Insulin siêu chậm là gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng bác sĩ khoa bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Hiện nay đã có rất nhiều phương thức và cách điều trị bệnh tiểu đường. Trong đó nổi bật nhất là việc sử dụng Insulin siêu chậm (tên tiếng Anh là Ultralente insulin), đây là dạng insulin tuy mất nhiều thời gian hơn để có tác dụng nhưng hiệu quả kéo dài, giúp ích nhất định cho tình hình của người bệnh.

1. Insulin là gì?

Được phát hiện vào năm năm 1922, Insulin đã tạo nên một bước tiến mới trong điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Insulin là hormone được sản xuất bởi tế bào beta ở tuyến tụy giúp cơ thể sử dụng đường tạo năng lượng. Với đặc tính của mình Insulin thường được sử dụng trong trường hợp thiếu hụt hoặc giảm bài tiết Insulin có liên quan đến tiểu đường típ 1tiểu đường típ 2 ở giai đoạn tiến triển.

Nhu cầu insulin ở người bình thường là 0,7 – 0,8 đơn vị/kg/ 24 giờ. Insulin vốn là một protein nên nếu dùng theo đường uống sẽ bị phân hủy, do vậy phải dùng theo đường tiêm. Cho đến nay Insulin uống và khí dung hô hấp vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.

Insulin siêu chậm (Ultralente insulin) là hỗn dịch insulin-kẽm có tác dụng rất chậm, xuất hiện sau khi tiêm 4-6 giờ, tác dụng kéo dài từ 25-36 giờ, hoạt động mạnh mẽ nhất lúc 8 đến 14 giờ sau khi tiêm. Ưu điểm: Chỉ cần 1 mũi tiêm sẽ cho tác dụng 24 giờ. Nhược điểm ( hiếm gặp): sưng đỏ, đau nơi tiêm, do tác dụng kéo dài nên khó tính liều). Các loại insulin chậm tác dụng kéo dài bao gồm có Lantus và Humulin.

2. Tác dụng không mong muốn


Hạ glucose huyết là biến chứng thường gặp nhất khi tiêm insulin
Hạ glucose huyết là biến chứng thường gặp nhất khi tiêm insulin

Thường thì Insulin rất ít độc, nhưng trong quá trình sử dụng cũng có thể gặp các tác dụng không mong muốn sau:

2.1. Hạ glucose máu

Hạ glucose huyết là biến chứng thường gặp nhất khi tiêm insulin. Có thể gặp trong các trường hợp: Tiêm quá liều insulin, bỏ bữa ăn hoặc ăn muộn sau tiêm insulin, vận động nhiều...

Các triệu chứng rõ nhất của hạ glucose huyết bao gồm: đói, bồn chồn, hoa mắt, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Khi glucose huyết xuống đến khoảng 54mg/dL (3mmol/L) bệnh nhân thường có các triệu chứng cường giao cảm (hồi hộp, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, lạnh run) và đối giao cảm (đói, buồn nôn). Nếu các triệu chứng này không được nhận biết và xử trí kịp thời, khiến glucose huyết giảm xuống dưới 50 mg/dL (2,8 mmol/L) thì sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng thần kinh như bứt rứt, lú lẫn, nhìn mờ, mệt mỏi, nhức đầu, nói khó. Mức glucose huyết giảm hơn nữa có thể dẫn đến kinh giật, hôn mê.

Khi bệnh nhân có biểu hiện hạ đường huyết, cần nhanh chóng dùng máy đo glucose huyết mao mạch ( nếu có máy đo đường huyết), cần nhanh chóng ăn 1-2 viên đường (hoặc 1 miếng bánh ngọt hoặc 1 ly sữa...)

Cách phòng tránh:

  • Bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc cần học cách nhận biết các triệu chứng của hạ glucose huyết và phòng tránh các tình huống có thể hạ glucose huyết.
  • Tránh dùng insulin tích cực trong các trường hợp sau: không có khả năng tự theo dõi glucose huyết, ví dụ như người già, không có máy thử đường, rối loạn tâm thần, nhiều bệnh đi kèm, biến chứng nặng (suy thận mạn giai đoạn cuối, tai biến mạch máu não...)

2.2. Hiện tượng Somogyi (tăng glucose huyết do phản ứng)

Còn được gọi là “hiệu ứng dội ngược”, nó xảy ra khi mức đường huyết chuyển nhanh từ một mức độ rất thấp đến một mức độ rất cao. Hiện tượng này có thể xảy ra vào bất kì lúc nào trong ngày, nhưng thường xảy ra vào giữa đêm và đo glucose huyết sáng lúc đói thấy cao. Có thể nhầm với thiếu liều insulin.

Nếu chỉ định đo glucose huyết giữa đêm có thể thấy có lúc glucose huyết hạ thấp trong hiện tượng Somogyi (thí dụ 3 giờ sáng glucose huyết 40 mg/dL (2,22 mmol/L), 6 giờ sáng 400 mg/dL (22,2 mmol/L). Cần giảm liều insulin khi có hiện tượng này.

Ngoài ra còn có thể do quá liều insulin. Tại thời điểm quá liều insulin dẫn tới hạ glucose huyết làm phóng thích nhiều hormone điều hòa ngược (catecholamine, glucagon ...) gây ra tăng glucose huyết phản ứng.

2.3. Dị ứng insulin

Dị ứng insulin phân chia ra làm 2 loại là phản ứng tại chỗ và phản ứng toàn thân.

  • Phản ứng tại chỗ: mẩn đỏ, ngứa, đau, cứng hoặc u mỡ vùng tiêm. Để tránh tác dụng phụ này, nên thay đổi vị trí tiêm thường xuyên và các mũi tiêm cách nhau 3 – 4cm (hoặc 2 – 3 đốt ngón tay). Ngoài ra dị ứng còn có thể liên quan đến các yếu tố khác như: do chất sát khuẩn gây kích ứng, tiêm quá nông, dị ứng với các chất bảo quản.
  • Phản ứng toàn thân:

Ngày nay khả năng dị ứng insulin rất hiếm gặp nếu sử dụng loại insulin người tái tổ hợp DNA.

2.4. Loạn dưỡng lipid (tăng sinh hoặc teo lớp mỡ dưới da)

Có thể hạn chế nguy cơ loạn dưỡng lipid ở người bệnh bằng cách thường xuyên thay đổi vị trí tiêm.

2.5. Tăng cân

Insulin có thể gây tăng cân do kích thích quá trình đồng hóa.


Insulin có thể gây tăng cân do kích thích quá trình đồng hóa
Insulin có thể gây tăng cân do kích thích quá trình đồng hóa

3. Tương tác thuốc

Insulin có thể gây ra các tương tác thuốc sau đây:

3.1. Nguy cơ hạ glucose máu

Nguy cơ hạ glucose máu có thể tăng lên khi sử dụng Insulin đồng thời với các thuốc sau:

  • Thuốc ức chế men chuyển.
  • Aspirin và các thuốc khác thuộc nhóm salicylic, nhất là khi dùng liều cao.
  • Rượu ethylic: không nên dùng đồng thời với Insulin vì có nguy cơ cao xảy ra hạ glucose máu. Không nên dùng các loại đồ uống có chứa cồn và các dạng thuốc có cồn.
  • Các thuốc ức chế beta, đặc biệt các loại không chọn lọc trên tim như propranolol, vì chính các thuốc này cũng gây hạ glucose máu. Ngoài ra, các thuốc ức chế beta còn che lấp các phản ứng thần kinh thực vật trong cơn hạ glucose máu: nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, trống ngực...

Khi cần thiết phải phối hợp với các thuốc trên cùng Insulin, bệnh nhân cần chú ý tăng cường giám sát glucose máu.

3.2. Nguy cơ tăng glucose máu

Các thuốc có thể gây tăng glucose máu:

  • Clorpromazin (an thần kinh): khi sử dụng liều cao có thể gây tăng glucose máu.
  • Danazol: dùng cùng với Insulin do có thể gây tăng glucose máu và nhiễm toan ceton.
  • Các thuốc có chứa tá dược là đường (sacarose, lactose...).
  • Các hormon bản chất progesteron liều cao.
  • Glucocorticoid.
  • Các thuốc kích thích beta 2 (terbutalin, salbutamol...).
  • Lợi tiểu thiazid và lợi tiểu quai.

Đối với các trường hợp này, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý tăng cường giám sát glucose máu và glucose nước tiểu để chỉnh liều Insulin phù hợp.

4. Phương thức bảo quản

Insulin còn nguyên cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, không được để ở ngăn đá vì có thể làm thay đổi hoạt tính của Insulin. Vì thế, cần phải đặt nhiệt kế trong tủ lạnh để kiểm soát nhiệt độ. Tốt nhất để ở 2-80C sẽ giữ được tới khi hết hạn sử dụng

Lọ Insulin đã sử dụng cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh nhiệt độ cao và ánh sáng để đảm bảo khi tiêm Insulin sẽ có nhiệt độ gần với nhiệt độ cơ thể, giúp giảm đau và điều hòa quá trình khuếch tán dưới da. Thời gian sử dụng một lọ Insulin đã mở không được quá 28 ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe