Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Khoa Khám bệnh & nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 tăng theo tuổi, ở độ tuổi trên 65 chiếm khoảng 18-20%. Người cao tuổi là đối tượng thường mắc nhiều bệnh phối hợp, các cơ quan bộ phận cơ thể đã có những suy giảm nhất định. Vì vậy cần phải có chế độ theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp để bệnh nhân quản lý được tình trạng glucose máu, ngăn ngừa biến chứng, đạt được chất lượng cuộc sống.
1. Các vấn đề nguy hại của đái tháo đường type ở người cao tuổi
Ngoài những ngụy hại mà bất kỳ bệnh nhân đái tháo đường nào cũng gặp, người cao tuổi khi bị đái tháo đường type 2 còn phải đối mặt với những mối nguy hại liên quan đến tuổi tác:
- Xuất hiện “hội chứng tuổi già” ở người bệnh: Người cao tuổi khi mắc bệnh đái tháo đường, cũng kéo theo nguy cơ lớn mắc các bệnh hội chứng tuổi già: Rối loạn chức năng nhận biết, trầm cảm, rối loạn thị giác, thính giác, xuất hiện tình trạng hạ đường máu... Những triệu chứng này thường không được bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân chú ý, nếu để kéo dài không điều trị kịp thời, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, nếu phát hiện biểu hiện hội chứng tuổi già, cần tiến hành ngay xét nghiệm sàng lọc, tầm soát, qua đó có phương án điều trị phù hợp.
- Khi kèm thêm các bệnh về tim mạch, đột quỵ thì bệnh rất nghiệm trọng, đe dọa đến sự sinh tồn của người già.
- Các biến chứng thần kinh, vi mạch cũng có thể dẫn đến các tàn phế cũng là mối đe dọa thường xuyên: Biến chứng võng mạc, xuất huyết đáy mắt, đục thủy tinh thể là nguyên nhân làm cho người già bị mù lòa, còn biến chứng thần kinh ngoại vi và mạch máu của bệnh tiểu đường thì thường làm hoại thư, khi mức độ trở nên nghiêm trọng thì phải cắt cụt chân, gây tàn phế suốt đời hoặc dẫn đến tử vong.
- Đối tượng là người cao tuổi thường kéo theo suy giảm chức năng gan thận, các rối loạn chuyển hóa. Vì vậy có thể có tai biến do thuốc hạ glucose máu gây ra.
Trắc nghiệm dành riêng cho người mắc đái tháo đường: Chế độ ăn của bạn đã hợp lý chưa?
Người bị bệnh đái tháo đường cần phải quan tâm nhiều hơn đến cách tính toán khẩu phần ăn sao cho phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Nếu chưa rõ, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài trắc nghiệm ngắn sau đây.2. Vấn đề kiểm soát đường máu ở người cao tuổi mắc đái tháo đường
Kiểm soát tốt glucose máu vẫn là vấn đề cốt lõi trong điều trị đái tháo đường. Cần phải hết sức quan tâm tới những đặc điểm sau đây đối với người già bị đái tháo đường:
- Ăn kém hoặc những rối loạn làm mất khẩu vị.
- Những thay đổi tình trạng trí tuệ ảnh hưởng đến nhận thức và phản ứng với tình trạng hạ glucose máu.
- Bệnh nhân phải uống nhiều thuốc nhưng tuân thủ uống thuốc kém.
- Bệnh nhân chậm áp dụng các biện pháp điều trị sớm tình trạng hạ glucose máu.
- Bệnh nhân có rối loạn chức năng gan, thận.
- Một số tình trạng có thể che khuất hoặc đưa đến chẩn đoán nhầm các triệu chứng hạ glucose máu như: Sa sút trí tuệ, hoang tưởng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Kiểm soát chặt glucose máu là mục tiêu hàng đầu, nhưng lại là nguy cơ gây cơn hạ glucose máu. Mục tiêu điều trị đối với bệnh nhân ĐTĐ tuổi già nói chung là: Nồng độ glucose máu khi đói gần với mức bình thường (< 7 mml/l, HbA1c < 7%), không có hạ glucose máu. Tuy nhiên, những bệnh nhân già, có nhiều bệnh nội khoa mạn tính đi kèm, độc thân, tuổi thọ không còn dài thì mục tiêu điều trị phải thực tế hơn, có thể mục tiêu làm giảm được các dấu hiệu, triệu chứng của tăng glucose máu (như uống nhiều, mệt mỏi, sút cân) thực tế hơn là cố gắng để đạt được glucose máu bình thường.
3. Những biện pháp can thiệp, điều trị chăm sóc người cao tuổi đái tháo đường type 2
3.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng kết hợp luyện tập
Đối với người già mắc bệnh đái tháo đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp tập luyện thể dục thể thao là rất quan trọng. Việc này không chỉ đơn thuần giúp cải thiện tình trạng bệnh, mà còn mang lại những giá trị tinh thần: Chất lượng cuộc sống được nâng cao, tinh thần vui vẻ lạc quan, giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm...
Chế độ dinh dưỡng calo thấp, ít mỡ: Chế độ ăn được khuyến khích áp dụng cho người già bị đái tháo đường là chế độ ăn giảm nhẹ calo: mỡ <30% calo, carbohydrate > 50% calo; Tăng cường chất xơ, các loại vitamin; Uống đủ nước; Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ trong ngày.
Chế độ rèn luyện thể lực phù hợp: Đi bộ, đạp xe đạp. Lưu ý các trường hợp có bệnh lý tim mạch kèm nên được tư vấn phù hợp với bệnh kèm của họ.
Nếu bệnh nhân đã áp dụng chế độ ăn và tập luyện thể lực mà không đạt được chỉ số glucose máu mục tiêu thì phối hợp thuốc hạ glucose máu phù hợp.
3.2. Biện pháp can thiệp bằng thuốc
Người cao tuổi đái tháo đường type 2 có thể sử dụng bất kỳ loại thuốc hạ glucose máu nếu không có chống chỉ định. Vì vậy khi lựa chọn thuốc hạ glucose máu cho bệnh nhân cần lưu ý chức năng gan, thận, bệnh lý kèm, sự tiện lợi khi dùng thuốc (chú ý người hỗ trợ bệnh nhân cuộc sống hàng ngày không)
3.3. Điều trị và chăm sóc các bệnh kèm và các biến chứng của bệnh đái tháo đường type 2.
Cần phải điều trị tốt các bệnh phối hợp. Các biến chứng cần được quan tâm:
- Bàn chân đái tháo đường:
- Chăm sóc bàn chân là việc làm quan trọng đối với bệnh tiểu đường ở người cao tuổi, đặc biệt là người già vì họ thường khó có thể tự mình làm được.
- Người bị bệnh tiểu đường lâu năm thường mất cảm giác ở bàn chân nên nếu không chăm sóc kỹ sẽ xuất hiện các vết loét ở vị trí này. Người chăm sóc cần thường xuyên kiểm tra bàn chân, các kẽ ngón chân phát hiện các vết cắt, vết loét hoặc vết thương để điều trị kịp thời. Việc này nên được thực hiện cùng với vệ sinh bàn chân hàng ngày.
- Nhiễm trùng ở bàn chân là một biến chứng vô cùng nguy hiểm không chỉ ở người trẻ mà còncủa bệnh tiểu đường ở người cao tuổicó thể nhanh chóng lan rộng đến tận xương, dẫn đến viêm xương tủy. Tình trạng này cần được điều trị kịp thời bằng kháng sinh, trong trường hợp điều trị thất bại, người bệnh có thể phải cắt cụt chân
- Hạ glucose máu: Cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời tình trạng hạ Glucose máu trên bệnh nhân. Hướng dẫn bệnh nhân và người nhà các dấu hiệu hạ glucose máu và cách xử trí cấp cứu hạ glucose máu.
- Hôn mê do tăng Glucose máu: Cần phát hiện sớm các rối loạn ý thức trên người bệnh để được điều trị kịp thời.
- Bệnh lý võng mạc: Biến chứng có thể đưa đến mù lòa. Kiểm tra mắt định kỳ cho bệnh nhân.
3.4. Theo dõi điều trị.
- Phát hiện sớm các triệu chứng bất thường trên bệnh nhân
- Bệnh nhân nên có và biết cách sử dụng máy thử glucose mao mạch tại nhà.
- Định kỳ kiểm tra tại bệnh viện các chỉ số glucose máu, HbA1c, chức năng gan, thận, mỡ máu và các thông số khác tùy trường hợp cụ thể.
Đái tháo đường type 2 ở người cao tuổi là một tình trạng đòi hỏi phải được điều trị, quản lý chặt chẽ vì đây là đối tượng có rất nhiều nguy cơ. Nhằm để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.