Hướng dẫn vắt sữa mẹ bằng tay giúp sữa ra nhiều, ngực không xệ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Vắt sữa mẹ có thể giúp mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi, ăn uống hoặc khi mẹ không ở gần bé nhưng vẫn muốn bé được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ. Việc làm này đồng thời cũng có ý nghĩa đảm bảo cho sự tiết sữa mẹ một cách đều đặn.

1. Vắt sữa mẹ như thế nào?

Vắt sữa mẹ là cách làm tốt nhất khi mẹ không thể cho bé bú. Vắt sữa được thực hiện khi người mẹ không thể tiếp xúc với bé thường xuyên do trẻ bị ốm, trẻ sinh non đang cần chăm sóc đặc biệt hoặc mẹ quá bận bịu với công việc đột xuất nào đó... nhưng vẫn muốn cho trẻ uống sữa mẹ thay vì các sản phẩm sữa khác.

Vắt sữa mẹ có thể được thực hiện bằng tay hoặc bằng máy vắt sữa. Bà mẹ có thể tự vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút sữa. Có nhiều loại máy hút sữa với kích cỡ và kiểu dáng khác nhau thích hợp với ngực của nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, trước khi dùng, bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia. Khi sử dụng, cần đảm bảo bình chứa và máy hút luôn được vệ sinh sạch sẽ và tiệt trùng trước khi sử dụng.

Thông thường nhiều bà mẹ lựa chọn việc vắt sữa bằng tay hơn do dễ dàng và thoải mái hơn dùng máy hút. Tuy nhiên sử dụng cách nào là tùy thuộc vào thói quen và tình trạng của bạn.


Ngoài vắt sữa bằng tay, các mẹ có thể dúng máy hút sữa
Ngoài vắt sữa bằng tay, các mẹ có thể dúng máy hút sữa

2. Hướng dẫn vắt sữa mẹ bằng tay đúng cách

Chuẩn bị dụng cụ:

Ly hoặc bình sữa đã được rửa sạch, tráng nước sôi và để ráo nước, thìa sạch (nếu vắt sữa ra ly và đút sữa cho bé ngay sau khi vắt), túi đựng sữa mẹ chuyên dụng (nếu bảo quản trong ngăn đá hay tủ đông).

Thực hiện vắt sữa:

  • Bà mẹ cần rửa sạch tay và dùng khăn mềm, sạch lau qua bầu vú. Bạn nên ngồi (hoặc đứng) một cách thoải mái và để ly (bình sữa) ở gần vú.
  • Đặt ngón tay trỏ phía bên dưới bầu vú, gần về phía quầng vú; ngón tay cái của bạn ở trên bầu vú, đối diện với ngón trỏ.
  • Mỗi bên vú được chia làm khoảng 15 phần (tuyến sữa), mỗi một tuyến có một túi sữa riêng.
  • Nếu quầng vú rộng, bạn có thể đặt các ngón tay lùi vào bên trong quầng vú một chút.
  • Nếu quầng vú hẹp, bạn có thể đặt các ngón tay lui ra phía ngoài. Các ngón tay còn lại được đặt ở dưới để đỡ ngực.
  • Giữ các ngón tay ở nguyên vị trí trên ngực, nhẹ nhàng ấn các ngón tay về phía sau. Bóp nhẹ nhàng. Bạn nên chú ý cố gắng không để các ngón tay trượt trên da. Lần đầu tiên vắt sữa bằng tay, chỉ có vài giọt sữa xuất hiện.
  • Tiếp tục giữ lực, ép về phía sau. Đồng thời, dùng ngón trỏ và ngón út cùng lúc ép xuôi nhẹ về phía trước, làm sữa chảy ra khỏi các túi sữa, tràn ra đầu vú.
  • Nới lỏng lực ép của tay để các tuyến sữa đầy lại rồi lặp lại thao tác trên.
  • Trong trường hợp sữa không chảy, di chuyển bàn tay gần đỉnh hoặc xa hơn để tìm vị trí tốt nhất. Massage ngực thêm một lúc và thử lại.
  • Tránh xoa bóp hoặc trượt các ngón tay dọc theo da, tránh ép vào núm vú vì ấn hoặc kéo núm vú gây nên sữa chảy ra.
  • Vắt tối thiểu 3-5 phút mỗi bên vú cho tới khi dòng sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia và sau đó lại vắt lại ở cả hai bên

Rửa sạch tay và khử khuẩn dụng cụ chứa sữa trước khi thực hiện vắt sữa
Rửa sạch tay và khử khuẩn dụng cụ chứa sữa trước khi thực hiện vắt sữa

3. Vắt sữa mẹ có ảnh hưởng gì không?

Vắt sữa mẹ bằng tay đem lại nhiều lợi ích cho cả bà mẹ lẫn em bé:

  • Giảm khó chịu cho bà mẹ do giảm bớt căng tức sữa hoặc tắc ống dẫn sữa
  • Không tốn kém, đơn giản, không phải làm quá nhiều lần
  • Tiết kiệm được thời gian khử trùng thiết bị cho con bú.
  • Thuận tiện, bạn không cần phải xách theo những dụng cụ vắt sữa nặng nề, lỉnh kỉnh mỗi khi đi du lịch và không cần dùng đến điện
  • Giảm cảm giác khó chịu khi vắt sữa bằng máy
  • Phương pháp này sẽ giúp kích thích và đẩy nhanh phản xạ sữa xuống.
  • Ngoài ra việc vắt sữa thường xuyên còn có giúp làm giảm các triệu chứng cương tức ngực, rỉ sữa, tắc tia sữa, viêm tuyến vú...

Sau khi vắt sữa mẹ, mẹ có thể bảo quản sữa mẹ ở ngăn mát tủ lạnh hoặc ngăn đá. Thời hạn bảo quản sữa mẹ như sau: Đối với tủ lạnh mini chỉ có một cửa chung cho cả ngăn đá và ngăn mát, vì hoạt động đóng mở làm nhiệt độ trong ngăn đá thay đổi liên tục nên chỉ có thể bảo quản được trong 2 – 3 tuần; Đối với loại tủ lạnh 2 cánh, có cánh riêng cho ngăn đá và ngăn mát, sữa mẹ vắt ra có thể để được 3 – 6 tháng.Đặc biệt nếu mẹ nào bảo quản sữa trong tủ kem, loại tủ đông chuyên dụng thì có thể giữ sữa trong 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, sử dụng càng sớm sẽ càng tốt.

Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình có kinh nghiệm trên 13 năm trong lĩnh vực khám chữa bệnh Sản phụ khoa, có chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Sản Phụ khoa như:

  • Khám sàng lọc các bệnh lý cho mẹ và bé trước sinh
  • Sinh thiết gai nhau, chọc ối..
  • Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi ( siêu âm 3D, 4D)
  • Theo dõi sinh, đỡ sinh các trường hợp sinh thường, sinh khó
  • Khám điều trị các bệnh lý tiền sản giật, nhau tiền đạo, thai kỳ kèm các bệnh lý nội khoa phức tạp...
  • Phẫu thuật lấy thai các trường hợp mổ lấy thai lần 1, lần 2, lần 3...
  • Khám, điều trị các bệnh lý phụ khoa.
  • Khám, tư vấn các cặp vợ chồng hiếm muộn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe