Xông hơi là biện pháp đã được sử dụng từ rất lâu đời nhằm phòng và điều trị bệnh. Mặc dù xông hơi mang lại nhiều lợi ích nhưng nếu xông hơi không đúng cách lại có thể mang lại nhiều rủi ro với sức khỏe. Thậm chí xông hơi không đúng có có thể gây mất nước nghiêm trọng rất nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về cách xông hơi an toàn, bạn hãy theo dõi chi tiết ngay trong bài viết dưới đây.
1. Lợi ích và rủi ro của xông hơi?
Xông hơi là một biện pháp sử dụng nhiệt của hơi nước và có thể kết hợp thêm một số loại thảo dược mang lại hiệu quả phòng và điều trị một số bệnh lý. Những lợi ích của việc xông hơi bao gồm:
- Giải cảm: Theo đông y, việc sử dụng xông hơi bằng các thảo dược là một biện pháp cho ra mồ hôi (phát hãn) để loại bỏ tà khí gây bệnh. Thường được sử dụng khi bị cảm mạo do lạnh, khi mà những tác nhân gây bệnh chưa vào sâu trong cơ thể thì việc đưa ra ngoài qua đường mồ hôi giúp điều trị và tránh tình trạng bệnh nặng thêm.
- Tăng cường lưu thông máu: Hơi nóng của nước xông làm cho các mạch máu dưới da giãn ra, tăng cường khả năng lưu thông máu và giúp giảm huyết áp.
- Những người mắc các chứng đau khớp, viêm khớp, đau mạn tính nếu xông hơi cũng giúp giảm đau, giảm mệt mỏi.
- Tăng cường trao đổi chất: Nhiệt độ sẽ giúp tăng tốc độ trao đổi chất trong cơ thể, từ đó có thể cải thiện một phần cân nặng. Tuy nhiên, đây không phải biện pháp an toàn để giảm cân, vì nó không thể thực hiện liên tục được. Cho nên cần kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện.
Bên cạnh những lợi ích của xông hơi mang lại thì nó cũng mang đến rủi ro nếu như chúng ta áp dụng không đúng cách. Những rủi ro khi xông hơi bao gồm:
- Mất nước và điện giải: Đây là vấn đề thường gặp nhất khi xông hơi. Bởi hơi nóng của nước sẽ tác động tới da gây giãn nở các lỗ chân lông và gây tiết mồ hôi. Do đó, nếu lạm dụng việc xông hơi có thể khiến cơ thể mất quá nhiều nước qua đường mồ hôi và kèm theo đó là mất các chất điện giải. Tình trạng này sẽ gây ra tình trạng chóng mặt, choáng váng, nguy hiểm hơn là sốc giảm khối lượng tuần hoàn.
- Gây mệt mỏi: Nhiệt độ cao của phòng xông hơi có thể tạm thời làm tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu lưu thông và tăng chuyển hoá cơ bản. Khi cơ thể chưa quen với tình trạng tăng chuyển hoá cơ bản và tiêu hao mức năng lượng lớn sẽ làm cho cơ thể thấy mệt mỏi. Đặc biệt với những người có nền sức khỏe không tốt thì sẽ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
- Hạ huyết áp: Xông hơi làm mất nước và làm giãn mạch dưới da đều gây ra tác dụng hạ huyết áp. Với những người có vấn đề về tim mạch thì tình trạng này càng nguy hiểm tới sức khoẻ. Cho nên nếu chưa quen hoặc có bệnh lý nền nên hạn chế thời gian xông hơi ít hơn so với người khoẻ mạnh.
- Khô da: Khi gặp nhiệt độ cao thì da của bạn sẽ dễ bị mất nước hơn. Do đó nếu như xông hơi quá nhiều lần hoặc xông hơi trong thời gian dài sẽ làm cho da bị khô, tróc vảy và ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
- Ảnh hưởng tới hoạt động của tinh trùng: Tinh trùng không thể phát triển và sinh sống trong môi trường có nhiệt độ cao. Cho nên nếu nam giới thường xuyên xông hơi hoặc kéo dài thời gian xông hơi quá lâu có khả năng ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng của người đàn ông. Chính vì vậy, mà nam giới đang muốn có con nên hạn chế những nơi có nhiệt độ cao, không nên mặc quần quá chật gây tăng nhiệt độ vùng sinh dục làm cho tinh trùng không phát triển được.
Xem ngay: Xông hơi có giảm cân không?
2. Xông hơi nhiều có tốt không?
Xông hơi nhiều có tốt không? Nhiều người cho rằng việc xông hơi nhiều có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe và còn làm dụng việc xông hơi nhằm mục đích giảm cân. Thực tế không đúng như vậy, lạm dụng xông hơi quá nhiều có thể gây ra nhiều rủi ro về sức khoẻ như mất nước, khô da, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng...
Để xông hơi mang lại hiệu quả tối ưu thì tối đa bạn chỉ nên xông hơi 2 lần 1 tuần. Hoặc tốt nhất bạn chỉ nên xông hơi 1 lần khi bị cảm mạo để giúp điều trị bệnh.
3. Làm sao để xông hơi an toàn?
Để xông hơi an toàn bạn cần lưu ý: Những đối tượng không nên xông hơi: Những người cơ thể suy nhược, mới ốm dậy, uống rượu, vừa ăn no, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt, người đang bị sốt cao. Người cao tuổi và người mắc bệnh lý nền cần lưu ý về thời gian xông hơi.
Cách xông hơi an toàn theo các bước bao gồm:
Bước 1: Nếu cơ thể cảm thấy không sạch, bạn nên tắm bằng nước ấm cho cơ thể sạch sẽ trước khi xông hơi.
Bước 2: Xông hơi với nước phù hợp như nước xông thảo dược hay nước xông thêm tinh dầu...trong quá trình xông hơi bạn nên dùng một khăn khô để lau mồ hôi và nên bổ sung nước trong khi xông nếu như mồ hôi ra nhiều. Thời gian xông hơi không nên vượt quá 20 phút đối với những người khoẻ mạnh và nên ít hơn với những người có các vấn đề về sức khỏe.
Bước 3: Sau khi xông hơi bạn tuyệt đối không tắm hay dùng nước để lau cơ thể. Chỉ lau khô rồi mặc quần áo kín đáo và nên ăn một chút cháo loãng, uống nước gừng hay nước ấm để bổ sung lại lượng nước đã mất.
- Chỉ nên xông hơi từ 1 đến 2 lần mỗi tuần dù bạn sử dụng bất kỳ hình thức nào. Tại nhà hay để các cơ sở xông hơi thì cũng chỉ nên thực hiện vừa đủ thì mới mang lại hiệu quả tối ưu.
- Tránh xông hơi ở nhiệt độ quá cao, nhiệt độ thích hợp là khoảng 45 độ C. Nếu xông ở nhiệt độ cao sẽ khiến cơ thể dễ bị mất nước hơn và khi tăng nhiệt độ quá mức có thể dẫn tới tình trạng say nóng.
- Những ngày mùa hè nắng nóng nên hạn chế việc xông hơi và nếu cần thiết thì nên rút ngắn thời gian.
- Cần nắm rõ các triệu chứng bất thường có thể xảy ra khi xông hơi như: khô miệng, khát nước, mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, đau đầu...nếu có những triệu chứng đó cần phải ngừng việc xông hơi, lau khô người, uống nước ấm và nghỉ ngơi để tránh tình trạng này nặng thêm.
Xông hơi có thể giúp điều trị bệnh và tốt cho cơ thể nhưng nếu làm sai cách thì không chỉ không giúp trị bệnh, mà còn gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Cho nên cần sử dụng đúng và không lạm dụng xông hơi để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.