Bài viết được viết bởi ThS, BS. Lê Thị Thanh Hương, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Hóc nghẹn là tình trạng thức ăn hoặc vật lạ bị vướng ở vùng họng và gây tắc nghẽn đường hô hấp, cản trở không khí vào phổi. Đây là tình trạng cấp cứu rất thường gặp, đặc biệt ở trẻ em và trẻ nhũ nhi (Ví dụ: bị sặc sữa, bị đồ chơi hoặc thức ăn hóc ở họng hoặc rơi vào đường hô hấp). Nội dung bài giúp hướng dẫn các bước để một người bình thường có thể nhận biết và xử trí cấp cứu một nạn nhân đang bị hóc nghẹn.
1. Hóc nghẹn ở người lớn và trẻ em
Hóc nghẹn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, và có nhiều mức độ:
1.1. Mức độ nhẹ
1.1.1. Dấu hiệu nhận biết
Nạn nhân bị hóc nghẹn nhưng vẫn có thể:
- Nói hoặc phát ra âm thanh
- Ho lớn.
1.2.2. Xử trí
- Ở lại bên cạnh người bị nghẹn và khuyến khích nạn nhân tiếp tục ho.
- Nếu thấy không yên tâm về vấn đề hô hấp của nạn nhân thì nên gọi cấp cứu. Tiếp tục ở lại với nạn nhân cho đến khi đội cấp cứu đến.
1.2. Hóc nghẹn mức độ nặng
1.2.1. Nhận biết
Nạn nhân trong tình huống nghi ngờ hóc nghẹn, và:
- Không thở được, không thể nói hoặc không thể phát ra âm thanh;
- Ho nhưng không phát ra âm thanh;
- Biểu hiện dấu hóc nghẹn (Choking sign): nạn nhân dùng một hoặc hai tay ôm lấy cổ.
1.2.2. Xử trí
Khi nạn nhân có dấu hiệu hóc nghẹn nặng cần hành động can thiệp ngay:
- Nếu bạn nghĩ nạn nhân bị nghẹn, cần hỏi ngay “ Anh bị nghẹn phải không? Tôi có thể giúp anh được không”
- Nếu nạn nhân gật đầu đồng ý, bạn cần can thiệp giúp đỡ ngay.
- Đứng hoặc quỳ phía sau nạn nhân (tùy vào kích thước của nạn nhân), có thể bước một chân trụ tới trước để tư thế vững vàng hơn. Vòng hai tay qua, nắm hai bàn tay ở phía trước nạn nhân.
- Một bàn tay nắm lại tạo thành một nắm đấm.
- Đặt mặt có ngón cái của nắm đấm vào giữa vị trí trên rốn và dưới xương ức.
- Bàn tay kia nắm lấy nắm đấm, thúc nhanh và mạnh vào bụng nạn nhân về phía sau và lên trên.
- Tiếp tục thực hiện nhiều lần ép mạnh như vậy cho đến khi dị vật văng ra và nạn nhân có thể thở, ho hay nói chuyện, hoặc nạn nhân trở nên bất tỉnh không đáp ứng.
Lưu ý: Nếu nạn nhân là phụ nữ có thai, hoặc người có vòng bụng quá lớn, bạn không thể ôm vòng qua eo, cần:
- Vòng hai tay qua nách nạn nhân, đặt nắm tay ở nửa dưới xương ức vùng ngực.
- Khi thúc thì ép nắm tay vào ngực hướng thẳng ra phía sau.
2. Hóc nghẹn ở trẻ nhũ nhi (Dưới 1 tuổi)
Hóc nghẹn đặc biệt là sặc sữa là một trong những cấp cứu thường gặp ở trẻ nhũ nhi.
Đối với trẻ nhũ nhi bị hóc nghẹn, việc ép vào bụng có thể làm tình trạng trẻ nặng nề hơn. Bạn chỉ tiến hành nghiệm pháp vỗ lưng và ấn ngực theo các bước như sau:
- Đặt bé nằm sấp trên cẳng tay, bàn tay đỡ đầu và hàm dưới. Đầu đặt thấp hơn người.
- Dùng phần gò của lòng bàn tay còn lại vỗ vào lưng bé 5 cái, vị trí giữa hai xương bả vai của bé.
- Sau 5 cái vỗ lưng mà dị vật vẫn chưa rơi ra, thì lật bé ngửa lên, bàn tay đỡ đầu bé.
- Dùng hai ngón tay ấn ngực 5 cái tại vị trí trên xương ức ngang đường nối hai núm vú (giống vị trí ấn tim trong CPR – Cấp cứu ngừng tim) (xin xem thêm cách cấp cứu ngừng tim cho trẻ em và trẻ nhũ nhi trong Bài BLS – Hướng dẫn Cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản).
