Hướng dẫn theo dõi, chăm sóc sau sinh tại nhà (phần I)

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BS Huỳnh Vưu Khánh Linh, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

BS Huỳnh Vưu Khánh Linh, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc sẽ có các hướng dẫn cụ thể theo dõi chăm sóc sau sinh tại nhà cho mẹ.

1. Vệ sinh vùng kín sau sinh

Mẹ không nên đặt bất cứ vật gì vào bên trong âm đạo trong vòng 6 tuần đầu sau sinh, không dùng tampon, thụt rửa, đi bơi trong thời gian này. Không quan hệ vợ chồng cho đến khi đã tái khám hậu sản trong vòng 6 tuần đầu sau sinh và được bác sĩ tư vấn.

Vệ sinh vùng kín bằng nước ấm để tránh viêm nhiễm. Không nên kiêng tắm gội. Trường hợp không thể tắm, bạn vẫn nên lau khô người bằng nước ấm và thay quần áo hàng ngày.

Sau khi đi tiểu, bạn nên làm sạch tầng sinh môn nhẹ nhàng bằng vòi xịt hoặc bình xịt nhỏ trước. Sau đó, lau khô lại nhẹ nhàng bằng giấy vệ sinh. Lau theo chiều từ trước ra sau, tránh vi khuẩn từ hậu môn có thể lây ra âm đạo.

Để giảm đau hoặc các triệu chứng khó chịu, bạn có thể dùng các chế phẩm giảm đau dạng đặt hậu môn hoặc thuốc gây tê dạng xịt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn cũng có thể xông thảo dược hoặc ngâm tầng sinh môn trong nước ấm 2-3 lần trong ngày, mỗi lần khoảng 5-10 phút, trong vòng 1-2 tuần ...

Nên mặc quần áo rộng rãi, sử dụng các chất liệu thấm hút mồ hôi và thoáng mát càng tốt. Mặc quần áo bó sát sẽ khiến vết khâu bị cọ xát, có thể làm chảy máu,

Tập bài tập Kegel, giúp tăng lưu thông máu đến vùng tầng sinh môn, giúp vết khâu tầng sinh môn mau lành hơn. Ngoài ra, bài tập Kegel giúp các cơ vùng đáy chậu khỏe mạnh, có sức chống đỡ dẻo dai hơn. Bạn hãy bắt đầu bằng động tác đơn giản là nín tiểu chừng 10 giây, sau đó thả lỏng, lặp lại động tác này trong 20 lần sẽ có hiệu quả.

2. Chăm sóc tử cung sau sinh

Không được chườm nóng lên tử cung vì có thể việc chườm nóng làm tử cung co hồi kém, dễ gây băng huyết. Nếu bạn mổ lấy thai, bạn cần giữ vết mổ sạch và khô. Nếu vết mổ sưng, đỏ, đau, rỉ dịch, rỉ mủ nên liên hệ lại bác sĩ. Không được khiêng vác vật nặng trong 2-4 tuần đầu tiên sau sanh.

3. Chăm sóc vú sau sinh

Nếu tuyến sữa của bạn bị tắc, chườm 2 vú bằng chiếc khăn sữa ấm giúp các ống tuyến vú giãn nở và sữa dễ xuống hơn. Mat-xa vú sau đó rồi cho bé bú. Giữa các cữ bú, chườm vú bằng khăn lạnh để vú giảm căng, sưng. Bạn có thể tăng nhẹ thân nhiệt (dưới 38oC) khi căng sữa. Khi đó có thể sử dụng Paracetamol để giảm đau và hạ sốt, giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu.

Nếu vú có những vùng sưng, nóng, đỏ, đau bạn nên liên hệ bác sĩ vì đó có thể là triệu chứng của nhiễm trùng. Tiếp tục cho bé bú, ngay cả khi vú nhiễm trùng để giúp tia sữa thông thoáng. Sữa của bạn sẽ không gây hại cho bé.

Chú ý giữ núm vú sạch và khô. Rửa với xà phòng nhẹ và rửa sạch bằng nước nếu thấy núm vú bị nứt, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Bạn có thể dùng kem trị nứt đầu vú chứa lanolin (Purelan cream) thoa núm vú sau bé bú. Bạn không cần rửa sạch kem trước khi cho bé bú.

Mặc loại áo nâng ngực phù hợp với người cho con bú. Bạn có thể bị chảy sữa núm vú, vì vậy hãy sử dụng thêm miếng lót thấm sữa trong áo nâng ngực.

Khi cho con bú, bạn cần tăng thêm 200-300 calories trong thức ăn hàng ngày bằng cách bổ sung các thực phẩm cần thiết. Hãy ăn các thực phẩm giàu canxi (Rau cải lá xanh đậm, sữa, yogurt...), ăn thêm chất xơ và protein (thịt, cá, trứng, hạt...) Uống từ 8-10 ly nước mỗi ngày. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép, sữa ít béo mỗi khi bạn cho bé bú.

Khi tắm, bạn không nên để tia nước nóng tiếp xúc trực tiếp với vú.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe