Sẹo là một quá trình tự nhiên chữa lành vết thương nhưng lại gây ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ. Có nhiều loại sẹo khác nhau, do đó các phương pháp điều trị cũng khác nhau. Bên cạnh đó, giai đoạn tác động thuốc chống sẹo cũng là một trong những yếu tố quan trọng để làm tăng hiệu quả điều trị sẹo. Vậy khi nào thì dùng thuốc chống sẹo?
1. Lựa chọn phương pháp điều trị sẹo
Có nhiều dạng sẹo khác nhau bao gồm sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo sắc tố, sẹo phì đại,... Do vậy, cách điều trị sẹo từng loại cũng khác nhau. Ngoài ra, phương pháp điều trị sẹo cũng sẽ có hiệu quả khác nhau phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, vì thế nếu chưa tìm hiểu kỹ càng về lựa chọn điều trị có thể làm tình trạng sẹo nặng hơn.
Một số phương pháp điều trị sẹo có thể kể đến như:
- Sẹo lõm: việc điều trị tập trung vào việc kích thích tiến trình lành vết thương và tái tạo collagen nhằm lấp đầy mô sẹo, có thể sử dụng thuốc thoa tại chỗ hoặc những phương pháp tái tạo bề mặt da như laser,...
- Sẹo lồi: là dạng sẹo đáp ứng với những phương pháp điều trị tác động tới sự quá phát collagen tại chỗ như chấm nitơ lỏng, tiêm corticoid tại sang thương,...
- Sẹo thâm: thường dùng phương pháp loại trừ sắc tố melanin thừa tại sang thương và tái tạo làn da mới tươi sáng hơn.
Ngoài những phương pháp điều trị kỹ thuật cao, việc sử dụng những loại thuốc thoa hoặc chế phẩm thiên nhiên tại chỗ với những thành phần thích hợp cũng giúp ích cho quá trình lành sẹo với ưu điểm đơn giản, dễ thực hiện và ít tốn kém. Những thành phần này thường được lựa chọn để kích thích tiến trình lành sẹo và liền vết thương như vitamin E, chiết xuất nha đam giúp làm mềm da, tăng cường dưỡng ẩm và điều hoà đáy sẹo, vitamin B3 hỗ trợ sáng da làm mờ vết thâm và giúp kích thích sản sinh collagen, hoạt chất từ hành tây có tác dụng chống oxy hóa giúp cho vết thương mau lành. Sự phối hợp với những phương pháp điều trị sẹo khác nhau có thể giúp tăng cường hiệu quả, tuy nhiên người bệnh vẫn cần được theo dõi và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa da liễu.
2. Khi nào thì dùng thuốc chống sẹo?
Khi nào thì dùng thuốc chống sẹo là vấn đề được rất nhiều người quan tâm? Việc bôi thuốc chống sẹo đúng vào giai đoạn điều trị của vết sẹo góp phần không nhỏ vào việc tăng hiệu quả điều trị.
Thông thường, ở giai đoạn lành vết thương và đáy sẹo chưa xơ hoá là giai đoạn sớm để điều trị sẹo tốt nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý với những vết thương hở chưa liền da hoặc đang trong giai đoạn rỉ dịch thì những chế phẩm sử dụng phải thận trọng và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Theo đó, bạn cũng cần chú ý sử dụng những loại thuốc thoa dạng nước và gel, tránh dùng thuốc trị sẹo ở dạng mỡ hoặc kem trong giai đoạn này.
Khi nào bôi thuốc chống sẹo? Việc sử dụng thuốc thoa ngăn ngừa và điều trị sẹo tại nhà tốt nhất cần bắt đầu ngay khi vết thương đã khô, kéo da non và đáy sẹo đang trong quá trình tái tạo vết thương. Tại thời điểm này, mức độ thẩm thấu cũng như khả năng tác dụng của những thành phần điều trị sẹo lên da là tối ưu. Không nên để vết sẹo đã tiến triển lâu, mô sẹo xơ hoá và có tình trạng da dày lên trên bề mặt sẹo mới bắt đầu điều trị. Bởi vì lúc này rất khó để cho thuốc thấm sâu vào tác động kích thích tới đáy sẹo hiệu quả.
3. Chăm sóc đúng cách vùng da sẹo
Khi nào thì bôi thuốc chống sẹo vào vết thương hẳn đã có đáp án. Vậy chăm sóc vùng da sẹo đúng cách như thế nào? Đối với những loại sẹo lồi, điều quan trọng nhất đó chính là tránh đụng chạm, sờ nắn hay có tác động chà xát lên vết sẹo. Bởi vì đây chính là yếu tố kích thích quan trọng làm cho vết sẹo tiến triển không ngừng và ngày càng trở nên nặng hơn. Với những dạng sẹo thâm hoặc sẹo chấn thương đang trong giai đoạn kéo da non thì cần tránh nắng tốt bằng cách sử dụng kem chống nắng, thuốc uống chống nắng hoặc che chắn kĩ vùng da điều trị. Bởi vì không đảm bảo sự bảo vệ này, vết sẹo sẽ dễ nhạy cảm ánh nắng dẫn tới màu sắc ngày càng sạm hơn. Lựa chọn đúng các loại thuốc thoa hỗ trợ điều trị sẹo cũng như tuân thủ đúng hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng là một yếu tố cần thiết để mang lại hiệu quả điều trị sẹo cao và an toàn nhất.
Tóm lại, sẹo là một quá trình tự nhiên chữa lành vết thương nhưng lại gây ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ. Giai đoạn tốt nhất để bôi thuốc chống sẹo là ở giai đoạn lành vết thương và đáy sẹo chưa xơ hoá. Tuy nhiên, mỗi loại sẹo sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, do vậy trước khi bôi thuốc chống sẹo hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn về các loại sẹo để từ đó viết cách chăm sóc và dùng thuốc trị sẹo sao cho hiệu quả nhất. Nếu có bất kỳ băn khoăn thắc mắc nào hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.