Khi nào cho trẻ cắt amidan và cách chăm sóc

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm VA và amidan là bệnh lý có khả năng tái phát nhiều lần, thậm chí còn trở thành một ổ vi khuẩn tiềm tàng, sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn. Một số trường hợp, việc chỉ định nạo VA, cắt amidan là hết sức cần thiết. Những thắc mắc như “cắt amidan như thế nào? Nên cắt amidan không? Hay Amidan to có nên cắt không?” được rất nhiều người quan tâm

Có nên cắt amidan không? Cắt amidan là việc loại bỏ đi sự có mặt của amidan khi nó hoàn toàn không còn giúp ích cho cơ thể. Chẳng hạn như với trẻ em bị viêm amidan mãn tính dai dẳng, amidan to có nên cắt không thì câu trả lời là Có. Do các trường hợp này đều gây biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trên thực tế, việc khuyến khích cắt amidan là rất hạn chế vì cơ quan này có nhiều lợi ích đối với cơ thể.

Cắt amidan như thế nào? Trước khi cắt amidan, bác sĩ cần phối hợp với phụ huynh làm công tác tư tưởng và tạo tâm lý thoải mái cho trẻ, có thể lựa chọn gây mê hoặc gây tê tại chỗ để giảm đau đớn khi phẫu thuật. Các trường hợp trẻ được chỉ định cắt amidan:

  • Khi bị viêm amidan từ 5 - 6 đợt cấp tính trong vòng một năm hoặc viêm amidan mạn tính kéo dài, đã điều trị nội khoa tích cực trong 4 – 6 tuần nhưng bệnh nhân vẫn đau họng, sưng hạch cổ,...
  • Khi viêm amidan có kèm các biến chứng khác nhau như viêm xoang, viêm tai giữa hoặc áp-xe quanh amidan, áp-xe cạnh họng, nhiễm trùng sau họng, viêm tế bào, viêm cơ tiêm, viêm khớp, viêm cầu thận,...
  • Khi amidan có kích thước quá lớn làm cản trở ăn uống và hoạt động hô hấp, gây ra ngủ ngáy, ngưng thở lúc ngủ hoặc nhiễm khuẩn tái diễn nhiều lần.
  • Khi có nhiều ngóc ngách của amidan chứa các chất tiết gây hôi miệng, trẻ bị nuốt nghẹn hoặc nghi ngờ có khối u ác tính.

Giai đoạn sau phẫu thuật cắt amidan, vết thương còn rất nhạy cảm, do đó cha mẹ phải chú ý đến chế độ ăn uống để giúp trẻ chóng khỏe. Nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng như cháo, súp. Đặc biệt phải cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước oresol để tránh mất nước. Hạn chế đồ ăn cứng có thể gây ma sát ảnh hưởng tới vết thương. Sữa và các sản phẩm từ sữa cũng nên hạn chế bởi các chúng rất dễ ứ đọng ở vùng tai, mũi, họng. Nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay nếu trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ sốt cao trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt paracetamol;
  • Nôn nhiều, đau tăng lên;
  • Trẻ bỏ ăn hoàn toàn;
  • Máu chảy trầm trọng từ miệng hoặc mũi hoặc nôn ra máu;
  • Đau họng nặng và không đáp ứng với thuốc trong vòng 48 đến 72 giờ;
  • Trẻ bị mất giọng.

Việc cắt amidan có liên quan đến một số vấn đề sau đây:

  • Sức đề kháng của trẻ sau khi cắt amidan
  • Khi cắt amidan sạch hoàn toàn thì trẻ không có nguy cơ bị tái phát bệnh nữa. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể mắc phải viêm họng, viêm mũi họng,... với các triệu chứng tương tự.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe