Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 10 kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành Ngoại Tiêu Hóa Tổng Hợp.
Áp xe ổ bụng là tình trạng trong ổ bụng xuất hiện một túi mô bị viêm có chứa mủ. Áp xe ổ bụng do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó áp xe ổ bụng do dị vật có thể gây nhiễm trùng ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Do đó, cần được phát hiện sớm để được xử trí kịp thời.
1. Áp xe ổ bụng là gì?
Áp xe ổ bụng là tình trạng trong ổ bụng xuất hiện một túi mô bị viêm có chứa đầy mủ. Áp xe trong ổ bụng có thể xuất hiện bên trong hoặc phần sau ổ bụng. Ngoài ra, ổ áp xe cũng có thể hình thành xung quanh một số cơ quan trong ổ bụng như gan, thận, tụy.
Áp xe trong ổ bụng do nhiều nguyên nhân gây ra như vỡ ruột, vỡ tạng trong ổ bụng, chấn thương vùng bụng hoặc do phẫu thuật trong ổ bụng, ... Trong đó, áp xe ổ bụng do dị vật là tình trạng người bệnh nuốt phải vật sắc nhọn, dị vật đi vào đường tiêu hóa và đâm thủng ống tiêu hóa đi vào trong ổ bụng, gây nhiễm trùng ở ổ bụng. Lúc này, nếu người bệnh không được phát hiện và xử trí điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
2. Biểu hiện khi bị áp xe ổ bụng do dị vật
Áp xe ổ bụng nói chung và áp xe do dị vật gây ra có thể khiến người bệnh có những biểu hiện như:
- Sốt cao (39 - 40 độ C) kéo dài và liên tục, kèm cảm giác ớn lạnh.
- Mệt mỏi, thể trạng không khỏe, da tái.
- Khô miệng, ăn không ngon, buồn nôn và nôn.
- Tại vị trí bị áp xe có thể gây đau, sưng, khi ấn mạnh có thể cảm thấy đau nhói.
- Đau bụng, tiểu tiện khó khăn.
Những biểu hiện nêu trên khiến cho việc chẩn đoán áp xe ổ bụng bị nhầm lẫn với những căn bệnh khác. Do đó, để có thể chẩn đoán và đưa ra kết quả chính xác, các bác sĩ phải dựa vào những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
3. Khi bị áp xe ổ bụng do dị vật phải làm gì?
Áp xe ổ bụng do dị vật nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể bị nhiễm trùng gây nguy hiểm đến tính mạng. Để phòng ngừa những biến chứng do áp xe dị vật gây ra ở ổ bụng, ngay khi nuốt phải dị vật, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế để điều trị.
Để điều trị áp xe ở ổ bụng, đầu tiên, người bệnh được dẫn lưu dịch để làm thoát mủ khỏi ổ áp xe. Thủ thuật này được tiến hành như sau:
- Siêu âm hoặc chụp CT ổ bụng.
- Chích kim vào ổ áp xe để hút dịch mủ.
- Mẫu dịch mủ được phân tích để xác định loại kháng sinh cần dùng.
- Truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch để điều trị nhiễm khuẩn.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị áp xe ổ bụng nếu không thể tiếp cận ổ áp xe bằng kim, hoặc vỡ tạng và giúp dọn sạch khối áp xe. Khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ sẽ rạch vùng bụng để định vị ổ áp xe, thiết lập ống dẫn lưu dịch cho người bệnh khi khối áp xe lành.
Áp xe ổ bụng do dị vật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, khi bị áp xe, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.