Khi bạn cảm thấy cơ thể ngày càng nặng nề. Khoái cảm trong chuyện giường chiếu giảm đi rõ rệt. Trí lực và tâm trạng trở nên kém ổn định. Đây là một trong những dấu hiệu của sự thiếu hụt testosterone, nếu bạn gặp phải những dấu hiệu bất thường trên bạn nên nghĩ đến việc xét nghiệm Testosterone?
1. Nồng độ testosterone bình thường và bất thường
Nồng độ testosterone ở nam giới được xem là bình thường nếu dao động trong khoảng từ 300 đến 1000 nanogram trên một decilit (ng/dL). Ở nữ giới, nồng độ của loại hóc môn này sẽ nằm trong khoảng từ 15 đến 70 ng/dL. Tuy nhiên, những chuyển biến với nồng độ testosterone vẫn có thể xảy ra theo các giai đoạn trong cuộc sống.
1.1 Đối với nam giới
Nồng độ của loại hóc môn nam giới có thể suy giảm một cách tự nhiên do các yếu tố như: Tuổi tác hoặc do bệnh lý. Sau tuổi 40, nồng độ testosterone ở nam giới sẽ sụt giảm.
Các triệu chứng dưới đây có thể cho thấy rằng nồng độ testosterone của một người đang thấp một cách đáng báo động:
- Giảm ham muốn tình dục
- Mất khả năng cương cứng dương vật (rối loạn cương dương)
- Mất khả năng sinh sản
- Mệt mỏi toàn cơ thể.
1.2 Đối với nữ giới
Nữ giới với nồng độ testosterone quá cao trong cơ thể có thể xuất hiện tình trạng rậm lông mặt, giọng trở nên trầm hoặc kích cỡ vú suy giảm và thậm chí là nổi mụn.
Nguyên nhân gây ra việc quá tải testosterone ở phái đẹp có thể là do hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Hội chứng này khiến họ khó có thể mang thai và gây cản trở kinh nguyệt.
Nồng độ testosterone cao hay thấp một cách bất thường ở nam và nữ giới đều có thể là dấu hiệu cho những tình trạng bệnh nghiêm trọng. Nồng độ testosterone quá cao có thể biểu thị cho bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư tinh hoàn. Nồng độ của loại hóc môn nam này nếu quá thấp sẽ biểu thị cho các bệnh lý mãn tính hoặc vấn đề về tuyến yên, nơi sản sinh ra các loại hóc môn.
1.3 Đối với trẻ nhỏ
Những dấu hiệu về nồng độ testosterone bất thường ở trẻ sơ sinh cả 2 giới có thể trở nên cực đoan hơn so với người lớn. Những bài xét nghiệm testosterone thường được áp dụng cho các bé trai và gái không có mức độ phát triển bình thường hoặc dậy thì muộn.
Các bé trai gặp vấn đề với sự thiếu hụt testosterone thường chậm lớn, không mọc lông trên cơ thể và cơ bắp phát triển chậm. Nồng độ testosterone quá cao sẽ gây trì hoãn kinh nguyệt hoặc rậm lông trên cơ thể ở các bé gái và gây dậy thì sớm cũng như cơ thể thô ráp ở các bé trai.
Vậy khi gặp các vấn đề nêu trên, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được khám và chỉ định xét nghiệm hợp lý để loại trừ các nguy cơ, cũng như điều trị đúng hướng.
2. Xét nghiệm testosterone được thực hiện như thế nào?
Việc xét nghiệm nồng độ testosterone sẽ bao hàm một xét nghiệm máu đơn giản. Xét nghiệm này sẽ sẽ lấy mẫu máu của bệnh nhân vào buổi sáng, thời điểm và nồng độ testosterone đang ở đỉnh điểm. Xét nghiệm này có thể được lặp lại một hoặc vài lần để đảm bảo tính chính xác.
Trước khi bắt đầu xét nghiệm, bác sĩ có thể đặt ra câu hỏi cho bệnh nhân về việc họ có đã sử dụng những loại thuốc qua kê đơn có khả năng ảnh hưởng đến nồng độ testosterone hay không. Một số loại thuốc có thể gây tăng nồng độ testosterone gồm:
- Steroid (nồng độ testosterone có thể sụt giảm nhanh chóng sau khi dừng việc sử dụng loại thuốc này)
- Barbiturat (an thần)
- Anticonvulsant (chống co giật)
- Các liệu pháp androgen hoặc estrogen
Một số loại thuốc, gồm có opiat, có thể khiến nồng độ testosterone sụt giảm. Nếu bệnh nhân đã có sử dụng bất kì loại thuốc nào trong số những loại nêu trên, hãy thông báo cho bác sĩ để đảm bảo tính chính xác cho việc xét nghiệm testosterone. Dựa vào những triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ có thể áp dụng một bài kiểm tra sức khỏe.
Ở nam giới, bài kiểm tra sức khỏe này nhằm đánh giá các tình trạng như:
- Chứng rụng lông mặt
- Sự giảm chiều cao
- Sự nữ hóa tuyến vú
- Tăng cân bất thường
Đối với nữ giới:
- Nổi mụn bất thường trên mặt
- Râu (quanh miệng và cằm) mọc rậm
- Tóc mỏng và hói đầu.
Một số nghiên cứu, trong đó có một nghiên cứu lấy mẫu từ gần 1500 nam giới với độ tuổi từ 20 đến 90, đã xác nhận về việc xét nghiệm testosterone bằng nước bọt cho ra những kết quả tương đối chính xác, đặc biệt là khi sử dụng để chẩn đoán chứng giảm năng tuyến sinh dục ở nam giới.
Nhưng bên cạnh đó, một số chuyên gia vẫn khuyến nghị rằng việc xét nghiệm thông qua nước bọt vẫn chưa hoàn toàn đáng tin cậy. Họ cho rằng cần phải áp dụng những hình thức xét nghiệm bổ sung như xét nghiệm huyết thanh để đảm bảo tính chính xác cho kết quả của bài xét nghiệm này.
3. Điều trị tình trạng nồng độ testosterone bất thường như thế nào?
Phổ biến nhất trong việc điều trị vấn đề thiếu hụt testosterone chính là liệu pháp thay thế testosterone (TRT). Các hình thức của liệu pháp này gồm có việc tiêm thuốc, dán miếng dán, hoặc bôi gel chứa testosterol để bù đắp cho lượng testosterone đang bị khuyết trong cơ thể.
Mặc cho sự phổ biến của việc thay thế testosterone, liệu pháp này vẫn được ghi nhận là ẩn chứa nhiều nguy cơ và tác dụng phụ. Gồm có:
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Nổi mụn
- Hình thành các cục máu đông
- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, hoặc phì đại tuyến tiền liệt
- Tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Nếu bạn đang phải sử dụng các loại thuốc hoặc chất bổ sung (ví dụ như steroid) có khả năng gây tác động bất thường đến nồng độ testosterone, bác sĩ có thể khuyến cáo việc dừng sử dụng chúng hoặc đưa ra những loại thuốc thay thế.
Việc thay đổi lối sống theo hướng tích cực luôn được các bác sĩ khuyến nghị cho các bệnh nhân. Chẳng hạn như việc tập luyện thể thao để làm tăng cường cơ bắp và giảm cân lành mạnh thông qua các thay đổi trong chế độ ăn có thể giúp làm cân bằng nồng độ testosterone.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào như rụng tóc, sụt cân hoặc nổi mụn, giảm ham muốn tình dục khi chưa đến 40 tuổi thì hãy xét nghiệm nồng độ testosterone. Xét nghiệm này có thể giúp bạn làm sáng tỏ các tình trạng nền, vấn đề sức khỏe hoặc lối sống đang gây ảnh hưởng xấu đến sự sản sinh testosterone của cơ thể.
Trong nhiều trường hợp, nồng độ testosterone có thể chuyển biến theo các yếu tố như tuổi tác, chế độ ăn, việc sử dụng thuốc, hoặc tần suất hoạt động cơ thể của bạn. Việc xét nghiệm testosterone có thể giúp bạn xác định việc liệu rằng nồng độ testosterone của bạn đang chịu tác động từ quá trình lão hóa tự nhiên hay bởi các nhân tố khác mà bạn có thể điều chỉnh được.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị xét nghiệm Testosterone
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Healthline.com