Khám rối loạn nhịp tim là khám những gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh rối loạn nhịp tim ngày càng trở nên phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa, nếu như trước đây bệnh chỉ xuất hiện ở người cao tuổi thì giờ đây đã xuất hiện ở cả những người trẻ tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vậy triệu chứng của rối loạn nhịp tim cần đi khám là gì và khám rối loạn nhịp tim là khám những gì?

1. Bệnh rối loạn nhịp tim là gì?

Rối loạn nhịp tim là một tình trạng bất thường về việc tạo nhịp hoặc bất thường về mặt dẫn truyền điện trong buồng tim, dẫn đến các biểu hiện ra bên ngoài như là nhịp tim nhanh (> 100 nhịp/phút), hay nhịp tim chậm (< 60 nhịp/phút), nhịp không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm,...

2. Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim khiến cho hoạt động bơm máu của tim kém hiệu quả, từ đó gây ra các triệu chứng như:

  • Triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực: đây là triệu chứng thường gặp nhất, người bệnh có cảm giác như tim ngừng lại trong một giây lát sau đó là một nhịp đập mạnh, giống như “đấm” vào ngực.
  • Nhịp tim nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường.
  • Có cảm giác mệt mỏi, khó thở, thở ngắn.
  • Đau tức ngực: đây là một dấu hiệu nguy hiểm của rối loạn nhịp tim, thường xuất hiện trên bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch khác như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành,...
  • Cảm thấy choáng váng, chóng mặt.
  • Có thể bị ngất xỉu hoặc gần ngất xỉu.
  • Vã mồ hôi.

Rối loạn nhịp tim gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm
Rối loạn nhịp tim gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm

3. Khám rối loạn nhịp tim là khám những gì?

Khi thấy bất cứ triệu chứng nào của rối loạn nhịp tim kể trên, chúng ta cần đi khám rối loạn nhịp tim để phát hiện sớm nhất các vấn đề của tim. Việc khám rối loạn nhịp tim bao gồm:

Khám chuyên khoa Nội Tim mạch: Các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân. Cụ thể, bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra các yếu tố sau đây:

  • Huyết áp: kiểm tra xem huyết áp có bình thường hay không?
  • Nhịp tim: kiểm tra xem nhịp tim là bao nhiêu, bình thường hay nhanh hoặc chậm quá.
  • Nghe tim: thông qua việc nghe tim, bác sĩ có thể phát hiện các tiếng tim bất thường (nếu có).

Làm các xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu, xác định các chỉ số:
    • Định lượng Glucose
    • Định lượng Cholesterol
    • Định lượng Triglycerid.
    • Định lượng HDL-C.
    • Định lượng LDL-C.
    • Định lượng Creatinin.
    • Định lượng Ure.
    • Điện giải đồ (Na, K, Cl).
    • Định lượng Calci toàn phần.
    • Thời gian prothrombin.
    • Thời gian thromboplastin một phần hoạt hóa.
    • Định lượng CRP hs.
    • Định lượng FT3, FT4, TSH

  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.
  • Điện tâm đồ (điện tim).
  • Holter điện tâm đồ.
  • Siêu âm tim.
  • Chụp X-quang ngực thẳng (X-quang tim phổi).

Kết luận: dựa trên việc thăm khám lâm sàng và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng rối loạn nhịp tim của bệnh nhân và hướng điều trị thích hợp.

4. Rối loạn nhịp tim có chữa được không?

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh rối loạn nhịp tim. Tùy theo tình trạng bệnh của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể sử dụng một hay phối hợp nhiều phương pháp với nhau, theo các nguyên tắc chung sau đây:

  • Đầu tiên cần loại bỏ tác nhân gây loạn nhịp như các chất kích thích, một số loại thuốc điều trị,...
  • Điều trị các bệnh lý nền như: bệnh tim mạch, bệnh cường giáp, bệnh đái tháo đường,...
  • Sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp như: thuốc chẹn kênh calci, thuốc chẹn beta, digoxin,...
  • Sử dụng các nghiệm pháp làm giảm nhịp tim (với trường hợp rối loạn nhịp tim nhanh) bằng cách ấn và xoa xoang động mạch cảnh, nghiệm pháp Valsalva, ấn nhãn cầu,...
  • Trường hợp rối loạn nhịp tim nặng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa, có thể sử dụng các phương pháp khác như là: đặt máy tạo nhịp, sốc điện tim, đốt điện sinh lý, phẫu thuật.

Bệnh rối loạn nhịp tim có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc thăm khám rối loạn nhịp tim bao gồm khám lâm sàng tim mạch và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh, xác định nguyên nhân và mức độ bệnh. Từ đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe