuốc tránh thai kết hợp, Progestins, GnRH đồng vận để giảm đau do lạc nội mạc tử cung sâu.
  • Chỉ nên chỉ định thuốc ức chế Aromatase khi tất cả mọi điều trị nội - ngoại khoa thất bại.
  • Tỉ lệ giảm Estrogen máu cao nên có nhiều tác dụng phụ khi điều trị lâu dài.
  • Liều dùng: Anastrozole 1mg/ ngày hoặc Letrozole 2.5mg/ ngày.

3. Điều trị ngoại khoa

  • Chỉ định: Bệnh nhân đau vùng chậu không đáp ứng điều trị nội khoa, bệnh nhân từ chối điều trị hoặc có chống chỉ định điều trị nội khoa.
  • Cần hội chẩn chuyên khoa khi chỉ định phẫu thuật u lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng. Bệnh nhân hiếm muộn có liên quan đến u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, thời điểm phẫu thuật tốt nhất là khi nào bệnh nhân muốn có thai.
  • Đối với bệnh lý lạc nội mạc tử cung có ảnh hưởng đến ruột, bàng quang, niệu quản thì nên cân nhắc chụp MRI trước khi phẫu thuật, điều trị GnRH 1 đợt 3 tháng trước khi phẫu thuật.
  • Phẫu thuật tận gốc (cắt tử cung và 2 phần phụ): Những bệnh nhân lạc nội mạc tử cung thâm nhiễm sâu đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm đặc biệt và kết hợp đa chuyên khoa nếu cần.

4. Các điều trị hỗ trợ khác

Song song với các phương pháp điều trị tây y thì việc áp dụng các bài thuốc dựa trên kinh nghiệm chữa lạc nội mạc tử cung lâu đời được rất nhiều người lựa chọn. Các loại thuốc dưới đây được sử dụng hỗ trợ điều trị lạc nội mạc tử cung ở mức độ nhẹ, không hề có tác dụng điều trị tận gốc tình trạng này.

Sử dụng các cây thuốc Nam như: Trinh nữ hoàng cung, ích mẫu, lá trà xanh, lá trầu không, củ gừng, lá ngải cứu, rau diếp cá, bồ kết, tỏi, lá ổi, lá lốt, củ nghệ....

Sử dụng các bài thuốc Đông Y:

  • Bài thuốc thiểu phúc trục ứ thang: Tiểu hồi hương 15g, nguyên hồ 15g, can khương 15g, linh chi 15g, xuyên khung 10g, một dược 15g, đương quy 20g, bồ hoàng 15g, xích thược 15g, nhục quế 15g.
  • Bài thuốc bổ dương hoàn ngũ thang: Hoàng kỳ 30g, xích thược 15g, đương quy 20g, địa long 20g, xuyên khung 10g, hồng hoa 15g, đào nhân 15g.
  • Bài thuốc quy thận hoàn hợp đào hồng tứ vật thang: Thục địa 20g, sơn thù du 15g, phục linh 20g, sơn dược 20g, đương quy 20g, câu kỷ tử 20g, thỏ ty tử 15g, đào nhân 15g, đỗ trọng 15g, hồng hoa 15g, bạch thược 20g, xuyên khung 10g.
  • Bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang gia vị: Đào nhân 15g, đương quy 20g, hồng hoa 15g, sinh địa 30g, xích thược 20g, sài hồ 10g, chỉ xác 10g, xuyên khung 10g, ngưu tất 10g, cam thảo 10g, đan sâm 20g, cát cánh 10g, đan bì 15g.

Ngoài ra, chị em cũng có thể tham khảo sử dụng thêm các loại thảo dược như: đan sâm, đương quy, nga truật, sài hồ bắc, hương phụ và thành phần N-acetyl-L-cysteine. N-Acetyl-L-Cysteine có tác dụng giúp tăng cường lưu thông khí huyết, điều hoà nội tiết tố, tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, chống gốc tự do, giảm kích thước và sự xâm lấn của các tế bào lạc nội mạc tử cung. Đặc biệt, các thành phần 100% tự nhiên rất an toàn, thân thiện với cơ thể, dễ hấp thu nên hiệu quả cao, không gây tác dụng phụ, không ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản khi dùng lâu dài. Đồng thời, còn hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng vô sinh hiếm muộn ở những phụ nữ bị đau bụng kinh, lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa có tính chất phức tạp và dễ bị tái phát, vì thế, việc điều trị tình trạng này cần được cá thể hóa để phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Bệnh nhân khi phát hiện ra những bất thường kể trên cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài ra để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh được tốt hơn, chị em cũng có thể tham khảo thêm các thông tin khác về bệnh tại Vinmec.com.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe