Kết quả đo mức độ xơ hóa gan nói lên điều gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Gan không chỉ là cơ quan chuyển hóa thức ăn mà còn giúp thanh lọc độc tố trong cơ thể. Khi bị xơ hóa gan hoặc gan nhiễm mỡ, đây là dấu hiệu không thể coi thường vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người.

1. Xơ hóa gan là gì?

Xơ hóa gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong một thời gian dài, cấu trúc gan vốn bình thường sẽ thay đổi thành bất thường. Sự tiến triển từ tổn thương gan giai đoạn đầu đến xơ gan có thể xảy ra trong vài tuần đến nhiều năm.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng xơ gan có thể kể đến: uống nhiều rượu bia, béo phì, viêm gan B, viêm gan C mạn tính, xơ nang, mắc một số bệnh lý tự miễn.


Xơ hóa gan diễn ra nhanh chóng và gây tổn thương chức năng gan
Xơ hóa gan diễn ra nhanh chóng và gây tổn thương chức năng gan

2. Các cấp độ xơ hóa gan

Tình trạng xơ hóa gan phát triển qua 4 giai đoạn khác nhau với mức độ ngày càng tăng dần, và mỗi giai đoạn sẽ có những mức tác động khác nhau đến người bệnh.

  • Xơ hóa gan F1: Gan dần có dấu hiệu tổn thương nhưng chưa biểu hiện quá rõ nét. Ở giai đoạn đầu người bệnh ít thấy những triệu chứng rõ ràng bởi nó xuất hiện cực kỳ mờ nhạt. Các mô sẹo xơ hóa gan mới chỉ bắt đầu hình thành.
  • Xơ hóa gan F2: Ở giai đoạn này, các mô xơ dần xuất hiện nhiều hơn so với giai đoạn F1, gan bị tổn thương nhiều và các dấu hiệu ở thời kỳ F2 cũng dễ nhận biết hơn. Lúc này, ở gan xuất hiện nhiều hơn các mô sẹo, mô xơ hóa gan có thể nhìn thấy rõ nét qua siêu âm, chẩn đoán hình ảnh. Lượng tế bào mô xơ hóa gan giai đoạn này tăng lên rất nhiều, làm gan bị suy yếu chức năng rõ rệt.
  • Xơ hóa gan F3: Khi đã tiến đến xơ gan giai đoạn 3, lượng tế bào bị xơ hóa lớn hơn nhiều gây rối loạn chức năng gan. Các tế bào gan còn lại sẽ phải hoạt động nặng nhọc hơn để lọc thải chất độc cho cơ thể nhưng vẫn không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, cơ thể người bệnh sẽ có dấu hiệu phù nề, vàng da rõ rệt và cảm thấy đau nhức, mệt mỏi toàn thân.
  • Xơ hóa gan F4: Bệnh nhân được chẩn đoán là xơ gan giai đoạn F4 khi tế bào gan đã bị tổn thương hoàn toàn, gan không còn hoạt động như bình thường được nữa. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh đang ở trong tình trạng cực kì nguy hiểm.

Từ giai đoạn F3 trở đi, gan đã bị tổn thương quá nghiêm trọng khiến cho cơ thể người bệnh thể hiện ra những biến chứng nặng nề. Việc đưa ra phác đồ điều trị bệnh lúc này cũng rất khó khăn nên nếu cảm thấy có nguy cơ bất cứ bệnh lý nào về gan, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám và điều trị ngay lập tức, tránh để bệnh kéo dài dẫn đến tình trạng gan bị xơ hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tránh những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?

Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.

3. Quy trình đo độ xơ hóa và độ nhiễm mỡ của gan

Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 2 giờ trước khi được đo độ cứng của gan, mức độ xơ hóa.

Tiến trình đo chẩn đoán xơ hóa và gan nhiễm mỡ được thực hiện như sau:

Bước 1: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường, tay phải giơ lên cao để khoảng liên sườn được mở rộng tối đa.

Bước 2: Kỹ thuật viên để đầu dò siêu âm đàn hồi gan đặt trên da bệnh nhân, trong khoảng liên sườn ở khu vực gan phải. Bệnh nhân sẽ cảm thấy rung nhẹ mỗi khi một làn sóng đàn hồi được tạo ra bởi bộ rung.

Thông thường quá trình đo được thực hiện trong khoảng từ 5 đến 10 phút và không gây đau hoặc khó chịu cho bệnh nhân.

4. Kết quả đánh giá mức độ xơ hóa gan

Đơn vị tính: kPa

  • Từ F0 - dưới F1 (2.5 - 7.4 kPa): Thể hiện không có sự xơ hóa hoặc xơ hóa chỉ ở mức tối thiểu chưa có biến đổi về mặt giải phẫu bệnh.
  • Từ F1 – dưới F2 (7.5 – 9.4 kPa): Thể hiện đã có dấu hiệu xơ hóa trong nhu mô gan và có xu hướng gia tăng mức xơ hóa trong thời gian tiếp theo.
  • Từ F2 – dưới F3 (9.5 – 12.4 kPa): Thể hiện có sự xơ hóa nặng nhu mô gan, tuy chưa đến giai đoạn xơ gan nhưng có nguy cơ sẽ dẫn tới xơ gan.
  • Từ F3 – F4 (từ 12.5 kPa trở lên): cho thấy có sự xơ hóa nhu mô gan lan tỏa tương ứng với giai đoạn xơ hóa gan trên lâm sàng.

Thông số đánh giá mức độ gan nhiễm mỡ:

Đơn vị tính: dB/m

  • S0 – dưới S1 (dưới 100 dB/m): chưa có sự tích tụ thừa mỡ trong tế bào gan, số lượng tế bào gan chứa các hạt mỡ chiếm dưới 5% trên vi trường.
  • Từ S1 – dưới S2 ( 100 – 237.6 dB/m): gan nhiễm mỡ nhẹ, tỷ lệ tế bào gan chứa các hạt mỡ là trên 5% đến < 33%.
  • Từ S2 – dưới S3 (237.7 – 259.3 dB/m): gan nhiễm mỡ mức vừa, tỷ lệ tế bào gan chứa các hạt mỡ là từ 33% đến < 66%..
  • Từ S3 – S4 (259.4 – 292.3 dB/m): gan nhiễm mỡ mức độ nặng, tỷ lệ tế bào gan chứa các hạt mỡ là từ 66%.

5. Xơ hóa gan có nguy hiểm không?

Do phần gan bị xơ hóa, sẹo không thể phục hồi trở lại nữa, cho nên chứng xơ gan được liệt vào trong “tứ chứng nan y”. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và ngăn chặn quá trình xơ hóa gan tiếp diễn thì chức năng và hoạt động gan sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ngược lại, nếu không điều trị kịp thời thì người bệnh sẽ gặp phải nhiều vấn đề nguy hiểm.

Khi số lượng đơn vị chức năng cơ bản của gan ngày càng ít đi, khả năng thải độc của gan càng ngày càng kém. Cho đến khi gan không thể ngăn độc tố xâm nhập vào trong máu thì những độc tố này có thể đi vào não và gây ảnh hưởng suy nhược tâm thần, dẫn đến bệnh lý não gan. Thậm chí khi độc tố tích tụ trong cơ thể quá nhiều, bệnh nhân có thể ngất xỉu và hôn mê.

Ngoài ra, do gan đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa estrogen, nên người bệnh cũng có thể xuất hiện những biến chứng do tăng estrogen trong máu như: nữ hóa tuyến vú, xuất hiện dấu nhện mạch hay sao mạch, lòng bàn tay son đỏ. Không chỉ vậy, bệnh còn khiến gan ngừng sản xuất các yếu tố đông máu, dẫn đến chứng máu khó đông nguy hiểm.

Ngoài những biến chứng trên, bệnh còn dẫn đến biến chứng nghiêm trọng khác, được gọi riêng thành một bệnh lý với tên gọi: xơ gan cổ trướng.


Xơ hóa gan khiến gan ngừng sản xuất các yếu tố đông máu
Xơ hóa gan khiến gan ngừng sản xuất các yếu tố đông máu

6. Xơ gan có chữa được không?

Như đã đề cập ở trên, do quá trình xơ hóa không thể đảo ngược nên việc điều trị chỉ mang tính chất hạn chế bệnh không tiến triển thêm chứ không thể giúp khôi phục gan trở lại bình thường.

Về mặt lý thuyết, vẫn có phương pháp để chữa khỏi bệnh lý này, đó là ghép gan, nghĩa là thay phần gan mới khỏe mạnh cho phần đã bị xơ hóa. Tuy nhiên do yêu cầu cần có gan để thay thế nên trên thực tế, phương pháp này rất khó để thực hiện

Bệnh nhân bị xơ hóa gan có thể sử dụng một số loại thuốc có vai trò bảo vệ gan, tăng cường sức khỏe của gan và hỗ trợ chức năng gan. Một số nhóm thuốc được dùng phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Thuốc làm cải thiện chức năng chuyển hoá của tế bào gan và các hoócmôn glucococticoit: Prednizolon, Testosteron, Legalon, Vitamin C, B12, Cyanidanol...
  • Tiêm truyền dịch: plasma đậm đặc, dung dịch albumin 20%, đạm tổng hợp: alvezin, moriami; truyền máu trong trường hợp bị xuất huyết,...
  • Thuốc điều trị cổ trướng: Furocemid (Lasix), Aldacton,...

Ngoài ra chế độ ăn uống cho người bệnh cũng cần được chú ý bởi gan là cơ quan chuyển hóa, đào thải độc tố. Nếu không kiêng khem và có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, khiến bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu.

Với những bệnh nhân bị xơ hóa gan, bác sĩ khuyên nên chú trọng bổ sung các nhóm thực phẩm sau: Thực phẩm giàu protein (thịt, cá, trứng, sữa,..), thực phẩm giàu vitamin (các loại trái cây, cá, sữa,...), thực phẩm giàu chất xơ (tất cả các loại rau củ quả), thực phẩm giàu chất Beta-carotene như cà rốt.., thực phẩm giàu Omega-3 (cá hồi, cá thu, cá ngừ,...)

Bên cạnh những loại thực phẩm tốt cho gan, để ngăn không cho bệnh biến chuyển nặng hơn bệnh nhân cũng cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Tránh xa rượu – một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh.
  • Không ăn quá nhiều đường vì có thể khiến gan bị tổn thương thêm.
  • Hạn chế ăn muối vì khi bị tổn thương, gan không thể xử lý được natri trong muối, gây sưng phù và tích nước.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I Nội tổng quát tại Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc khám và điều trị các bệnh lý về đường tiêu hoá, đặc biệt là các bệnh lý tiêu hóa - gan mật, nội soi tiêu hoá và các bệnh lý nội tổng quát. Hiện tại bác sĩ Trâm đang công tác tại khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

>>Xem thêm: Vai trò của thảo dược trong điều trị, chống xơ hoá gan- Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe