Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm và thế mạnh trong lĩnh vực Chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch, Siêu âm tim, chụp và can thiệp động mạch vành.
Huyết khối tĩnh mạch nông là tình trạng hình thành cục máu đông tại tĩnh mạch nông. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau âm ỉ, sưng đỏ vùng tĩnh mạch nông tương ứng. Cần phát hiện và điều trị sớm trước khi bệnh gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
1. Tìm hiểu chung về huyết khối tĩnh mạch nông
Huyết khối tĩnh mạch nông xuất hiện khá bất thường, có thể là tự phát hoặc do các nguyên nhân nhất định.
Đối tượng dễ mắc viêm tĩnh mạch huyết khối nông gồm:
- Người bị viêm mạch tạo huyết khối tắc nghẽn.
- Người có giãn tĩnh mạch.
- Phụ nữ có thai.
- Phụ nữ trong thời kỳ chu sản.
- Người có chấn thương.
- Người bị ung thư.
Nếu huyết khối tĩnh mạch nông kết hợp với huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ rất nguy hiểm. Khi bị huyết khối tĩnh mạch, người bệnh sẽ được thông tĩnh mạch bằng ống thông chuyên dụng được làm từ chất dẻo. Ống thông cần được kiểm tra thường xuyên để tránh nhiễm trùng tại chỗ. Nếu có phản ứng tại chỗ ở tĩnh mạch thì nên bỏ đi, nếu không có thể xảy ra các biến chứng khiến tình trạng huyết khối trở nên nặng hơn.
2. Triệu chứng lâm sàng của huyết khối tĩnh mạch nông
Khi mắc chứng huyết khối tĩnh mạch nông, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
- Đau âm ỉ ở vùng tĩnh mạch tương ứng.
- Xơ cứng tĩnh mạch.
- Đỏ tấy.
- Nhạy cảm đau dọc theo tĩnh mạch.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện tại chỗ hoặc kéo dài hầu hết tĩnh mạch hiển dài và nhánh của nó. Dấu hiệu viêm kéo dài khoảng 1 - 2 tuần, nhưng mầm bệnh có thể lưu lại một thời gian dài. Bệnh nhân có thể bị phù ở chân, nhạy cảm đau ở sau bắp chân. Nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, rét run thì có thể đã bị viêm tĩnh mạch nhiễm trùng huyết.
3. Chẩn đoán phân biệt huyết khối tĩnh mạch nông
Trong huyết khối tĩnh mạch nông, các đường viền rõ ràng hơn trong các tổn thương và xuất hiện dọc theo tĩnh mạch nông, nhờ đó có thể phân biệt viêm tĩnh mạch nông với viêm mô tế bào, viêm mô xơ, ban đỏ dạng nút, ban đỏ cứng hay viêm mô mỡ dưới da.
4. Điều trị huyết khối tĩnh mạch nông
Để làm giảm các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch nông người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc chống viêm Steroid. Nếu vị trí hình thành huyết khối không ở gần điểm nối đùi - hiển thì có thể làm giảm huyết khối bằng phương pháp nằm nghỉ trên giường kết hợp nâng cao chân và làm nóng tại chỗ.
Trường hợp huyết khối tĩnh mạch nông nguy hiểm như có xu hướng tới điểm nối đùi - hiển hoặc huyết khối lan rộng ra thì có thể tiến hành thắt và tách tĩnh mạch hiển. Nếu muốn phục hồi nhanh hơn có thể cắt bỏ đoạn tĩnh mạch. Tuy nhiên cần cân nhắc phương pháp này vì khá phức tạp.
Trường hợp bệnh tiến triển nhanh có thể sử dụng thuốc chống đông. Nếu bệnh lan rộng đến tĩnh mạch sâu có thể là do tụ cầu thì nên dùng kháng sinh chống tụ cầu. Nếu kết quả cấy máu dương tính thì cần tiếp tục tiến hành trong khoảng hơn một tuần, hoặc nếu có biến chứng viêm nội tâm mạc chưa được loại trừ thì có thể tiến hành trên 6 tuần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.