Thông thường, chiếc răng sữa đầu tiên mọc khi bé được 6 tháng tuổi và đa số trẻ mọc đủ 20 răng sữa trước sinh nhật 3 tuổi. Tuổi mọc răng của trẻ có thể khác nhau, sớm hoặc chậm hơn vài tháng là bình thường, phụ huynh không cần quá lo lắng.
1. Khi nào trẻ mọc hết răng?
Tuổi mọc răng của trẻ rất khác nhau, một số bé không có bất kỳ chiếc răng dù đã được 1 tuổi, trong khi có những bé đã mọc khá đầy đủ vào độ tuổi này. Phần lớn trẻ sơ sinh sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên từ 4 - 7 tháng tuổi. Nếu con bạn vẫn chưa mọc chiếc răng nào sau 15 - 18 tháng tuổi, hãy đưa bé đến nha sĩ nhi khoa để kiểm tra.
Các răng sữa thường xuất hiện đơn lẻ, mọc từng chiếc một trong hàng tháng. Mặc dù không phải luôn cố định, nhưng nhìn chung thì trẻ có thứ tự mọc răng phổ biến như sau:
- Đầu tiên là 2 chiếc răng ở giữa hàm dưới
- Sau đó là 2 chiếc cửa ở hàm trên
- Tiếp đến là các răng hai bên
- Cuối cùng là răng hàm.
Những chiếc răng sữa này có thể mọc không đều, chiếc ngắn chiếc dài, nhưng bạn không cần quá lo lắng vì chúng sẽ mọc thẳng ra theo thời gian.
Răng cuối cùng của trẻ mọc khi nào? Trong khi chiếc răng hàm đầu tiên của trẻ mới biết đi có thể bắt đầu xuất hiện khi bé tròn 1 tuổi thì những chiếc răng cuối cùng thường đã mọc hết khi trẻ được 2 tuổi. Đây là răng hàm thứ hai, nằm ở phía sau của miệng, hàm trên và dưới.
Khi nào trẻ mọc hết răng? Đến 3 tuổi, trẻ sẽ có đầy đủ 20 chiếc răng sữa (10 chiếc ở hàm trên và 10 chiếc ở hàm dưới). Chúng sẽ không rụng đi cho đến khi răng vĩnh viễn của trẻ sẵn sàng mọc vào khoảng 6 tuổi.
2. Những triệu chứng ở tuổi mọc răng của trẻ
Bạn có thể cho rằng việc mọc răng hàm sẽ gây đau nhiều hơn, vì chúng to hơn và cùn hơn so với răng cửa mọc trước. Trên thực tế, thời điểm mọc những chiếc răng cuối cùng thường không được chú ý bằng những chiếc đầu tiên. Theo các nha sĩ, rất ít cha mẹ lo ngại về việc trẻ mọc răng ở độ tuổi biết đi. Có thể bởi vì họ cho rằng đây là điều tự nhiên và không cần phải can thiệp, hoặc đơn giản là các bé không bị đau nhiều.
Các chuyên gia không rõ liệu mọc răng thực sự có gây ra các triệu chứng như quấy khóc, tiêu chảy và sốt, hay những triệu chứng thông thường này không liên quan đến việc mọc răng và chỉ ngẫu nhiên xuất hiện cùng lúc với những chiếc răng mới mọc.
Mặc dù vậy, nhiều bậc cha mẹ vẫn cho rằng việc mọc răng khiến con rất khó chịu, ngay cả khi một số trẻ hoàn toàn có thể vượt qua mà không gặp vấn đề gì. Những triệu chứng mà bé có khả năng gặp phải nhất khi mọc răng như:
- Chảy nước dãi (có thể dẫn đến phát ban trên mặt)
- Sưng và đau nướu
- Khó chịu hoặc quấy khóc
- Cắn nhai đồ vật
- Không chịu ăn
- Gặp các vấn đề về giấc ngủ.
Nhiều bậc phụ huynh cho biết trẻ đi ngoài phân lỏng, sổ mũi hoặc sốt ngay trước khi mọc răng. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia không nghĩ việc mọc răng là nguyên nhân gây ra những triệu chứng này. Một bác sĩ nhi khoa tin rằng việc mọc răng có thể gây tiêu chảy và phát ban nhẹ, vì bé tiết ra nước bọt quá nhiều sẽ đọng lại trong ruột và khiến phân lỏng. Ngoài ra, viêm nướu cũng có thể gây sốt nhẹ (dưới 38,3°C).
Video đề xuất:
Làm gì khi trẻ bị sốt? Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sốt
Mặt khác, các chuyên gia về phát triển trẻ em khẳng định rằng việc mọc răng không thể gây sốt, tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn... Đây là những dấu hiệu cần được bác sĩ kiểm tra vì có thể là do nhiễm trùng, chứ không liên quan đến việc mọc răng. Tuy nhiên căng thẳng khi mọc răng có thể khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn.
Nhìn chung, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu bé có các triệu chứng khiến bạn lo lắng hoặc thân nhiệt cao từ 38,8°C trở lên. Bác sĩ sẽ giúp xác định bé có cần được chăm sóc y tế hay không, chẳng hạn như chẩn đoán nhiễm trùng tai. Nếu trẻ đi tiêu phân lỏng nhưng không phải tiêu chảy kéo dài thì không cần quá lo lắng, tình trạng bệnh sẽ tự hết.
3. Cách giảm bớt sự khó chịu của bé khi mọc răng
Trẻ ở độ tuổi mới biết đi khi mọc răng có thể vẫn muốn nhai đồ vật để làm dịu cơn đau ở nướu. Bạn có thể tiếp tục dùng những chiến thuật tương tự như khi bé còn nhỏ, cụ thể là:
- Cho con đeo vòng mọc răng bằng cao su hoặc một cái khăn để gặm.
- Bánh mì nướng cứng, táo hoặc bánh vòng cũng là một lựa chọn tốt. Những thức ăn này không chỉ giúp làm dịu cơn đau nướu khi nhai, mà còn tốt cho bộ hàm đang phát triển của trẻ.
- Bé cũng có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi được ăn thức ăn lạnh, như nước sốt táo hoặc sữa chua.
Nếu những phương pháp này không hiệu quả, một số bác sĩ khuyên bạn nên cho trẻ đang mọc răng uống một liều nhỏ thuốc giảm đau, như acetaminophen dành cho trẻ em. Đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào. Tuyệt đối không cho trẻ mới biết đi uống aspirin hoặc thậm chí là không xoa lên nướu răng của trẻ để giảm đau. Việc sử dụng aspirin ở trẻ em có liên quan đến hội chứng Reye - một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng.
Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa trước khi sử dụng gel giảm đau. Những loại thuốc này có thể làm tê cổ họng của trẻ và suy yếu phản xạ vùng họng miệng, khiến con bị sặc nước bọt.
Nếu nước dãi gây phát ban trên mặt của con, hãy dùng vải cotton mềm lau nhẹ nhàng, nhưng không chà xát. Bạn cũng có thể thoa đều mỡ khoáng (vaseline) lên cằm trước khi bé đi ngủ để bảo vệ da khỏi kích ứng.
Nếu trẻ gặp các vấn đề về răng miệng thì các bậc cha mẹ có thể đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Đây là địa chỉ uy tín, thăm khám của nhiều các bậc cha mẹ có con nhỏ mắc các bệnh lý trẻ nhỏ thường gặp như sốt, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, đau răng,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen,vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
Nguồn tham khảo: babycenter.com