Hướng dẫn sơ cứu các tình huống liên quan đến lạnh cơ thể do thời tiết

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Ninh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Cơ thể bị lạnh do thời tiết sẽ dẫn đến tình trạng tê cóng hoặc hạ thân nhiệt đột ngột, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Việc thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu đối với người bệnh là rất cần thiết.

1. Sơ cứu tình huống bị tê cóng (frostbite)

Tê cóng ở trẻ em, người lớn thường xảy ra khi ở ngoài trời quá lâu, trong thời tiết lạnh. Với 1 số trường hợp, tê cóng cũng có thể xảy ra bên trong nhà hay ở những nơi làm việc mà nạn nhân phải tiếp xúc với những vật liệu quá lạnh mà không mang găng tay.

Thông thường, tê cóng sẽ ảnh hưởng những bộ phận cơ thể như ngón tay, ngón chân, mũi và tai. Các dấu hiệu của tê cóng là:

  • Da phía trên vùng tê cóng trở nên trắng, sáp, hay vàng xám;
  • Vùng tê cóng thì lạnh và tê;
  • Vùng tê cóng trở nên cứng, da thì không thể di chuyển hay nhăn dù bạn ấn, véo.

Các bước sơ cứu để giúp nạn nhân bị tê cóng:

  • Đảm bảo hiện trường an toàn cho bạn và cho nạn nhân;
  • Di chuyển nạn nhân đến vùng ấm;
  • Lấy túi sơ cứu;
  • Gọi cấp cứu (115);
  • Loại bỏ quần áo ướt, chật, đồng thời lau khô cơ thể cho bạn nhân;
  • Mặc quần áo khô cho nạn nhân và cho nạn nhân đắp mền;
  • Loại bỏ các nhẫn đeo chặt hay bất cứ loại vòng đeo nào khỏi bộ phận bị tê cóng.

Chú ý không nên làm những điều sau khi nạn nhân bị tê cóng:

  • Đừng cố làm tan phần cơ thể bị đóng băng nếu bạn nghĩ rằng có thể có khả năng tan băng trước khi nạn nhân được chăm sóc y tế.
  • Không chà xát vùng bị tê cóng. Việc chà xát có thể gây ra tổn thương. Nếu bạn cần chạm vào vùng đó thì hãy thật nhẹ nhàng.

Các giai đoạn của tê cóng
Các giai đoạn của tê cóng

2. Sơ cứu các tình huống bị hạ thân nhiệt

Nếu ở quá lâu trong cơn mưa lạnh tầm tã hoặc trong điều kiện môi trường lạnh và ẩm ướt thì có thể dẫn đến hạ thân nhiệt. Khi hạ thân nhiệt xảy ra, nó có thể gây ra tình trạng nguy hiểm, thậm chí là tử vong cho nạn nhân nếu không được sơ cấp cứu kịp thời..

Dấu hiệu của hạ thân nhiệt gồm:

  • Da lạnh khi sờ vào;
  • Run và hết run khi thân nhiệt hạ rất thấp;
  • Lơ mơ;
  • Thay đổi tính cách;
  • Buồn ngủ và kém tập trung vào tình trạng hiện tại của nạn nhân;
  • Cơ trở nên cứng trong khi da thì xanh và lạnh như đá.

Khi thân nhiệt tiếp tục hạ mà không được sơ cứu thì nạn nhân có thể hôn mê (không đáp ứng), ngưng thở và tử vong.

Các hành động giúp sơ cứu nạn nhân bị hạ thân nhiệt bao gồm:

  • Đảm bảo hiện trường an toàn cho bạn và cho nạn nhân;
  • Đưa nạn nhân ra khỏi vùng lạnh;
  • Loại bỏ quần áo ẩm, vuốt lau khô nạn nhân và đắp chăn (nếu có);
  • Lấy túi sơ cứu và máy sốc điện tự động (AED);
  • Gọi cấp cứu;
  • Mặc quần áo khô cho nạn nhân. Bọc phần thân và đầu, nhưng không che mặt, có thể dùng chăn, khăn, thậm chí là giấy để bọc;
  • Ở cùng nạn nhân cho đến khi có người được huấn luyện chuyên sâu hơn đến và bàn giao cho họ;
  • Nếu nạn nhân trở nên không đáp ứng và không thở hay chỉ thở ngáp, hãy thực hiện CPR.

Tóm lại, ngay khi thấy nạn nhân bị tê cóng hoặc hạ thân nhiệt thì cần thực hiện các động tác sơ cứu ban đầu rồi nhanh chóng liên hệ với địa chỉ y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: First aid - American Heart Association

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe