Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thanh Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Đối với nhiều phụ nữ, ham muốn chuyện phòng the tăng giảm qua nhiều năm và thường có mối liên quan mật thiết đến các mối quan hệ, áp lực và các thay đổi về thể chất như khi phụ nữ mang thai hoặc mãn kinh. Khoảng 10% phụ nữ phải đối mặt với vấn đề thiếu ham muốn tình dục, khiến nữ giới phiền muộn, đây chính là hội chứng gọi là rối loạn ham muốn tình dục.
1. Viagra cho nữ
Có một số loại thuốc bổ không kê đơn nhằm điều trị vấn đề này, nhưng lợi ích mang lại cũng hạn chế, chủ yếu là những loại thuốc bổ này chưa được công nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây, FDA - Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vừa thông qua hai loại thuốc kê đơn để điều trị rối loạn ham muốn tình dục, các loại thuốc này được gọi là “Viagra cho nữ”.
Viagra là một trong những loại thuốc nam giới thường sử dụng khi gặp phải các vấn đề liên quan đến chuyện ấy, nhưng loại thuốc chúng ta đang nhắc đến ở đây, gọi là Viagra cho nữ, nhưng không giống Viagra lắm. Trên thực tế, các loại thuốc này tác động đến cơ thể phụ nữ theo cách rất khác.
Bác sĩ Judith Volkar – Bệnh viện Phụ nữ UPMC Magee – Pittsburgh – cho biết: “Đối với nam giới, Viagra giúp xử lý vấn đề “hệ thống ống nước”, tức là Viagra và các loại thuốc tương tự điều trị rối loạn dương cương, khi một người đàn ông gặp vấn đề cương hoặc không thể cương đủ lâu để quan hệ. Họ vẫn có nhu cầu làm chuyện ấy, nhưng “trên bảo dưới không nghe”.
Những loại thuốc này giúp làm giãn các cơ của “cậu bé” và tăng lượng máu tưới để cậu bé có thể cương lên. Tuy nhiên, đối với nữ giới, khả năng tình dục là một vấn đề khác, rắc rối hơn nhiều. Bác sĩ Judith Volkar nói: “Tôi thường ví von rằng bạn có thể tưởng tượng ham muốn của đàn ông như một công tắc đèn đơn giản, nhưng đối với phụ nữ, nó giống như buồng lái của máy bay 747 (với cả hằng hà sa số các công tắc và nút bấm) có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ham muốn của phụ nữ hơn đàn ông”. Do vậy, phương pháp điều trị rối loạn ham muốn tình dục ở nữ giới cần cách tiếp cận đa sắc thái hơn.
2. Hai loại thuốc
Hai loại thuốc vừa được FDA thông qua bao gồm:
- Flibanserin (Addyi): Viên uống mỗi tối.
- Bremelanotide (Vyleesi): Thuốc dùng dưới dạng tiêm vào eo hoặc đùi 45 phút trước khi quan hệ. Thuốc có tác dụng trong vòng 24 giờ, và bác sĩ khuyên chỉ dùng 8 lần trong tháng.
3. Cách thức hoạt động của thuốc
Cả hai loại thuốc trên đều làm tăng cường hoạt động của các chất hóa học trung gian, gọi là chất dẫn truyền thần kinh - là nguyên tố chính giúp bạn cảm thấy phấn khích. Dù là sử dụng flibanserin phải uống mỗi tối, hay tiêm bremelanotide mỗi khi cần, điều cần lưu ý là không có loại thuốc nào giúp làm chuyện ấy tuyệt vời hơn, thuốc chỉ giúp tâm trạng của bạn tốt hơn thôi.
Đi kèm với việc sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn tham gia giáo dục sức khoẻ tình dục và đi khám. Liệu pháp nội tiết cũng có thể được áp dụng nếu bạn gặp phải các vấn đề thể chất ảnh hưởng đến chuyện ấy, như khô âm đạo.
4. Tác dụng phụ và nguy cơ
Các nhà nghiên cứu chủ yếu nghiên cứu về cách thức hoạt động của các loại thuốc ở những phụ nữ chưa trải qua thời kỳ mãn kinh. Vì vậy, FDA đã phê duyệt cả hai loại thuốc chỉ dành cho phụ nữ tiền mãn kinh. Thuốc chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Một số đối tượng khác cũng không nên sử dụng thuốc nêu trên, bao gồm:
- Người bệnh mắc bệnh gan
- Người bệnh mắc bệnh tim mạch
- Người bệnh đang điều trị nội khoa cho các bệnh HIV, viêm gan C, cao huyết áp không được kiểm soát tốt.
Bác sĩ Volkar cho biết thêm: “ Các loại thuốc này có thể tương tác với nhiều loại thuốc nữ giới hay dùng như fluconazole (Diflucan) - được sử dụng khi điều trị nhiễm nấm men và một số loại kháng sinh nữa, vậy nên phụ nữ hãy nắm rõ các loại thuốc đang sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng”.
Những phụ nữ sử dụng thuốc rối loạn cảm giác ham muốn không nên uống bia rượu từ 2 tiếng trở lên trước khi dùng thuốc cho đến sáng hôm sau, vì thuốc có thể gây hạ huyết áp đến mức nguy hiểm.
Bên cạnh đó, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm:
- Buồn nôn
- Đau đầu
- Mặt đỏ bừng (da mặt vừa nóng vừa đỏ)
- Chóng mặt và ngất
- Mệt mỏi
- Khô miệng
- Brasheranotide, được bán dưới tên thương hiệu Vyleesi, có thể làm da và nướu răng tối màu hơn.
5. Vậy các loại thuốc này thực sự có tác dụng không?
Chẳng bao giờ có thước đo chính xác về chuyện ấy hoặc nhu cầu của chuyện ấy, nên thường thì kết quả điều trị được đánh giá dựa trên thay đổi trong cảm nhận của người bệnh. Nếu đã dùng thuốc trong vòng 8 tuần nhưng bạn chẳng thấy có gì thay đổi, bác sĩ sẽ cho ngừng dùng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com