Khi trẻ đi tiểu không kiểm soát hay tiểu không tự chủ trong khi ngủ được gọi là chứng tè dầm ban đêm. Nó còn được gọi là đái dầm. Hầu hết trẻ em có thể kiểm soát bàng quang cả ngày lẫn đêm ở độ tuổi 4. Nếu một đứa trẻ gặp các vấn đề về kiểm soát bàng quang khi ngủ sau 7 tuổi, thì điều đó đáng để xem xét.
Đái dầm về đêm phổ biến đối với trẻ em trai hơn trẻ em gái. Vấn đề này có thể gây khó chịu cho trẻ em, phụ huynh và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Vậy khi nào trẻ hết tè dầm vào ban đêm?
Tập và hình thành thói quen ngồi bô là một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy rất vui nếu trẻ tự sử dụng bô thường xuyên và nhận ra được thời điểm nào mình cần dùng đến chúng. Tuy nhiên, ban đêm lại là một câu chuyện rất khác.
Trên thực tế, tốt hơn hết là các bà mẹ nên coi thời điểm mà trẻ ngừng tè dầm trong đêm như một mốc thời gian riêng biệt nhưng có liên quan mật thiết đến quá trình hình thành thói quen ngồi bô của trẻ. Sẽ là điều hoàn toàn bình thường nếu mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm, cơ thể của một đứa trẻ mới đủ trưởng thành để có thể kiểm soát được tình trạng tè dầm vào ban đêm một cách chắc chắn nhất.
Tè dầm ban đêm là một tình trạng xảy ra khá phổ biến và không thể kiểm soát được. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, có khoảng 5 triệu trẻ em ở Mỹ thường xuyên tè dầm vào ban đêm trong đó 20% là trẻ 5 tuổi, 10% đối với trẻ 7 tuổi và 5% đối với những trẻ trên 10 tuổi.
1. Làm cách nào để biết trẻ đã có thể kiểm soát được khả năng tiểu tiện của mình vào ban đêm hay chưa?
Trừ khi trẻ có thể tự kiểm soát được khả năng tiểu tiện của mình vào ban ngày trong ít nhất 6 tháng, nếu không việc kiểm soát khả năng tiểu tiện vào ban đêm với trẻ là quá khó. Có một số dấu hiệu có thể cho thấy trẻ đã sẵn sàng bỏ những chiếc tã được quấn để đề phòng đái dầm mỗi đếm, bao gồm:
- Trẻ đã có thể sử dụng nhà vệ sinh một cách độc lập vào ban ngày mà không cần người lớn phải hỏi có cần đi hay không
- Trẻ thường xuyên thức dậy với tình trạng khô ráo vào mỗi buổi sáng
- Tự thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh một mình hoặc chủ động gọi bố mẹ dậy để dẫn đi.
- Tin vào bản năng của một người mẹ. Nếu trẻ đã có vẻ sẵn sàng, hãy đừng ngần ngại mà để trẻ thử. Tuy nhiên cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào trẻ và động viên trẻ rằng việc gặp tai nạn là điều hết sức bình thường.
Nếu trẻ đái dầm nhiều hơn 2 lần 1 tuần hoặc thậm chí nhiều hơn, điều đó có nghĩa trẻ chưa sẵn sàng về mặt thể chất để có thể tự kiểm soát khả năng tiểu tiện của mình vào ban đêm.
Khi đó, các bà mẹ cần cân nhắc đến việc quấn lại tã mỗi đêm cho bé nếu chúng vẫn vừa vặn và không xuất hiện tình trạng rò rỉ. Và hãy thử lại khi thấy trẻ có thể dần tự kiểm soát được và thức dậy khô ráo đều đặn hơn vào mỗi buổi sáng.
Đừng nghĩ đây là một thất bại, điều này sẽ không hủy bỏ đi những tiến bộ mà trẻ đã cố gắng đạt được khi tập ngồi bô. Nó sẽ giảm bớt áp lực cho cả mẹ và bé, vừa giúp mẹ thoải mái và có thời gian nghỉ ngơi vào ban đêm nhiều hơn và vừa giúp trẻ có thêm thời gian để trưởng thành.
2. Tại sao việc kiểm soát khả năng tiểu tiện ban đêm lại khó khăn hơn ban ngày?
Thức dậy khô ráo vào mỗi buổi sáng nghe có vẻ đơn giản, nhưng có rất nhiều điều phải xảy ra trong cơ thể của trẻ trước khi bé đạt được cột mốc này trong quá trình tập hình thành thói quen ngồi bô.
Đây là những thay đổi về thể chất và chúng mất thời gian hơn rất nhiều ở một số trẻ so với những trẻ khác cùng độ tuổi. Cũng giống như thời điểm mọc chiếc răng đầu tiên, tình trạng khô răng vào ban đêm là một quá trình phát triển thể chất diễn ra theo nhịp độ riêng và không thể vội vàng.
Để giữ trẻ khô ráo cả đêm, trẻ cần phải ngủ suốt đêm mà không đi tiểu hoặc không thức dậy để đi vệ sinh. Cả hai đều đòi hỏi sự phát triển thể chất ngoài những thứ cần thiết để kiểm soát khả năng tiểu tiện vào ban ngày.
Để trẻ có thể ngủ suốt đêm mà không đi tiểu, bàng quang của trẻ phải phát triển và đủ lớn để giữ lại lượng nước tiểu mà cơ thể trẻ tạo ra trong đêm. Để điều này có thể xảy ra, cơ thể của bé cần sản xuất một loại hormone làm chậm quá trình sản xuất nước tiểu. Điều đó có nghĩa là bàng quang của trẻ sẽ chứa ít nước tiểu hơn, đồng nghĩa với việc nước tiểu sẽ cô đặc hơn. Những trẻ thường xuyên đái dầm có thể chưa sản xuất đủ loại hormone này.
Ngoài ra để bé có thể thức dậy đi vệ sinh vào ban đêm, bàng quang chứa đầy nước tiểu của trẻ phải có khả năng gửi một tín hiệu đủ mạnh đến não bộ để có thể đánh thức trẻ. Đồng thời, não của bé cũng phải có khả năng điều khiển các cơ xung quanh bàng quang để ngăn trẻ đi tiểu cho đến khi trẻ muốn. Một lần nữa, đây chính là những sự phát triển liên quan đến yếu tố thể chất song song với quá trình phát triển của trẻ.
3. Giải quyết chứng đái dầm ban đêm của trẻ
Để giúp trẻ giải quyết chứng đái dầm vào ban đêm, các bậc cha mẹ có thể cân nhắc gặp và cung cấp cho bác sĩ một số những thông tin sau:
- Gia đình có ai có tiền sử đái dầm hay không?
- Một số điều kiện đặc biệt hay một số loại thực phẩm và đồ uống trẻ sử dụng có khả năng khiến trẻ khó kiểm soát tiểu tiện về đêm hơn hay không?
- Trẻ có thường uống nước gần giờ đi ngủ hay không?
- Trẻ có những biểu hiện bất thường như tiểu ra máu hay không?
Các bác sĩ Nhi khoa có thể yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu để xem trẻ có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không. Đó cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây ra chứng đái dầm ban đêm. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện yêu cầu một số các xét nghiệm khác để kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng như sức khỏe hệ tiết niệu của bé.
Ngoài ra để làm giảm những ảnh hưởng của chứng đái dầm ban đêm, các bác sĩ có thể đề xuất nhiều giải pháp, bao gồm:
- Hạn chế cho trẻ uống nước hoặc nước ngọt trước khi ngủ
- Sử dụng một thiết bị có thể đánh thức trẻ dậy ngay khi cảm thấy chúng bị ướt quần. Nếu được sử dụng một cách đều đặn và liên tục trong ba đến bốn tháng, hiệu quả đạt được có thể đến 75% thời gian. Các thiết bị này không quá đắt và luôn sẵn có.
- Thử dùng một số loại thuốc theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ nhằm giúp cơ thể trẻ tạo ra ít nước tiểu hơn vào ban đêm. Thông thường, đây không phải là lựa chọn tốt cho đến khi trẻ được ít nhất 7 tuổi và các phương pháp hạn chế đái dầm khác không mang lại kết quả.
Thông thường, chứng đái dầm ban đêm sẽ phát triển theo thời gian và hiếm khi gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho trẻ. Tuy nhiên, đôi khi sự trợ giúp về mặt y tế là cần thiết.
Theo thống kê, khoảng 40% trẻ 3 tuổi bị đái dầm mỗi đêm, cũng không rõ lý do tại sao trong khi nhiều trẻ có thể kiểm soát được khả năng tiểu tiện của mình thì một số trẻ lại không. Cách các ông bố bà mẹ có thể hỗ trợ trẻ chỉ là hạn chế để trẻ uống nước trước khi đi ngủ hay sử dụng các thiết bị đánh thức trẻ khi đái dầm hoặc trong trường hợp các phương pháp trên không đem lại kết quả, một số loại thuốc nhằm hạn chế khả năng bài tiết nước tiểu của trẻ về đêm có thể được sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com, webmd.com