Dù bạn có nhớ hay không thì bạn vẫn mơ mỗi đêm. Đôi khi bạn sẽ có những giấc mơ vui vẻ, có lúc lại buồn bã, kỳ quái và thậm chí là... giấc mơ gợi cảm. Tất cả đều là một phần bình thường của giấc ngủ, điều mà con người dành đến 1⁄3 cuộc đời để trải nghiệm. Trong khi các chuyên gia vẫn chưa thể giải mã những giấc mơ, giải thích vì sao ngủ mơ thì các nghiên cứu đã cung cấp cho chúng ta những thông tin rất hữu ích về chúng. Dưới đây là 40 sự thật đáng kinh ngạc về những giấc mơ. Hãy cùng khám phá nhé!
Chúng ta mơ như thế nào?
1. Bạn mơ sống động nhất trong giai đoạn REM
Trong 4 giai đoạn của giấc ngủ, những giấc mơ sống động nhất của con người xảy ra trong giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM - Rapid eye movement). Nó diễn ra thành từng đợt ngắn suốt đêm và cách nhau khoảng 90 - 20 phút.
2. Những giấc mơ dài hơn xuất hiện vào buổi sáng
Vào lúc gần sáng, bạn sẽ có xu hướng mơ giấc mơ dài hơn, chi tiết hơn. Điều này lý giải vì sao lúc mới dậy bạn sẽ nhớ nội dung một số giấc mơ trong thời gian ngắn.
3. Mơ vào cuối tuần dễ nhớ hơn
Vào những ngày cuối tuần khi bạn có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, mỗi giai đoạn của giấc ngủ REM sẽ dài hơn và khiến bạn dễ nhớ nội dung của các giấc mơ hơn.
4. Các cơ bắp của bạn bị tê liệt khi đang mơ
Cơ thể con người có một cơ chế vô cùng tuyệt vời. Đó là khi bạn nằm mơ, hầu hết các cơ của bạn sẽ bị làm cho tê liệt trong suốt giấc ngủ REM để ngăn bạn cử động thực hiện những hành động trong giấc mơ.
5. Điểm nổi bật của giấc mơ là hình ảnh
Chúng ta mơ chủ yếu bằng hình ảnh. Ngoài ra, phần lớn các giấc mơ cũng được thiết kế thêm với ít âm thanh hoặc chuyển động.
6. Bạn sẽ mơ một số giấc mơ theo chủ đề
Theo ghi nhận, những giấc mơ lặp đi lặp lại ở trẻ em chủ yếu là về:
Đối đầu với động vật hoặc quái vật;
Bị tấn công thể chất;
Ngã;
Bị truy đuổi.
7. Không phải giấc mơ nào cũng có màu sắc
Ước tính có khoảng 12% dân số thường mơ các giấc mơ trắng đen.
Chúng ta mơ về điều gì?
8. Phần lớn các giấc mơ đều kỳ lạ
Đừng bối rối khi bạn mơ những giấc mơ kỳ lạ, phi lý, không rõ nghĩa. Đơn giản vì phần não chịu trách nhiệm tạo ra ý nghĩa cho mọi thứ ngừng hoạt động khi mơ.
9. Những sự kiện trong ngày có thể xuất hiện trong mơ
Hầu hết các giấc mơ của chúng ta đều liên quan đến những suy nghĩ hoặc sự kiện diễn ra từ 1 hoặc 2 ngày trước đó.
10. Những gương mặt trong giấc mơ sẽ rất quen thuộc
Theo Đại học Stanford, bạn có thể chỉ mơ về những khuôn mặt mà bạn đã nhìn thấy trực tiếp hoặc qua mạng xã hội, TV...
11. Ít căng thẳng sẽ khiến bạn có giấc mơ đẹp hơn
Bạn sẽ có những giấc mơ dễ chịu, vui vẻ hơn nếu bạn ít bị căng thẳng và cảm thấy hài lòng trong cuộc sống ngoài đời thật của mình.
Những giấc mơ về tình dục
12. Chào cờ buổi sáng không có nghĩa là mơ “bậy bạ”
Việc nam giới “chào cờ” vào sáng sớm không liên quan gì đến những giấc mơ gợi cảm hay sự kích thích. Tình trạng căng cứng dương vật về đêm (nocturnal penile tumescence - NPT) khiến nam giới nói chung có từ 3-5 lần cương dương mỗi đêm, một số trường hợp kéo dài đến 30 phút.
13. Phụ nữ cũng có thể có những giấc mơ “ướt át”
Đàn ông không phải là giới duy nhất trải qua mộng tinh. Phụ nữ cũng có thể giải phóng dịch tiết âm đạo khi bị kích thích và thậm chí đạt cực khoái khi có giấc mơ tình dục.
14. Giấc mơ tình dục không quá phổ biến
Theo nghiên cứu, chỉ có khoảng 4% giấc mơ của đàn ông và phụ nữ là về tình dục.
15. Giấc mơ tình dục thường có một nội dung chính
Hầu hết những giấc mơ liên quan đến tình dục là mô tả cảnh giao hợp.
16. Tư thế ngủ có thể quyết định nội dung giấc mơ
Bạn có nhiều khả năng mơ về tình dục hơn nếu bạn nằm ngủ với tư thế úp mặt xuống. Ngoài ra, ngủ úp mặt cũng có thể khiến bạn dễ mơ về các viễn cảnh:
Bị nhốt;
Bị khóa tay;
Khỏa thân;
Bị ngạt thở và không thể thở được;
Bơi lội.
17. Đàn ông ưa thích sự đa dạng
Đàn ông mơ về quan hệ tình dục với nhiều người cao gấp đôi so với phụ nữ.
18. Phụ nữ thích mơ về người nổi tiếng
Phụ nữ dễ có những giấc mơ quan hệ với người nổi tiếng nhiều gấp đôi so với nam giới.
19. Quan hệ khi ngủ là có thật
Quan hệ khi ngủ (sleep sex), còn được gọi là miên dâm (sexsomnia). Đây là 1 chứng rối loạn giấc ngủ giống như mộng du, tuy nhiên thay vì đi bộ thì họ sẽ thực hiện hành vi tình dục như thủ dâm hoặc giao hợp trong khi đang ngủ.
Ác mộng và những thứ đáng sợ khác
20. Trẻ em dễ gặp ác mộng hơn
Những cơn ác mộng ở trẻ em thường bắt đầu ở độ tuổi từ 3 đến 6 và giảm dần sau khi trẻ được 10 tuổi.
21. Phụ nữ dễ gặp những giấc mơ đáng sợ hơn
Phụ nữ gặp nhiều ác mộng hơn so với nam giới trong lứa tuổi thiếu niên và cả khi trưởng thành.
22. Ác mộng xảy ra vào một thời điểm cụ thể vào ban đêm
Ác mộng xảy ra thường xuyên nhất trong 1⁄3 thời gian cuối cùng của đêm.
23. Bạn có thể có vấn đề về sức khỏe nếu thường xuyên gặp ác mộng
Nếu bạn gặp ác mộng xảy ra thường xuyên, lặp đi lặp lại và bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, rất có thể bạn đã mắc một chứng bệnh gọi là rối loạn ác mộng (Nightmare disorder).
24. Chú ý trạng thái tê liệt khi ngủ
Có khoảng 8% dân số mắc chứng tê liệt khi ngủ, đó là tình trạng không thể di chuyển khi bạn ở trong trạng thái giữa ngủ và thức.
25. Cảm xúc của bạn có thể xuất hiện trong giấc mơ
Ví dụ: Bạn có khả năng mơ những giấc mơ tiêu cực về người thân đã mất nếu đang có các triệu chứng sang chấn tâm lý, cảm giác tội lỗi hoặc tự trách vì sự ra đi của họ.
26. Những giấc mơ buồn có thể xảy ra vào các ngày lễ
Vào những ngày lễ (đặc biệt là dịp đoàn viên), một số người sẽ có những giấc mơ đau buồn, gợi họ nhớ về những người thân đã qua đời.
27. Trẻ em dễ có những cơn khiếp sợ trong đêm
Cơn khiếp sợ trong đêm (Night terrors) bao gồm những phản ứng như: sợ hãi dữ dội, la hét, chạy xung quanh hay hành động hung hăng khi đang ngủ. Ước tính có đến 40% trẻ em gặp tình trạng này, may thay chúng sẽ giảm dần và biến mất cho đến khi trẻ đến lứa tuổi thiếu niên.
28. Không nên ăn quá khuya
Ăn trước khi ngủ khiến bạn dễ gặp ác mộng hơn vì nó làm tăng quá trình trao đổi chất, báo hiệu cho não của bạn hoạt động tích cực hơn.
29. Một số loại thuốc có thể khiến bạn gặp ác mộng
Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm và thuốc mê có thể làm tăng tần suất gặp ác mộng.
30. Cảm xúc tiêu cực gây hại đến tâm trí
Theo nghiên cứu, sự bối rối, ghê tởm, buồn bã và cảm giác tội lỗi thường là những nguyên nhân chính gây ra những cơn ác mộng hơn là sự sợ hãi.
Một số thông tin thú vị khác
31. Tất cả chúng ta đều nhìn thấy trong mơ, kể cả người mù
32. Tất cả mọi người đều mơ, kể cả thú cưng
33. Chúng ta quên đến 95-99% nội dung giấc mơ sau khi tỉnh dậy
34. Chúng ta mơ rất nhiều. Từ 10 tuổi trở lên ta có xu hướng mơ ít nhất 4-6 giấc mơ mỗi đêm
35. Nhiều người tin rằng giấc mơ có thể dự đoán tương lai, dù vẫn chưa có đủ bằng chứng chứng minh điều đó
36. Những giấc mơ tiêu cực phổ biến hơn những giấc mơ tích cực
37. Bạn có thể điều khiển giấc mơ của mình bằng cách áp dụng các kỹ thuật tạo “giấc mơ sáng suốt” (Lucid dream).
38. Co thắt cơ khi ngủ không phải do bạn tưởng tượng. Bạn có thể bị giật mình, co rút đột ngột hoặc cảm giác bị ngã trong khi ngủ.
39. Những cơn giật mình khi ngủ có thể là nguyên nhân cho những giấc mơ về việc bị ngã, đây cũng là một trong những chủ đề giấc mơ phổ biến nhất.
40. Mơ thấy răng bị rụng có thể là do các vấn đề răng miệng chưa được chẩn đoán, chẳng hạn như chứng nghiến răng, chứ không phải là điềm báo về cái chết như quan niệm dân gian lưu truyền.
Tâm lý học về giấc mơ
Không ít người đã từng có lần tự hỏi giấc mơ của mình có nghĩa gì. Hiện vẫn có nhiều nghiên cứu đang cố tìm cách giải mã những giấc mơ. Trong khi nhiều chuyên gia tin rằng giấc mơ không có ý nghĩa thì vẫn có nhiều người ủng hộ ý kiến ngược lại. Hãy cùng tìm hiểu một số lý thuyết phổ biến nhất về ý nghĩa giấc mơ:
- Thuyết phân tâm học (Psychoanalytic theory). Theo lý thuyết này, giấc mơ được cho là đại diện cho những ham muốn vô thức, những mong muốn và những xung đột cá nhân. Mơ là cách chúng ta thực hiện những ham muốn vô thức một cách an toàn trong bối cảnh không có thực, bởi vì việc thực hiện chúng trong thực tế sẽ là điều không thể chấp nhận được.
- Thuyết kích hoạt-tổng hợp (Activation synthesis theory). Là thuyết khá phổ biến vào những năm 1970, nó gợi ý rằng giấc mơ chỉ là sản phẩm phụ của bộ não khi cố gắng xử lý các tín hiệu ngẫu nhiên từ hệ thống limbic. Hệ thống này có liên quan đến ký ức, cảm xúc và cảm giác của bạn.
- Lý thuyết kích hoạt liên tục (Continual activation theory). Đây là ý tưởng cho rằng bộ não con người liên tục lưu trữ ký ức, kể cả khi chúng ta ngủ. Nó cho rằng, những giấc mơ sẽ là không gian để lưu giữ những ký ức trong khi não bộ thực hiện quá trình chuyển đổi từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.
Những lý thuyết trên vẫn chưa đủ để làm rõ ý nghĩa của các giấc mơ. Dưới đây là một số lý thuyết thú vị khác dễ hiểu hơn:
- Giấc mơ là cách não bộ mô phỏng các mối đe dọa để giúp bạn chuẩn bị cho việc đối mặt với các mối đe dọa trong đời sống thực.
- Giấc mơ là cách não bộ thu thập và loại bỏ những thông tin không còn giá trị trong ngày để nhường chỗ trống cho thông tin mới vào ngày hôm sau.
- Giấc mơ được xem mô tả như một cơ chế phòng thủ tiến hóa của việc giả chết để đánh lừa kẻ thù. Điều này giải thích tại sao cơ thể chúng ta tê liệt khi mơ nhưng tâm trí thì vẫn hoạt động tích cực.
Hiện các chuyên gia vẫn chưa có đáp án chính xác về việc vì sao ngủ mơ và giấc mơ phục vụ chức năng gì. Điều duy nhất mà chúng ta biết là mọi người đều mơ, và dù giấc mơ của ta có vô lý, phi logic đến đâu thì cũng là hoàn toàn bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.