- Lặp lại 5 cái vỗ lưng và 5 cái ấn ngực cho đến khi bé có thể thở lại, ho hay khóc, hoặc cho đến khi bé không còn đáp ứng.
3. Cấp cứu cho những nạn nhân hóc nghẹn nặng và mất đáp ứng
3.1. Cấp cứu nạn nhân bị hóc nghẹn đã mất đáp ứng ở người lớn
Nếu bạn không thể lấy được dị vật và nạn nhân bắt đầu mất đáp ứng (gọi không tỉnh) và ngưng thở hoặc thở ngáp cần tiến hành CPR – Cấp cứu ngừng tim ngay (xin xem cách cấp cứu ngừng tim cho người lớn trong Bài BLS – Hướng dẫn Cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản) theo các bước:
- Gọi người xung quanh hỗ trợ lấy máy AED – máy sốc điện tự động (nếu khu vực cấp cứu có trang bị).
- Gọi cấp cứu (115 hoặc số đơn vị cấp cứu gần nhất). Mở điện thoại, bật chế độ loa ngoài để có thể nhận được sự hướng dẫn từ nhân viên cấp cứu.
- Tiến hành CPR, khởi đầu bằng việc ấn tim.
- Ấn tim 30 nhịp.
- Sau đó mở miệng nạn nhân nhìn vào trong, nếu thấy dị vật trong miệng thì móc ra (nếu không thấy dị vật thì không được móc mù).
- Cung cấp 2 nhịp hô hấp, và sau đó tiếp tục ấn tim 30 nhịp.
- Tiếp tục tiến hành CPR kết hợp việc kiểm tra dị vật trước khi hô hấp cho nạn nhân cho đến khi:
- Nạn nhân có cử động, nói chuyện, chớp mắt hoặc bất cứ đáp ứng nào khác.
- Hoặc có nhân viên cấp cứu chuyên nghiệp đến đưa nạn nhân đi.
3.2. Cấp cứu nạn nhân bị hóc nghẹn đã mất đáp ứng ở trẻ em và trẻ nhũ nhi
- Gọi người xung quanh hỗ trợ lấy máy AED – máy sốc điện tự động (nếu khu vực cấp cứu có trang bị).
- Đặt bé nằm trên mặt phẳng cứng.
- Bắt đầu CPR – Cấp cứu ngừng tim (xin xem cách cấp cứu ngừng tim cho trẻ em và trẻ nhũ nhi trong Bài BLS – Hướng dẫn Cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản) đồng thời gọi điện thoại cấp cứu bằng chế độ mở loa ngoài.
Lưu ý:
- Nếu có người khác đến hỗ trợ, thì nhờ người hỗ trợ gọi điện thoại cấp cứu số 115 hoặc cơ sở cấp cứu gần nhất, sau đó đi lấy máy AED trong khi bạn vẫn đang tiến hành CPR.
- Nếu không có ai đến hỗ trợ, nhưng bạn có mang theo điện thoại:
- Gọi điện thoại cho đơn vị cấp cứu, mở loa ngoài để liên hệ trong khi vẫn đang tiến hành CPR.
- Tiến hành 5 chu kỳ ấn tim 30 nhịp và hô hấp 2 nhịp.
- Sau đó để bé lại và chạy đi lấy máy AED.
- Nhanh chóng quay trở lại để tiếp tục CPR cho bé.
- Nếu không có ai đến hỗ trợ và cũng không có điện thoại bên người
- Tiến hành 5 chu kỳ ấn tim 30 nhịp và thông khí 2 nhịp.
- Sau đó chạy đi tìm điện thoại gọi cho đơn vị cấp cứu và lấy máy AED.
- Nhanh chóng quay trở lại để tiếp tục CPR cho bé.
- Nếu bé còn nhỏ và không có những chấn thương khác phối hợp, sau 5 chu kỳ ấn tim 30 : thông khí 2 lần, bạn có thể bế bé theo đến chỗ gọi điện thoại và lấy máy AED.
- Tiến hành CPR cho bé bị hóc nghẹn theo các bước:
- Ấn tim 30 nhịp
- Sau đó mở miệng nạn nhân nhìn vào trong, nếu thấy dị vật trong miệng thì móc ra (nếu không thấy dị vật thì không được móc mù).
- Cung cấp 2 nhịp hô hấp.
- Tiếp tục tiến hành CPR kết hợp việc kiểm tra dị vật trước khi hô hấp cho nạn nhân cho đến khi:
- Nạn nhân có cử động, nói chuyện, chớp mắt hoặc bất cứ đáp ứng nào khác.
- Hoặc có nhân viên cấp cứu chuyên nghiệp đến.
Ngay khi cấp cứu hóc nghẹn tại chỗ, bạn hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.
Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt nhất trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.