Bệnh Alzheimer tương đối phổ biến ở người cao tuổi. Việc chăm sóc bệnh nhân Alzheimer là vấn đề đáng lưu tâm nhất bởi căn bệnh này không chỉ đơn giản ảnh hưởng tới người bệnh mà còn mang tính chất gia đình rất cao.
1. Tìm hiểu về bệnh Alzheimer
Việc chăm sóc người bị bệnh Alzheimer sẽ gặp phải tương đối nhiều thách thức, do đó dù bạn là người mới hay đã là người đã có kinh nghiệm thì cũng nên tìm hiểu thêm về tình trạng bệnh. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chăm sóc người bệnh, bao gồm:
- Nói chuyện với bác sĩ: Ghi lại những thay đổi trong trí nhớ, hành vi hoặc tâm trạng của người bệnh;
- Tham dự các lớp học về chăm sóc người bệnh: Các tổ chức phi lợi nhuận và các nhóm tổ chức các lớp học, hội thảo dành cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer;
- Tham khảo những tài liệu nghiên cứu mới về bệnh Alzheimer: Những đột phá khoa học về trí nhớ, các điều trị và việc chăm sóc bản thân có thể mang lại cho bạn những cái nhìn sâu sắc hơn về căn bệnh này.
Bệnh Alzheimer là căn bệnh có yếu tố di truyền. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường là đãng trí, bao gồm quên tên hoặc nơi vừa đặt đồ vật.
Dấu hiệu tiếp theo của bệnh là trí nhớ và tư duy bất thường, bao gồm việc người bệnh quên tên người quen, hỏi cùng một câu hỏi hoặc kể một câu chuyện tương tự nhiều lần, đồng thời việc ghi nhớ mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày cũng sẽ gặp khó khăn.
Ở giai đoạn sau của bệnh Alzheimer, người bệnh cần được giúp đỡ nhiều hơn và họ cần phải được chăm sóc một cách toàn diện khi ở giai đoạn cuối của bệnh. Ở giai đoạn cuối, người bệnh thường hay đi lang thang hoặc bị lạc, thay đổi cảm xúc và tính cách và không thể hoạt động thể chất bình thường nữa.
2. Lên kế hoạch cho các cuộc hẹn với bác sĩ
Là một người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, bạn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc hẹn với bác sĩ. Bạn nên lập kế hoạch trước để tận dụng tối đa thời gian của bản thân:
- Sắp xếp các thủ tục giấy tờ: Cung cấp cho nhân viên bản sao của các tài liệu liên quan về tình trạng của người bệnh;
- Tránh lo lắng, căng thẳng: Thực hiện thăm khám khi người bệnh tỉnh táo;
- Hãy chuẩn bị trước một số câu hỏi và câu trả lời: Viết trước các câu hỏi, triệu chứng và ghi chú về các hành vi của người bệnh. Ghi chép và nói về việc chăm sóc bệnh nhân Alzheimer trong tương lai.
3. Để người bệnh được tự lập
Những người bị sa sút trí tuệ giai đoạn đầu và giai đoạn giữa vẫn có thể tự lập. Tập trung vào điểm mạnh của họ và cho phép họ làm càng nhiều càng tốt, chẳng hạn như:
- Tự mặc quần áo: Bạn có thể giúp đỡ bằng cách sắp xếp quần áo của họ theo đúng thứ tự.
- Sở thích hoặc các hoạt động khác: Giúp học gắn bó với những thứ họ đã thích trong quá khứ. Thực hiện các điều chỉnh phù hợp với khả năng hiện tại của người bệnh.
- Tự đưa ra các quyết định về bữa ăn: Người bệnh có thể tự đặt bàn, chọn món mình muốn ăn và ngồi ở đâu.
4. Lập kế hoạch hoạt động cho người bệnh
Những người bị bệnh Alzheimer có thể dễ dàng từ bỏ các hoạt động mà họ yêu thích trước đây. Người chăm sóc có thể giúp họ tham gia vào các hoạt động này, đồng thời ghi lại những biểu hiện của người bệnh:
- Thay đổi tâm trạng: Những hoạt động nào khiến họ vui vẻ, lo lắng hoặc cáu kỉnh?
- Vấn đề vật lý: Họ có dễ mệt mỏi hoặc khó nhìn hay khó nghe không?
- Thời gian trong ngày: Lên kế hoạch cho các hoạt động nhất định vào buổi sáng, khi cả bạn và người bệnh đều vui vẻ và sẵn sàng cho các hoạt động này.
- Giai đoạn bệnh: Trong các giai đoạn sau của bệnh, hãy thử các công việc mà người bệnh có thể thực hiện lặp đi lặp lại.
5. Quản lý hành vi ăn uống của người bệnh
Những người mắc bệnh Alzheimer thường cảm thấy khó ăn uống. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất nước và thay đổi trọng lượng. Bạn có thể thử các mẹo sau:
- Kiên nhẫn: Người bệnh có thể khó chịu và không chịu ăn. Kiên nhẫn với người bệnh và chờ cho đến khi họ bình tĩnh trở lại.
- Sử dụng dịch vụ ăn uống: Một số dịch vụ giao hàng miễn phí hoặc chi phí thấp dành cho những người bị sa sút trí tuệ.
- Hạn chế tiếng ồn: Tắt TV và những thứ gây xao nhãng khác để người bệnh tập trung vào việc ăn uống.
- Ăn cùng nhau: Chia sẻ những vấn đề xung quanh của nhau trong bữa ăn.
6. Giữ gìn an toàn trong đại dịch Coronavirus
Những người chăm sóc cần thực hiện các biện pháp an toàn bổ sung trong đại dịch coronavirus:
- Yêu cầu bác sĩ điền đơn thuốc trong thời gian dài hơn để bạn có thể ít đến hiệu thuốc hơn.
- Có người chăm sóc dự phòng trong trường hợp bạn bị ốm hoặc dịch vụ chăm sóc ban ngày dành cho người lớn đóng cửa do COVID-19.
- Nếu người bệnh mà bạn chăm sóc cần đến bệnh viện để điều trị COVID-19, hãy nói với nhân viên về tình trạng của họ để bạn có thể cung cấp hỗ trợ và chia sẻ thông tin sức khỏe.
7. Giúp người bệnh Alzheimer giữ gìn vệ sinh
Người lớn tuổi có nguy cơ cao bị cả bệnh do COVID-19 và chứng sa sút trí tuệ. Thực hiện các biện pháp an toàn chống vi-rút (khẩu trang, rửa tay, tránh chạm vào mặt) vào thói quen hàng ngày. Những người bị bệnh Alzheimer cũng cần được nhắc nhở về việc giữ gìn vệ sinh tốt:
- Dán các biển báo trong phòng tắm và các khu vực khác xung quanh nhà như một lời nhắc nhở về việc rửa tay đúng cách.
- Hướng dẫn người bệnh về cách rửa tay.
- Chuẩn bị nước rửa tay có cồn nếu không có xà phòng và nước.
8. Chăm sóc bản thân
Các thành viên trong gia đình chăm sóc những người bị sa sút trí tuệ có nhiều lo lắng và trầm cảm hơn những người chăm sóc các bệnh khác. Dưới đây là một số cách giúp bạn tự chăm sóc bản thân tốt hơn:
- Tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần: Liên hệ với gia đình, bạn bè hoặc người lớn chăm sóc ban ngày. Thậm chí một vài giờ giúp đỡ mỗi tuần có thể giúp bạn giảm căng thẳng.
- Tham gia một nhóm hỗ trợ: Cho dù trực tuyến hay trực tiếp, bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình và tìm tài tài liệu từ những nhóm hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Alzheimer.
- Nói chuyện với nhân viên tư vấn: Họ có thể giúp bạn hiểu cảm xúc của mình và quản lý sự căng thẳng, lo lắng.
9. Lập kế hoạch chăm sóc người bệnh hàng ngày
Giữ thói quen hàng ngày có thể giúp bạn và người bạn chăm sóc sắp xếp thời gian hợp lý. Hãy nghĩ về: Những hoạt động mà người bệnh thích, không thích, sở thích và điểm mạnh; Cách tổ chức ngày của người bệnh:
Giờ đi vệ sinh: Những bệnh nhân mắc Alzheimer giống người già ở điểm đó là có thể gặp phải tình trạng đi vệ sinh không tự chủ. Đây chính là khó khăn lớn dành cho những ai phải chăm sóc bệnh nhân Alzheimer. Tuy nhiên, để cải thiện tình hình, bạn có thể áp dụng một số cách như sau:
- Xây dựng thói quen đưa người bệnh vào phòng vệ sinh vào một khung giờ nhất định. Chẳng hạn như mỗi 2 -3 giờ, bạn có thể đưa người bệnh đi vệ sinh một lần. Tốt nhất bạn nên cố gắng theo sát lịch này hết sức có thể.
- Chú ý quan sát các dấu hiệu cần đi vệ sinh của người bệnh như bồn chồn hay kịp thời kéo quần áo.
- Để tránh trường hợp người bệnh đi vệ sinh không tự chủ vào ban đêm, hạn chế cho người bệnh uống quá nhiều nước vào buổi chiều tối hay trước giờ đi ngủ.
- Khi đưa người bệnh ra ngoài, cần chuẩn bị kỹ càng bằng cách cho người bệnh mặc những trang phục dễ cởi và mang sẵn đồ để thay. Để kịp thời đưa người bệnh đi vệ sinh khi cần, bạn cần chú ý xác định ngay nhà vệ sinh khi đến một địa điểm mới.
Giúp người bệnh tắm rửa: Đây cũng là một thách thức đối với người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer vì bệnh nhân có thể không hợp tác khi tắm, không còn nhớ cách mặc đồ hay thậm chí không muốn tắm rửa. Lúc này, để giúp người bệnh hợp tác hơn khi tắm rửa, bạn có thể áp dụng những cách như sau:
- Áp dụng lịch tắm rửa và thay đồ cho người bệnh vào khung giờ nhất định. Nên thực hiện lúc người bệnh thoải mái và bình tĩnh nhất.
- Để tránh tình trạng người bệnh hoảng sợ, khi tắm cho người bệnh, bạn hãy giải thích với họ những gì mà mình đang làm.
- Thay vì giúp họ làm hết tất cả khi người bệnh tắm rửa và thay đồ, bạn hãy để họ làm những gì có thể.
- Để tránh tình trạng người bệnh bị căng thẳng khi sắp tới giờ hẹn, bạn hãy sắp xếp nhiều thời gian tắm rửa và mặc quần áo vì quá trình vệ sinh của người bệnh có thể rất lâu.
- Người bệnh sẽ khó chọn lựa quần áo mỗi ngày nếu bạn mua quá nhiều kiểu, do đó bạn nên hạn chế điều này. Nên ưu tiên lựa chọn những đồ thoải mái và dễ cởi ra khi lựa chọn quần áo cho bệnh nhân Alzheimer.
Thời gian ăn uống của người bệnh: Đối với bệnh nhân Alzheimer, việc ăn uống là một sinh hoạt cũng sẽ trở thành một thách thức. Để giúp bệnh nhân hứng thú hơn với giờ ăn , bạn có thể áp dụng các cách sau:
- Áp dụng giờ ăn cố định cho người bệnh mỗi ngày. Tuy nhiên, giờ ăn này cần phù hợp với nhu cầu của người mà bạn đang chăm sóc.
- Cần tạo môi trường yên tĩnh và thư giãn khi người bệnh Alzheimer ăn để họ không bị xao nhãng.
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng và đủ chất với người bệnh. Tuy nhiên, để người bệnh không cảm thấy khó khăn khi lựa chọn, mỗi bữa bạn cần tránh nấu quá nhiều món.
- Để phù hợp với tình trạng của bệnh nhân, nên thay đổi những thói quen ăn uống sao cho phù hợp.
Đảm bảo dành nhiều thời gian cho các hoạt động và giải lao. Sử dụng lịch trình hàng ngày của người bệnh một cách cố định, nhưng hãy sẵn sàng điều chỉnh nếu cần, chẳng hạn như khi người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
10. Tạo không gian sống an toàn
Bị bệnh Alzheimer làm tăng nguy cơ bị thương. Hãy quan sát kỹ không gian sống của người bệnh, đặc biệt là những khu vực có những vật dụng nguy hiểm. Để giữ an toàn, bạn cần lưu ý:
- Tránh để người bệnh té ngã: Cần lắp đặt tay vịn hoặc thanh vịn ở những khu vực mà người bệnh có thể bị ngã.
- Khóa: Sử dụng ổ khóa trên tủ đựng thuốc, cồn, súng, sản phẩm tẩy rửa, dụng cụ hoặc những thứ sắc nhọn.
- Đảm bảo an toàn cháy nổ: Bỏ que diêm, bật lửa đi và để sẵn bình cứu hỏa.
11. Lập kế hoạch cho tương lai
Người mắc bệnh Alzheimer có thể còn tự lập được trong nhiều năm nữa, nhưng điều quan trọng nhất là phải lập kế hoạch cho tương lai, một số vấn đề cần lưu ý như:
- Quyết định về việc lái xe;
- Chăm sóc ban ngày cho người lớn hoặc chăm sóc tại trại dưỡng lão;
- Các vấn đề pháp lý: Giấy ủy quyền, bản sao kê trước để chi trả cho việc chăm sóc bệnh sa sút trí tuệ giai đoạn cuối, di chúc.
Chăm sóc người bệnh Alzheimer là cả một quá trình dài và việc đưa người bệnh Alzheimer đi khám sức khỏe định kỳ là việc làm không thể thiếu để giúp chắc chắn về sức khỏe của người bệnh và theo dõi tình trạng bệnh Alzheimer có nặng lên hay không.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com