Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bệnh lý tim mạch có thể xuất hiện một cách âm thầm và để lại nhiều di chứng nặng nề thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng con người. Do vậy theo dõi, thăm khám tim mạch định kỳ là một việc hết sức cần thiết góp phần phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh tim mạch.
1. Khi nào nên đi khám tim mạch
Khám tim mạch là việc làm hết sức cần thiết, giúp phát hiện kịp thời tình trạng bệnh tim mạch và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám tim mạch khi cảm thấy bản thân có những dấu hiệu sau:
1.1 Tức ngực
Đây là một trong những dấu hiệu điển hình nhất của bệnh tim, mặc dù nguyên nhân tức ngực có thể là do yếu tố khác, nhưng việc bơm máu của tim sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các áp lực đè lên lồng ngực.
1.2 Tăng huyết áp
Huyết áp tăng là dấu hiệu của việc áp lực đẩy máu của tim tăng tức là tim đang phải làm việc với công suất nặng hơn dễ dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ.
1.3 Khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh
Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành,...
1.4 Tiểu đường
Theo các nghiên cứu tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường có mối liên hệ mật thiết đến các bệnh tim mạch.
Việc kiểm soát chất lượng đường trong máu không tốt không chỉ ảnh hưởng đến các mạch máu mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh động mạch vành cho bệnh nhân.
1.5 Hút thuốc lá
Hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động: Hút thuốc lá gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch do gây tăng huyết áp.
1.6 Lượng cholesterol trong máu cao
Cholesterol có nhiều trong máu bám vào thành mạch gây cản trở quá trình lưu thông gây ra các bệnh lý tim mạch.
1.7 Bệnh thận mãn tính
Bệnh thận mãn tính làm ảnh hưởng đến huyết áp và các mao mạch, người mắc bệnh thận cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim.
1.8 Di truyền
Bệnh tim mạch không loại trừ yếu tố di truyền, nếu nhận thấy có những biểu hiện của bệnh mà gia đình có người tiền sử mắc bệnh tim thì bạn nên lưu ý đến việc thăm khám và theo dõi tình trạng tim mạch của mình.
2. Quá trình khám lâm sàng tim mạch diễn ra như thế nào?
Dưới đây là các bước cơ bản khi thăm khám lâm sàng giúp người bệnh hiểu rõ hơn và tránh lo lắng khi đến các cơ sở y tế thăm khám tim mạch.
2.1 Hỏi bệnh khi khám tim mạch
Khi khám tim mạch bác sĩ sẽ đưa ra những câu hỏi về các biểu hiện hoặc triệu chứng của bệnh tim thường gặp như: khó thở, tím tái, hồi hộp, đau trước tim, ngất,...
Ngoài ra một số bệnh lý hoặc vấn đề liên quan cũng được hỏi nhằm giúp hỗ trợ cho việc chẩn đoán như là: Người nhà có tiền sử bệnh tim không; tình trạng thần kinh; công việc; thói quen sinh hoạt; rối loạn nội tiết tố,...
2.2 Khám thực thể đối với bệnh nhân tim mạch
2.2.1 Tư thế người bệnh
Khi khám tim mạch người bệnh được chỉ định ở tư thế nằm ngửa, chân hơi co, lưng và đầu gối cao, mở khuy áo để lộ phần ngực trước.
2.2.2 Quan sát bệnh nhân
Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa vào một số biểu hiện sau:
- Màu sắc da và niêm mạc: Môi tím tái bệnh tim bẩm sinh hoặc suy tim; Ngón tay, ngón chân dùi trống: bệnh tim bẩm sinh hoặc viêm màng trong tim bán cấp.
- Hình dạng lồng ngực: Lồng ngực của những người mắc bệnh tim khi còn nhỏ thường dễ biến dạng. Lồng ngực trẻ em bị tràn dịch màng tim sẽ có dấu hiệu hơi lồi.
- Nhịp đập của tim: Những người bị bệnh tim mạch thường có nhịp tim bất thường, nếu mỏm tim đập mạnh rất có khả năng thất trái to hoặc tim to; tim đập yếu: Trong trường hợp tràn dịch màng ngoài hoặc những người béo có thành ngực dày.
- Túi phình động mạch chủ: Đối với người bị bệnh lý tim mạch này sẽ xảy ra hiện tượng xuất hiện một khối u đập theo nhịp tim ở vị trí gian sườn sát hai bên xương ức.
- Vùng cổ: Tĩnh mạch cổ nổi là dấu hiệu của suy tim phải, động mạch chủ đập mạnh là dấu hiệu của hở van động mạch chủ. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xem xét tuyến giáp có bị trạng to không vì trong một số trường hợp cường tuyến giáp có thể gây biến chứng tim mạch.
- Vùng thượng vị và vùng hạ sườn phải: Vùng thượng vị đập theo nhịp tim có thể là biểu hiện của tim phải to; suy tim phải hoặc suy toàn bộ thường làm gan to ra nên dễ dàng nhận thấy vùng hạ sườn phải dày hơn bên còn lại.
Video đề xuất: Nhịp tim bình thường đập bao nhiêu lần mỗi phút?
2.2.3 Sờ trực tiếp
Sờ là phương pháp khám tim mạch giúp bác sĩ xác định những điểm bất thường của mỏm tim. Khi đó bác sĩ có thể đưa ra được một số dự đoán để khoanh vùng bệnh như:
- Tim bị đẩy sang một bên: Tràn dịch và tràn khí nhiều ở màng phổi một bên;
- Tim co kéo về: Dày dính màng phổi và màng tim;
- Mỏm tim đập không rõ: Viêm màng ngoài tim có tràn dịch hoặc người bệnh bị dày dính màng tim;
- Mỏm tim đập mạnh: tim trái to hoặc có thể bị hở van động mạch chủ
2.2.4 Nghe tim
Nghe tim là phương pháp quan trọng nhất trong khám vùng trước tim. Để chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân tim mạch bác sĩ sẽ dựa vào những biểu hiện của người bệnh và kiến thức chuyên môn như:
- Sự thay đổi tiếng tim
- Sự thay đổi nhịp tim
- Tiếng thổi
- Tiếng cọ màng tim
Trên đây là một số bước cơ bản khi thăm khám lâm sàng ở bệnh nhân tim mạch. Sau khi thực hiện thăm khám bác sĩ sẽ đưa ra những nhận định sơ bộ ban đầu, để khẳng định một cách chính xác hơn về tình trạng tim mạch, bệnh nhân sẽ được chỉ định xét nghiệm máu, chụp X quang tim phổi, điện tâm đồ,... Sau đó bác sĩ đưa ra chẩn đoán cuối cùng và như tư vấn phương án điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.