Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội Tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Huyết áp cao là nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận,... nguy cơ tử vong rất cao.
1. Thế nào là huyết áp chuẩn?
Việc đánh giá số đo huyết áp là cao, thấp hay bình thường phụ thuộc vào 2 chỉ số:
- Huyết áp tâm thu: tức áp suất trong động mạch khi tim đang đập, thường có giá trị cao hơn
- Huyết áp tâm trương: tức áp lực của máu đo được giữa 2 lần đập của tim (thường có giá trị thấp hơn)
Để đánh giá ý nghĩa bệnh lý của huyết áp, ngoài 2 chỉ số đã nêu còn phải căn cứ vào cách biệt giữa 2 chỉ số. Khoảng cách này càng rộng, hoặc càng hẹp chứng tỏ mức huyết áp càng không an toàn cho người bệnh.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng huyết áp có thể lên xuống không ổn định tùy vào những điều kiện, hoàn cảnh, cảm xúc khác nhau. Vì vậy để xác định chắc chắn một người có bị cao huyết áp hay không cần tiến hành đo nhiều lần trong ngày, thậm chí trong tháng.
Để đảm bảo kết quả đo huyết áp được chính xác và là cơ sở tin cậy cho việc đánh giá tình trạng sức khỏe, người bệnh cần tuân thủ những yêu cầu như không hút thuốc lá, không uống cà phê trước khi tiến hành đo từ 15-30 phút, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, hồi hộp,... Ngoài ra, tư thế, dụng cụ đo cũng quyết định kết quả đo có chính xác hay không.
Dựa trên các cơ sở nêu trên sẽ đánh giá được ý nghĩa bệnh lý của huyết áp. Theo Bộ Y tế, một người có mức huyết áp bình thường tối ứu nếu số đo huyết áp dưới 120/80 mmHg, cho thấy người đó đang có sức khỏe tốt, máu lưu thông đều và tốc độ bơm máu trung bình.
Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?
Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.2. Thế nào là huyết áp cao?
Cao huyết áp là tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm tống máu đi quá cao. Nếu áp lực này tăng lên theo thời gian sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, một người bị huyết áp cao khi có chỉ số huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥140mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) ≥90mmHg.
Riêng với người cao tuổi có thể gặp hình thái huyết áp tâm thu đơn độc, khi đó chỉ số huyết áp tâm thu ≥140mmHg nhưng chỉ số huyết áp tâm trương vẫn nhỏ hơn 90mmHg.
Cao huyết áp được chia thành các dạng sau:
- Tăng huyết áp độ 1: mức huyết áp ≥140/90 mmHg
- Tăng huyết áp độ 2: mức huyết áp ≥160/100 mmHg
3. Nhận biết cao huyết áp như thế nào?
Cao huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, một phần do nó không có triệu chứng, biểu hiện rõ ràng nhưng lại để lại những hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Những triệu chứng thường gặp ở người bị cao huyết áp là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hồi hộp, nóng bừng mặt,... Một số người có biểu hiện dữ dội hơn như đau vùng tim, thị lực giảm, thở gấp, mặt đỏ bừng hoặc tái nhợt, nôn ói, dễ hồi hộp, hốt hoảng.
Tuy nhiên cũng có trường hợp đi khám phát hiện cao huyết áp nhưng trước đó lại không có biểu hiện gì. Chính vì sự không rõ ràng này khiến cao huyết áp thường được phát hiện muộn, khi đó người bệnh có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim,.. thậm chí là tử vong do đột quỵ.
Người bị cao huyết áp bên cạnh việc tuân thủ đúng liệu trình điều trị của bác sĩ cần phải điều chỉnh lối sống, chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt cần giảm muối trong khẩu phần ăn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.