Khám khớp háng đúng cách là biện pháp giúp bác sĩ phát hiện được người bệnh có bị thoái hóa khớp háng không, đang ở giai đoạn nào của bệnh,... để từ đó có phương án can thiệp điều trị thích hợp nhất.
1. Sơ lược về bệnh thoái hóa khớp háng
1.1 Khớp háng có chức năng gì?
Khớp háng có cấu tạo gồm 2 phần: Chỏm xương đùi hình cầu và ổ cối xương chậu hình lõm. Có một lớp sụn viền cấu trúc dạng sợi bao bọc ổ cối, với chức năng phòng ngừa phân tách mặt khớp, duy trì lượng dịch trong khớp, mang lại sự chắc chắn và vững chãi cho khớp háng.
Khớp háng là nơi tiếp giáp giữa xương đùi và xương chậu, làm nhiệm vụ trụ đỡ cho phần thân trên của cơ thể. Đồng thời, khớp háng còn là điểm trụ trung tâm cho các động tác của cơ thể, đặc biệt là cử động gập và duỗi. Ngoài ra, khớp háng còn đảm nhiệm chức năng chống đỡ trọng lượng của toàn bộ cơ thể và hấp thụ lực tác động lên cơ thể khi đi đứng, vận động. Khi khớp háng bị suy yếu do thoái hóa khớp háng hoặc các nguyên nhân khác thì chức năng của khớp háng sẽ mất dần, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
1.2 Thoái hóa khớp háng là gì?
Thoái hóa khớp háng là một bệnh lý cơ xương khớp xảy ra khi sụn khớp bị bào mòn, gây nên những cơn đau dai dẳng và khó vận động, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu không được can thiệp điều trị sớm, thoái hóa khớp háng có thể gây biến dạng cấu trúc khớp háng, dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.
Bệnh thoái hóa khớp háng thường gặp ở người lớn tuổi, có bệnh sử viêm khớp, từng bị tai nạn hoặc chấn thương ở khu vực khớp háng. Phụ nữ cũng có nguy cơ bị thoái hóa khớp háng cao hơn so với nam giới.
2. Chẩn đoán thoái hóa khớp háng như thế nào?
Việc chẩn đoán thoái hóa khớp háng thường bao gồm: Khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể:
2.1 Khám lâm sàng khớp háng
Hỏi bệnh
- Hỏi tuổi tác bệnh nhân: Thông thường, người trung tuổi trở lên thường bị thoái hóa khớp háng, tiêu chỏm xương đùi
- Hỏi về cơ chế chấn thương: Ngã khuỵu gối, ngã đập mặt ngoài khớp háng hay chấn thương lặp lại
- Hỏi các triệu chứng mà bệnh nhân đã gặp: Đau, khó chịu ở khớp háng, mông, đùi; cứng khớp; khô khớp; vận động háng khó khăn; khó đi lại,...
- Hỏi về các vấn đề khác: Hỏi về tình trạng yếu cơ, giảm hoạt động, nghề nghiệp, thói quen tập thể thao, các thuốc đang dùng, các bệnh lý kèm theo,...
Các bước khám thoái hóa khớp háng cơ bản
- Nhìn: Dáng đứng, dáng đi, sự thăng bằng, tư thế chi, quan sát tại chỗ,...;
- Sờ: Thực hiện khi bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Khi sờ, bác sĩ có thể phát hiện các thay đổi cấu trúc ở khớp háng qua xúc giác và điểm đau khi ấn. Các mốc thường được sờ theo cách khám khớp háng của bác sĩ là: Các mốc xương (mào chậu, gai chậu, mấu chuyển lớn, ụ ngồi), khớp, mô mềm;
- Vận động: Tầm vận động chủ động là bệnh nhân tự vận động để bác sĩ xem hoạt động của cơ và thần kinh. Tầm vận động thụ động là bác sĩ làm động tác vận động để kiểm tra xem người bệnh có bị cứng khớp hay không. Các cặp vận động cần thực hiện gồm gấp - duỗi, khép - dạng, xoay trong - xoay ngoài;
- Cơ lực: Kiểm tra gập háng, duỗi háng, dạng háng, khép háng, xoay trong, xoay ngoài;
- Chức năng vận động: Đánh giá bằng các động tác ngồi xổm, bắt chéo chân, đi và dáng đi, lên - xuống cầu thang, chạy, xoay thân, nhảy lò cò,...
Các test đặc biệt
Khi khám khớp háng, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện các test đặc biệt để đánh giá bất thường về cấu trúc, chức năng khớp háng và các thành phần xung quanh. Thực hiện như sau:
- Đánh giá độ mềm dẻo: Các cơ gấp háng, cơ thẳng đùi, cơ căng cân đùi, các cơ hamstring;
- Đánh giá kích thích, yếu cơ: Test cơ hình lê, yếu cơ dạng háng;
- Đánh giá sự toàn vẹn của khớp háng: Patrick’s Test (FABER test), test chạm FADIR, test lăn súc gỗ, Galeazzi test, Ortolani & Barlow.
Đo lường
- Đo chiều dài chi: Chiều dài tuyệt đối (đo từ gai chậu trước trên đến mắt cá trong) và chiều dài tương đối (đo từ rốn đến mắt cá trong);
- Đo chiều dài xương đùi: Chiều dài tương đối (đo từ gai chậu trước trên đến khe khớp gối ngoài) và chiều dài tuyệt đối (đo từ mấu chuyển lớn đến khe khớp gối ngoài);
- Đo vòng đùi: So sánh 2 bên vòng đùi xem có hiện tượng sưng hay không.
2.2 Chẩn đoán hình ảnh
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân đi chụp X-quang để tìm kiếm nguyên nhân của tình trạng đau nhức, khó chịu vùng khớp háng, mông, đùi,... Nếu bị thoái hóa khớp háng Xquang sẽ có kết quả như sau:
- Khư khớp bị hẹp do sụn khớp bị bào mòn;
- Gai xương phát triển tại nhiều vị trí, gồm ở cả chỏm xương đùi và xương chậu;
- Đặc xương dưới sụn ở những khu vực chịu trọng lực tỳ đè lớn;
- Khuyết xương.
Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, bệnh nhân còn phải thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh khác như chụp CT, chụp MRI hoặc siêu âm tùy theo chỉ định của bác sĩ.
2.3 Xét nghiệm cận lâm sàng
Để xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp nhất cho bệnh nhân, đôi khi bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu trong quá trình khám khớp háng như:
- Siêu âm mạch máu và động mạch đồ;
- Xét nghiệm men gan và creatinin;
- Xét nghiệm đông máu và công thức máu;
- Định lượng mức đường trong máu ở người bệnh trên 50 tuổi, BMI > 25, tiền sử tiểu đường;
- Điện tâm đồ, điện giải đồ.
Nhìn chung, việc chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp háng cần phải thực hiện nhiều phương pháp, kỹ thuật khác nhau. Và để phát hiện bệnh sớm, đảm bảo hiệu quả điều trị, khi có dấu hiệu cảnh báo nghi ngờ thoái hóa khớp háng, bệnh nhân đi khám khớp háng càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.