Có nên lấy ráy tai cho trẻ nhỏ không hay trẻ không lấy ráy tai có sao không là băn khoăn của nhiều cha mẹ, vì sợ ráy tai nhiều làm bít ống tai của trẻ. Thực tế, ráy tai ở trong ống tai giúp bảo vệ tai khỏi bị viêm nhiễm và chúng có thể tự rớt ra ngoài mà không cần lấy.
1. Ráy tai là gì?
Ráy tai được tạo ra từ những tế bào da chết, bụi bẩn và bã nhờn được tiết ra bởi các tuyến bã nhờn ở ống tai ngoài. Ráy tai có thể ở dạng khô hoặc ướt, thường có màu vàng, nâu hoặc cam.
Ráy tai được tạo ra liên tục nhằm giúp bảo vệ ống tai và màng nhĩ, giữ cho tai được khô, ngăn không cho nước thấm vào ống tai cũng vi trùng xâm nhập vào bên trong.
2. Có nên lấy ráy tai cho trẻ nhỏ không?
Với những tác dụng nêu trên, vậy chúng ta có nên lấy ráy tai cho trẻ nhỏ không? Để trả lời cho thắc mắc này, cần tìm hiểu quá trình tạo thành ráy tai. Những tế bào da trong ống tai liên tục chết đi và bong tróc ra, cùng với bụi bẩn và bã nhờn, chúng tích tụ lại và khi đầy sẽ bị đẩy dần từ ống tai ra bên ngoài lỗ tai, dưới sự tác động của chuyển động ở hàm khi nói hoặc nhai thức ăn. Do đó, thực tế là không cần lấy ráy tai cho trẻ nhỏ, vì chúng có thể khô lại và tự rớt ra ngoài khi đi tắm hoặc lúc ngủ.
Ngược lại, việc lấy ráy tai không đúng cách hoặc không sử dụng đúng dụng cụ có thể khiến ráy tai đi sâu vào trong lỗ tai hoặc vô tình làm trầy xước, chảy máu, chọc thủng màng nhĩ. Trong bất kỳ trường hợp nào, ráy tai bị tích tụ lại bên trong hoặc ống tai, màng nhĩ bị tác động đều có thể dẫn đến nhiễm trùng, chấn thương, nguy hiểm nhất là thủng màng nhĩ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực của trẻ
Bên cạnh đó, khi lỗ tai không còn ráy tai sẽ không giúp bảo vệ được ống tai trước những tác nhân như nước, vi khuẩn, bụi bẩn, vi nấm, côn trùng, dị vật, ...
3. Khi nào nên lấy ráy tai cho trẻ?
Trong một số trường hợp sau đây thì nên lấy ráy tai cho trẻ:
- Trẻ bị đau tai, ù tai, nghe giảm, ... do nhiều ráy tai gây bít ống tai.
- Trẻ bị ngứa tai do ráy tai tích tụ nhiều bên trong ống tai.
- Trẻ bị viêm tai ngoài hoặc trẻ đeo máy trợ thính.
- Trẻ sinh non cần làm sạch ống tai để khám tai mũi họng nhằm tầm soát thính lực của trẻ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc lấy ráy tai nên được thực hiện bởi bác sĩ., nhân viên y tế có chuyên môn.
4. Chăm sóc tai của trẻ như thế nào?
- Nếu trẻ không gặp vấn đề sức khỏe nào liên quan đến tai và theo cơ chế hình thành, ráy tai có thể tự bong tróc và rớt ra ngoài, việc chăm sóc tai của trẻ chỉ cần dùng khăn để lau sạch tai ngoài.
- Không nên sử dụng ngón tay hoặc tăm bông, vật nhọn chọc vào tai trẻ để lấy ráy tai.
- Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như chảy dịch ở tai (màu xanh, vàng hoặc máu), đau tai kèm theo sốt, trẻ không nghe rõ hoặc nghe kém, cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
- Nếu nghi ngờ trong tai trẻ có dị vật, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám và kiểm tra.
- Cần lưu ý biểu hiện tai có vấn đề ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như giựt tai, bấu tai. Khi đó, cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Không lấy ráy tai cho trẻ có sao không? Thực tế là không cần lấy ráy tai cho trẻ trừ một số trường hợp đặc biệt như trẻ có biểu hiện đau tai do ống tai bị bít tắc bởi ráy tai, hoặc ống tai viêm nhiễm chảy dịch khiến trẻ đau tai.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.