Kén khí phổi trên Xquang

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Hùng - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Và Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Kén khí phổi (cystic lung lesion) được định nghĩa là một khoang đậm độ thấp trong nhu mô phổi, chứa khí, thường có thành mỏng. Kén khí phổi có thể bẩm sinh hoặc mắc phải.

Kén khí phổi bẩm sinh phát triển từ trong thời kỳ bào thai, bao gồm nhiều nhóm bệnh lý khác nhau: bất thường nang tuyến bẩm sinh, khí phế thủng thùy bẩm sinh, u nguyên bào phổi-màng phổi, nang nguồn gốc phế quản, phổi biệt trí,... Ngược lại kén khí phổi mắc phải xuất hiện thứ phát do các bệnh lý nguyên phát ở phổi như áp xe phổi, rách phổi do chấn thương, bệnh lý nhiễm trùng có tạo kén (nhiễm sán chó, nấm phổi,..), khí phế thủng phổi có tạo kén khí,... Bệnh kén khí phổi được phát hiện bằng phương pháp chụp X-quang với hình ảnh bóng khí trên phim cắt lớp và có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

1. Kén khí phổi là bệnh gì?

Kén khí phổi là một dị tật bẩm sinh của phổi, bất thường nang tuyến ở phổi, hình thành và phát triển trong giai đoạn bào thai. Đây là một dị tật hiếm gặp, nhiều nang nhỏ phát triển từ một phần trong phổi nhưng lại không có nhu mô phổi. Các nang này có cấu tạo đơn giản là lớp vỏ mỏng bao bọc kén khí bên trong. Mặc dù phát triển trong phổi nhưng các nang này không thực hiện được chức năng hô hấp như bình thường, do đó, gây ra biến chứng suy hô hấp.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra dị tật kén khí phổi vẫn chưa được xác định rõ. Yếu tố do gen di truyền cũng không cho thấy liên quan.


Kén khí phổi gây suy hô hấp cho ngưởi bệnh
Kén khí phổi gây suy hô hấp cho ngưởi bệnh

Trắc nghiệm: Làm thế nào để có một lá phổi khỏe mạnh?

Để nhận biết phổi của bạn có thật sự khỏe mạnh hay không và làm cách nào để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm sau đây.

2. Chẩn đoán kén khí phổi

Bệnh kén khí phổi thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể gây triệu chứng suy hô hấp sau khi trẻ được sinh ra, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, dị tật này có thể được phát hiện bằng phương pháp siêu âm trong thai kỳ. Do đó, khám thai định kỳ rất quan trọng, có thể giúp phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ở phổi của trẻ.

Nếu không được phát hiện trong giai đoạn bào thai (do không xuất hiện triệu chứng), kén khí phổi phát triển và được phát hiện thông qua các đợt kiểm tra sức khỏe, hoặc khi bệnh gây ra các biến chứng hô hấp như ho ra máu, nhiễm trùng, kén khí bị vỡ gây tràn khí màng phổi.

Kén khí phổi được chẩn đoán bằng phương pháp chụp X-quang. Hình ảnh kén khí phổi trên X-quang là một bóng khí màu sáng, có hình tròn hoặc bầu dục với đường mỏng cản quang bao quanh. Kén khí có kích thước trong khoảng từ 2 - 3 cm đến vài chục cm, thường xuất hiện ở một bên phổi, dưới màng phổi.

Tuy nhiên, cần phân biệt kén khí phổi với các tình trạng bệnh lý ở phổi khác như tràn khí màng phổi, lao phổi, giãn phế quản hoặc áp xe phổi. Những trường hợp này rất cần chụp phế quản hoặc cắt lớp để xác định. Do đó, cần tiến hành chụp cắt lớp vi tính để chẩn đoán chính xác.


Kén khí phổi trên Xquang
Kén khí phổi trên Xquang

3. Điều trị kén khí phổi

Mặc dù là bệnh hiếm gặp nhưng kén khí phổi có thể được điều trị nếu phát hiện sớm và mang lại kết quả khả quan. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như:

  • Nếu chẩn đoán kén khí lớn, bệnh nhân kèm theo các biến chứng như ho ra máu, hay tái phát, sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ kén khí.
  • Nếu kén khí gây biến chứng nhiễm khuẩn, người bệnh được chỉ định thuốc kháng sinh phù hợp.

Kén khí phổi có thể được phát hiện bằng phương pháp chụp X-quang. Bệnh có thể được điều trị bằng phương phẫu thuật hoặc dùng thuốc kháng sinh để hạn chế tái phát và gây biến chứng.

Chụp X quang chẩn đoán kén khí phổi cho kết quả chính xác về tình trạng bệnh, để từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất cho bệnh nhân, hạn chế tối đa biến chứng của bệnh.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe