Kháng sinh điều trị giãn phế quản

Giãn phế quản là tình trạng bệnh lý ở xảy ra ở phổi. Bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Sử dụng kháng sinh điều trị giãn phế quản chính là giải pháp giúp giảm các triệu chứng nhanh chóng và hiệu quả. Các loại thuốc điều trị giãn phế quản cần phải tuân thủ sử dụng đúng cách và theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

1. Tổng quan về bệnh giãn phế quản

Giãn phế quản là tình trạng tăng khẩu kính phế quản liên tục và không hồi phục được của một hoặc nhiều phế quản. Khi bị giãn phế quản thường kèm theo sự phá hủy của thành phế quản, dẫn tới các triệu chứng ho có đờm và bị nhiễm trùng hô hấp tái phát nhiều lần.

Giãn phế quản được chia thành ba loại, gồm: giãn phế quản hình trụ, giãn phế quản hình túi và giãn phế quản hình tràng hạt. Với các triệu chứng lâm sàng thường thấy như:

  • Ho có đờm kéo dài: đờm có mủ màu xanh hoặc màu vàng, trong một số trường hợp đờm lẫn máu. Lượng đờm trong ngày có thể ít hoặc nhiều, trung bình 10-150ml/ngày hoặc nhiều hơn 150 ml/ngày. Lắng đờm thấy có 3 lớp: lớp trên cùng là bọt ở giữa là lớp nhầy mủ và dưới cùng là lớp mủ đục. Khạc đờm sẽ tăng lên khi xuất hiện bội nhiễm. Đây là triệu chứng quan trọng nhất của bệnh.
  • Ho ra máu: thường hay tái phát nhiều lần và có thể kéo dài trong nhiều năm. Đây có thể là triệu chứng gặp duy nhất của bệnh.
  • Khó thở: xuất hiện muộn, là dấu hiệu của suy hô hấp do tổn thương lan tỏa hai phổi, có thể có tím môi và đầu các chi.
  • Sốt: là triệu chứng khi bị nhiễm khuẩn hô hấp, khi sốt thường khạc đờm nhiều hơn hoặc thay đổi màu sắc đờm.
  • Đau tức ngực: là dấu hiệu sớm của nhiễm khuẩn vùng gần màng phổi hoặc túi phế quản giãn căng.

Ngoài ra các triệu chứng ít gặp hơn của giãn phế quản cũng có thể xuất hiện như: sút cân, thiếu máu, mệt mỏi, đổ mồ hôi.

2. Thuốc điều trị giãn phế quản dùng khi nào?

Các thuốc điều trị giãn phế quản hay kháng sinh điều trị giãn phế quản được chỉ định sử dụng khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh:

Các loại thuốc điều trị giãn phế quản ở dạng xịt, hít, khí dung thường được ưu tiên sử dụng trước. Vì chúng làm giảm ngay triệu chứng của bệnh, nhưng lại ít gặp phải tác dụng phụ. Thuốc sẽ tác động trực tiếp vào lượng nước trong đường thở, từ đó giúp làm loãng đờm cho bệnh nhân dễ khạc đờm ra hơn.

Trong điều trị giãn phế quản, các loại thuốc có tác dụng ngay lập tức thường được sử dụng cho người bệnh có triệu chứng khó thở nặng. Thuốc điều trị giãn phế quản phải phát huy tác dụng sớm để giảm các triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh thở lại được. Ngược lại, thuốc điều trị giãn phế quản có tác dụng lâu dài được sử dụng cho các trường hợp bệnh ổn định hơn.


Thuốc điều trị giãn phế quản dạng hít được ưu tiên sử dụng
Thuốc điều trị giãn phế quản dạng hít được ưu tiên sử dụng

3. Thuốc điều trị giãn phế quản

Thuốc điều trị giãn phế quản có tác dụng làm giãn các cơ trơn của phế quản, giúp tăng khẩu khí đường thở từ đó làm cho không khí di chuyển qua đường thở dễ dàng đến các phế nang khác để thực hiện trao đổi khí.

Phác đồ thường được sử dụng để điều trị giãn phế quản là điều trị bội nhiễm phế quản, điều trị ho ra máu và điều trị tình trạng co thắt phế quản.

Điều trị bội nhiễm phế quản

  • Thường dùng kháng sinh để điều trị ban đầu bằng đường uống hoặc đường tiêm phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng người bệnh và màu sắc đờm.
  • Các kháng sinh điều trị giãn phế quản bội nhiễm thường dùng là Cephalosporin thế hệ 2 Cefuroxim và Cephalosporin thế hệ 3 Cefotaxim và Ceftazidim. Kết hợp với các nhóm kháng sinh Aminoglycosid: Gentamycin (dùng tiêm bắp 1 lần) hoặc Amikacin (tiêm bắp 1 lần) hoặc pha để truyền tĩnh mạch với Natriclorua 0,9%.
  • Các thuốc điều trị giãn phế quản khác có thể dùng thay thế như: Penicillin dùng pha truyền tĩnh mạch, kết hợp với kháng sinh nhóm Aminoglycosid.
  • Nếu như nghi ngờ vi khuẩn tiết Betalactamase thì hãy thay thế thuốc Penicilin G bằng Amoxicilin + acid Clavunalic hoặc Ampicilin + Sulbactam, liều dùng 3-6g trong ngày.
  • Nếu đờm của bệnh nhân có mủ hôi thì hãy kết hợp sử dụng nhóm thuốc Betalactam với Metronidazol truyền tĩnh mạch chia 2-3 lần, hoặc dùng Penicillin kết hợp với Metronidazol và truyền tĩnh mạch.
  • Thay đổi kháng sinh dựa theo đáp ứng lâm sàng và kết quả kháng sinh đồ nếu có.
  • Thời gian dùng kháng sinh tùy thuộc theo từng trường hợp, thông thường là từ 1-2 tuần. Đối với những trường hợp điều trị giãn phế quản nặng, vi khuẩn thường kháng thuốc nên phải dùng kháng sinh dài ngày hơn. Chẳng hạn như bội nhiễm do Pseudomonas Aeruginosa hoặc do Staphylococcus areus thì thời gian dùng kháng sinh điều trị giãn phế quản có thể tới 3 tuần.

Điều trị ho ra máu:

  • Nếu như ho ra máu nhẹ: lượng máu ho khạc < 50 ml/ngày chỉ cần nằm nghỉ, ăn lỏng và dùng thuốc giảm ho là đủ.
  • Nếu như ho ra máu ở mức độ trung bình: lượng máu ho khạc từ 50-200 ml/ngày thì phải có chế độ chăm sóc như ho ra máu nhẹ. Ngoài ra phải kết hợp dùng thêm Transamin (dùng tiêm tĩnh mạch), nên thận trọng khi bị suy hô hấp mạn tính.
  • Nên dùng kháng sinh điều trị cho tất cả các trường hợp ho máu từ mức độ trung bình trở lên để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
  • Nếu như ho ra máu ở mức độ nặng và rất nặng: lượng máu ho khạc > 200 ml/ngày, cũng thực hiện chăm sóc tương tự, sử dụng morphin, các thuốc co mạch như trên. Kết hợp với truyền dịch, truyền máu bồi phụ khối lượng tuần hoàn. Trong một số trường hợp cần phải hút đờm máu, đặt nội khí quản hoặc mở khí quản để loại bỏ các cục máu đông gây bít tắc phế quản.

Điều trị giãn phế quản ở người bệnh ho ra máu cần thận trọng
Điều trị giãn phế quản ở người bệnh ho ra máu cần thận trọng

Điều trị tình trạng co thắt phế quản

  • Khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, nghe phổi thấy ran rít, ran ngáy thì có thể sử dụng các thuốc điều trị giãn phế quản.
  • Nhóm thuốc cường beta-2, tác dụng ngắn như: salbutamol (4 mg x 4 viên/ngày, uống chia 4 lần), terbutalin (5 mg x 2-4 viên/ngày, uống chia 2-4 lần). Nhóm thuốc này nên thận trọng sử dụng cho người mắc bệnh cường giáp, bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh đái tháo đường.
  • Nhóm thuốc kháng cholinergic tác dụng nhanh, ngắn như: ipratropium bromide khí dung 2 ml/lần x 3 lần/ngày. Cần thận trọng sử dụng thuốc cho các đối tượng: tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, ung thư tuyến tiền liệt.
  • Sử dụng kết hợp nhóm thuốc kháng cholinergic kết hợp với nhóm thuốc cường beta-2: fenoterol/ipratropium, salbutamol/ipratropium: khí dung 2 ml/lần x 3 lần/ngày.
  • Đối với thuốc điều trị giãn phế quản có tác dụng kéo dài như bambuterol nên uống uống 1 viên 10mg/ngày.

Việc điều trị giãn phế quản rất quan trọng và cần phải điều trị ngay lập thức. Hiện nay, những loại thuốc cũng như kháng sinh điều trị giãn phế quản đều có tác dụng nhanh và hiệu quả, giúp khắc phục được tình trạng của bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn phải thăm khám và phải có sự theo dõi của bác sĩ mới được sử dụng thuốc điều trị giãn phế quản. Trong quá trình điều trị giãn phế quản, cần phải tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe