Trên thực tế, có rất nhiều người thực hiện vệ sinh lưỡi đúng cách mỗi ngày. Đây chính là nguyên nhân khiến cho hơi thở có mùi và gặp phải các bệnh lý răng miệng.
1. Lợi ích của việc vệ sinh lưỡi
Ngoài việc phải vệ sinh răng và lợi hàng ngày đúng cách để ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng thì cần đặc biệt chú ý đến lưỡi. Bởi đây cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn gây hại. Việc vệ sinh lưỡi đúng cách sẽ loại bỏ được rất nhiều vi khuẩn trong miệng, giúp hơi thở thơm mát và phòng ngừa về các bệnh về lưỡi thường gặp. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều người thực sự chưa biết cách vệ sinh lưỡi, thậm chí bỏ qua việc này trong chăm sóc răng miệng hàng ngày.
Một số lợi ích khi vệ sinh lưỡi đúng cách mỗi ngày chính là:
- Loại bỏ vi khuẩn gây bệnh trên lưỡi và chứng hôi miệng
Có không ít người bị hôi miệng, cho dù đã đánh răng thường xuyên và dùng nước súc miệng nhưng vẫn không cải thiện được. Nguyên nhân có thể do lưỡi không được vệ sinh đúng cách.
- Giảm hợp chất gây hôi miệng
Một số thức ăn có mùi thường dễ dàng bám vào trên bề mặt lưỡi khi chúng ta ăn uống hàng ngày, song so màu sắc của lưỡi mà ít người nhận thấy.
- Giảm mảng bám ở lưỡi
Trên bề mặt lưỡi là vị trí khiến các mảng bám thức ăn dễ dàng bám dính, sử dụng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ chải lưỡi chuyên dụng đều có tác dụng loại bỏ tốt mảng bám. Nếu lưỡi không được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, các thức ăn thừa và các hợp chất hữu cơ có thể bám dính chặt trên bề mặt lưỡi tạo ra các mảng bám có màu trắng đục. Có thể đây là nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng và bệnh nấm lưỡi thường gặp.
- Mang đến cảm giác dễ chịu, sạch sẽ
Thói quen vệ sinh lưỡi đúng cách, thường đem lại cảm giác sảng khoái, tươi mới, sạch sẽ và từ đó bạn trở nên tự tin hơn mỗi ngày.
- Tăng cảm thụ hương vị thức ăn
Vệ sinh lưỡi giúp loại bỏ mảng bám và vi khuẩn trên lưỡi. Nhờ đó lưỡi được sạch sẽ, đồng thời cảm nhận tốt hơn hương vị của các món ăn và ăn ngon miệng hơn.
2. Hướng dẫn cách làm sạch lưỡi đúng cách
Tùy vào sở thích và thói quen vệ sinh răng miệng, bạn có thể lựa chọn vệ sinh lưỡi bằng bàn chải đánh răng, nước súc miệng hoặc dụng cụ nạo lưỡi chuyên dụng. Tuy nhiên, mỗi cách đều có những ưu nhược điểm riêng như sau:
2.1. Vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi
Cách làm vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng được đánh giá với hiệu quả là sạch cao nhất. Cách làm này giúp lưỡi được làm sạch tốt hơn so với việc sử dụng bàn chải hay nước súc miệng. Dụng cụ nạo lưỡi thường được làm bằng nhựa và kim loại với nhiều kiểu dáng khác nhau, để lựa chọn phù hợp với từng người. Có thể dễ dàng mua được dụng cụ này ở bất kỳ các cơ sở nha khoa hoặc hiệu thuốc, sử dụng hàng ngày 1 - 2 lần sau khi đánh răng theo các bước sau:
- Đưa lưỡi ra ngoài khoang miệng càng nhiều càng tốt.
- Đưa dụng cụ cạo lưỡi vào trong vị trí cuống lưỡi.
- Thực hiện cạo lưỡi để loại bỏ mảng bám từ cuống lưỡi về phía đầu lưỡi.
- Rửa sạch dụng cụ bằng nước ấm.
- Loại bỏ nước bọt và chất bẩn còn sót lại trong khoang miệng.
- Thực hiện lặp lại các bước trên 2 - 5 lần cho đến khi cảm thấy lưỡi sạch sẽ.
Lưu ý: Dụng cụ cạo lưỡi có thể là nơi chứa vi khuẩn gây bệnh nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Vì vậy, cần rửa sạch dụng cụ cạo lưỡi sau khi kết thúc công việc, để nơi khô ráo cho lần dùng tiếp theo.
2.2. Vệ sinh lưỡi bằng bàn chải đánh răng
Mặc dù về mức độ làm sạch không thể bằng với dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng, nhưng việc sử dụng bàn chải đánh răng để vệ sinh lưỡi hàng ngày lại tiện lợi và dễ thực hiện hơn nên được nhiều người áp dụng phổ biến.
Cách thực hiện như sau:
- Lựa chọn loại bàn chải đánh răng có lông chải mềm.
- Đặt lưỡi ra ngoài khoang miệng càng dài càng tốt.
- Đặt bàn chải đánh răng ở cuống lưỡi.
- Chải nhẹ bàn chải dọc theo lưỡi.
- Súc miệng để loại bỏ hết nước bọt thừa và cặn bẩn, rửa lại bàn chải với nước sạch.
2.3. Dùng nước súc miệng để vệ sinh lưỡi
Sau khi đánh răng, vệ sinh lưỡi với bàn chải hoặc dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng, có thể dùng nước súc miệng chứa các thành phần làm sạch, giảm hôi miệng và đem lại hơi thở thơm mát dễ chịu. Nên chọn loại nước súc miệng phù hợp với mục đích, tình trạng răng miệng của mỗi người. Có thể nhờ các nha sĩ tư vấn thêm những loại nước súc miệng phù hợp để đem lại hiệu quả tốt nhất.
3. Lưu ý khi vệ sinh lưỡi hàng ngày
Khi đã biết cách vệ sinh lưỡi hàng ngày, cần lưu ý một số điểm như sau:
- Thay hoặc vệ sinh dụng cụ nạo lưỡi
Nên thay mới dụng cụ nạo lưỡi định kỳ sau khoảng 3 tháng, tương tự như bàn chải đánh răng. Vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng, tránh để nơi ẩm ướt tạo điều kiện cho các vi khuẩn môi trường bên ngoài gây bệnh.
- Thực hiện vệ sinh lưỡi nhẹ nhàng, tránh động tác quá mạnh
Chỉ nên thực hiện vệ sinh lưỡi một cách nhẹ nhàng với lực vừa đủ để loại bỏ mảng bám. Không nên thực hiện vệ sinh lưỡi quá mạnh có thể làm lưỡi bị xước, chảy máu có thể gây tình trạng viêm nhiễm hoặc tạo các đường rãnh trên lưỡi rất xấu. Nếu lưỡi bị tổn thương trên bề mặt, nên ngừng thực hiện trong vài ngày và hạn chế các thức ăn chứa nhiều gia vị. Sau đó thử nạo lưỡi một cách nhẹ nhàng hơn.
- Tạo thói quen làm vệ sinh lưỡi
Nên thực hiện đều đặn việc vệ sinh lưỡi 2 lần mỗi ngày và tạo thói quen thực hiện mỗi ngày. Bởi nếu không vệ sinh lưỡi thường xuyên thì vi khuẩn sẽ tiếp tục tích tụ trên bề mặt lưỡi, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe răng miệng. Do vậy, mọi người nên duy trì thói quen vệ sinh lưỡi hàng ngày.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin về hướng dẫn vệ sinh lưỡi đúng cách, giúp mọi người phòng ngừa các bệnh lý răng miệng cũng như luôn tự tin khi giao tiếp.