Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Việc hồi phục sau sinh mổ sẽ lâu và khó khăn hơn so với sinh thường, mất máu nhiều hơn và nguy cơ sản phụ bị nhiễm trùng hậu sản cũng cao hơn... Do vậy, phụ nữ sinh mổ càng phải cẩn thận hơn về việc chăm sóc, vận động để phục hồi sức khỏe tốt nhất có thể.
1. Hướng dẫn vận động sau sinh mổ
- Ngày thứ nhất sau sinh mổ: Sản phụ tự xoay trở trên giường, co duỗi chân tay, có thể ngồi dậy trên giường, trừ những trường hợp có chỉ định đặc biệt.
- Ngày thứ 2 sau sinh mổ: Sản phụ ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng trong phòng với sự hỗ trợ của người nhà.
- Ngày thứ 3 sau sinh mổ: Sản phụ tự đi lại nhẹ nhàng trong phòng và ngoài hành lang.
- Từ ngày thứ 4 trở đi: Sản phụ vận động và ăn uống bình thường, trừ những trường hợp có chỉ định đặc biệt của bác sĩ chuyên khoa.
Trắc nghiệm: Đau lưng sau sinh mổ và những điều cần biết
Sau sinh mổ, bà mẹ không chỉ đau đớn với vết khâu bụng dưới mà còn đối mặt với những cơn đau lưng. Mức độ đau lưng sau sinh mổ theo thống kê chiếm đến hơn 70% các trường hợp. Trả lời nhanh 5 câu hỏi trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để hạn chế tình trạng này.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
2. Cách chăm sóc sau sinh mổ
Việc hồi phục sau sinh mổ cũng sẽ lâu và khó khăn hơn so với sinh thường do mất máu nhiều và nguy cơ sản phụ bị nhiễm trùng hậu sản cũng cao hơn... Vì vậy, việc chăm sóc sau sinh mổ cần phải lưu ý và cẩn thận hơn để mau hồi phục sức lực, nhất là khi vừa đau do vết mổ và vừa phải chăm sóc con nhỏ.
2.1 Chăm sóc vết mổ
Trong tuần đầu tiên sau sinh, vết mổ vẫn chưa khô nên các bác sĩ sản phụ khoa và nữ hộ sinh sẽ chăm sóc sản phụ, chăm sóc vệ sinh vết mổ sau sinh, cho các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay thuốc co hồi tử cung để tránh các biến chứng, nhiễm trùng. Việc dùng thuốc giảm đau sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường, những thuốc này không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Ngày thứ 3 có thể mở băng, để khô. Lưu ý không để nước thấm ướt vùng vết mổ.
Sang tuần thứ hai, nếu khâu bằng chỉ không tiêu thì sẽ bác sĩ xem xét vết mổ, nếu khô sạch thì cắt chỉ. Bình thường, bác sĩ sẽ cắt chỉ sau 5 ngày nếu mẹ mổ lần đầu tiên, sau 7-8 ngày mổ lần hai trở lên. Nếu khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ.
Thời gian này, phụ nữ sinh mổ nên lau người bằng nước ấm hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt. Sau khi tắm xong, dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. Có thể vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%, giúp vết mổ sẽ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng. Không thoa các loại thuốc kháng sinh, hay đắp lá trầu, tỏi giã lên vết mổ.
Có những người cơ địa da lồi, sau khi cắt chỉ thời gian dài mới nhú sẹo lồi nên hãy dùng thuốc chống sẹo lồi sau khi cắt chỉ được một tuần trở đi. Nếu thoa thuốc sớm có thể gây nhiễm trùng.
2.2 Sau sinh mổ ăn gì?
Sản phụ bắt buộc không được ăn gì trong vòng 6 giờ sau mổ, vì lúc này, dưới tác động của thuốc dùng trong ca phẫu thuật, nhu động ruột của bạn đang ở mức rất thấp, đường ruột ứ ra nhiều khí, dạ dày hoạt động yếu nên gây đầy hơi, táo bón, khiến cơ thể càng mệt mỏi và lâu hồi phục hơn.
Trong ngày đầu vừa sinh, sản phụ sinh mổ được truyền dịch, uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho tới khi xì hơi thì mới bắt đầu ăn đặc, và nên ăn những đồ mềm, lỏng.
Từ ngày thứ tư trở đi, các bà mẹ ăn uống như bình thường, tăng cường thức ăn giàu đạm và canxi, rau củ quả nấu chín, uống nhiều nước để đủ sữa cho con bú và tránh táo bón.
Không dùng các loại thực phẩm dễ gây tiêu chảy hoặc dị ứng, gây sẹo lồi như thịt gà, thịt bò, hải sản, rau muống...
Bổ sung vitamin A, B, C để kiểm soát viêm nhiễm và nhanh liền vết mổ; Vitamin K và các yếu tố vi lượng như canxi, kẽm, sắt, đồng có trong trứng sữa có vai trò chính trong việc cầm máu, tạo máu và làm lành vết mổ; Protein là nguyên liệu chính tạo ra tế bào mới hình thành nên lớp da non và làm liền vết mổ.
2.3. Vận động và nghỉ ngơi hợp lý
Việc vận động sau sinh mổ khiến chị em đau đớn nhưng không nên vì vậy mà nằm nhiều trên giường. Ngay sau khi ống thông tiểu được lấy ra, sản phụ đã có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại. Trước đó, các mẹ vẫn có thể cử động tay chân nhẹ nhàng hoặc ngồi dậy.
Lười vận động sau sinh mổ có thể:
- Làm cho nhu động ruột chậm hồi phục, từ đó dẫn đến chứng táo bón;
- Nguy cơ mắc biến chứng sau phẫu thuật như dính ruột, viêm tắc tĩnh mạch...;
- Là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng làm hình thành các cục máu đông ở chân, tay;
- Gây viêm phổi sau phẫu thuật do nằm một chỗ, phổi bị ứ đọng.
Do vậy, việc vận động đi bộ ngắn giúp các chức năng bình thường của cơ thể phục hồi nhanh hơn, giảm các nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, phụ nữ sinh mổ chỉ nên luyện tập trở lại từ 4-6 tuần sau sinh; đặc biệt đối với những chị em mất quá nhiều máu thì cần phải nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng trước khi di chuyển, nếu không dễ gặp nguy hiểm do té, ngã, ngất.
Phụ nữ sau sinh mổ nên ngủ đủ giấc 8 - 10 tiếng/ngày. Tham vấn bác sĩ tâm lý nếu bị mất ngủ, lo âu, cảm giác phiền muộn sau sanh.
2.4 Cho con bú
Sau khi sinh, dù là sinh mổ hay sinh thường, mẹ nên cho con bú ngay càng sớm càng tốt vì lúc này sữa non có chứa nhiều dinh dưỡng nhất, chứa nhiều chất đề kháng nhất cung cấp các chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Với những sản phụ sinh mổ bằng hình thức gây mê toàn thân, thời điểm thông thường có thể cho bé bú sau khoảng 4-6 tiếng đồng hồ, khi thuốc gây mê bớt tác dụng.
Việc cho bé bú sớm không chỉ giúp gắn kết tình mẫu tử, tăng sức đề kháng cho bé mà còn giúp tử cung của mẹ mau phục hồi, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh.
Để tránh ảnh hưởng của vết mổ, các mẹ nên nhờ người thân trong gia đình trợ giúp để đỡ bé ở tư thế thoải mái nhất cho cả hai mẹ con.
2.5. Vệ sinh cá nhân
Ngay sau khi sinh thường hay sinh mổ, mẹ đã có thể rửa mặt, súc miệng, chải răng mỗi ngày. Mẹ nên chọn bàn chải mềm, tránh chảy máu răng.
Để tránh hiện tượng bí tiểu sau sinh, các mẹ nên tập đi tiểu từ 2 đến 3 giờ sau khi rút ống thông tiểu.
Nên lau rửa thân thể bằng nước ấm và lau khô người. Sang tuần thứ hai thì có thể tắm rửa bình thường, tránh làm ướt vết mổ, không chà mạnh lên vết mổ.
3. Những lưu ý trong thời gian sau sinh mổ
Sốt: Đây là phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng. Nhưng cũng có thể do mẹ mặc ấm quá mức, nằm than, thiếu nước. Vì vậy mẹ cần uống nhiều nước.
Sản dịch: Dù là sinh mổ thì sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường. Đây là dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt.
Trong 3 hoặc 4 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần bớt đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. Đến khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu.
Nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay sản dịch có màu đỏ tươi trở lại, cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm.
Vết mổ sưng tấy, đau hoặc tiết dịch: Vết mổ cần giữ khô sạch để tránh nhiễm trùng. Nếu vết mổ sưng đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu cần thăm khám hoặc tư vấn cùng các chuyên gia sản phụ khoa tại Vinmec, vui lòng đặt hẹn trên website.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.