Hiện nay, có rất nhiều phương pháp khác nhau được lựa chọn để điều trị sẹo, trong đó thuốc trị sẹo là một trong những phương pháp phổ biến nhất. Tuy nhiên, việc dùng không đúng loại thuốc cũng như cách sử dụng sẽ khiến cho việc điều trị không hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách bôi thuốc chống sẹo đúng cách để giúp quá trình liền sẹo nhanh chóng.
1. Thời điểm “vàng” để bôi thuốc trị sẹo là khi nào?
Thuốc bôi trị sẹo là sản phẩm bôi ngoài da có công dụng hỗ trợ điều trị nhiều loại sẹo như sẹo rỗ, sẹo thâm, sẹo lõm, sẹo lồi.
Sau khi cơ thể có vết thương, sẽ kích thích cơ chế tự làm lành vết thương. Quá trình tạo ra các vết sẹo diễn ra qua 2 giai đoạn như sau:
- Vết thương sưng, viêm, kháng khuẩn: Vết thương dù lớn hay nhỏ đều bị sưng viêm trong giai đoạn đầu sau khi bị thương. Ở thời điểm này, vết thương ửng đỏ, sưng tấy do bạch cầu trong cơ thể tập trung tại vị trí miệng của vết thương để tiêu diệt những vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tiếp đó, cơ thể sẽ tự tạo ra các tế bào và mô da mới nhằm để giúp vết thương được chữa lành. Vùng miệng vết thương sẽ hình thành nên một lớp vảy cứng có màu đỏ sẫm nhằm ngăn ngừa bụi bẩn và vi khuẩn từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào vùng da bị tổn thương.
- Tái tạo vùng da bị thương: Trong quá trình đóng vảy, lớp da non bên dưới cũng đồng thời được hình thành. Cùng thời điểm đó, lớp vảy sẫm màu được hình thành từ trước sẽ bị bong ra và để lộ rõ lớp da non đang trong quá trình hình thành. Trong khoảng thời gian từ 40 đến 60 ngày sau khi lớp vảy bong ra là thời gian hình thành sẹo mãnh liệt nhất. Đây cũng là thời điểm “vàng” để bôi thuốc trị sẹo nhằm giảm sự hình thành sẹo xấu sau này.
Lý do nên bôi thuốc trị sẹo vào thời điểm vàng là do thời điểm này vết thương bong lớp vảy sẫm màu và bắt đầu lên da non. Tại thời điểm này, các tế bào da ở vết thương rất cần sự tổng hợp collagen ở mức độ vừa phải, để giúp làm lành vết thương, tránh tăng sinh collagen quá mức gây nên hậu quả là sẹo lồi. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn mà vùng vết thương bắt đầu hấp thu các dưỡng chất cần thiết cho da để giúp da tái tạo lớp da mới mạnh mẽ nhất nên các dưỡng chất chứa trong các thuốc chống sẹo góp phần làm lành da, tăng khả năng phục hồi vết thương và hạn chế việc hình thành các sẹo xấu.
2. Cách bôi thuốc chống sẹo để đạt hiệu quả cao nhất
Dưới đây là cách bôi thuốc chống sẹo đảm bảo hiệu quả trị sẹo và chăm sóc da đúng cách:
- Chọn loại thuốc trị sẹo phù hợp với tình trạng da.
- Sử dụng thuốc trị sẹo có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng uy tín.
- Rửa tay và làm sạch vết sẹo trước khi bôi thuốc trị sẹo.
- Nên massage nhẹ nhàng vùng da được bôi thuốc để giúp thuốc được thẩm thấu vào vết sẹo tốt hơn.
- Bôi thuốc trị sẹo theo hướng dẫn của chuyên gia hoặc bác sĩ, thông thường thuốc bôi trị sẹo thường được bác sĩ chỉ định bôi 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối sau khi bề mặt vết sẹo được làm sạch.
- Thuốc bôi trị sẹo nên được sử dụng sau bước thoa serum, kem dưỡng ẩm trong chu trình dưỡng da. Điều này giúp da được bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết và tăng độ thẩm thấu tốt hơn trong quá trình điều trị sẹo.
- Nên bôi thuốc trị sẹo vào đúng thời điểm vàng lúc da non, ở giai đoạn lành thương và đáy sẹo chưa xơ hóa, mới hình thành để việc điều trị sẹo đạt hiệu quả nhất. Tuy nhiên cần lưu ý với các vết thương hở chưa liền da hoặc đang trong giai đoạn rỉ dịch thì nên bôi thuốc chống sẹo theo đúng chỉ định của bác sĩ. Thông thường sẽ sử dụng các thuốc bôi dạng nước hoặc gel, tránh việc thoa thuốc trị sẹo dạng kem hoặc mỡ trong giai đoạn này.
- Người bệnh nên kết hợp một chế độ ăn khoa học, dinh dưỡng. Bổ sung nhiều vitamin, vi khoáng chất... nhằm thúc đẩy quá trình liền sẹo và tái tạo da non. Tuy nhiên, phải tránh ăn một số thức ăn như rau muống, nếp... vì những thực phẩm này thường dễ gây sẹo lồi.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể nhằm hạn chế sự mất nước ở mô sẹo.
- Bảo vệ vết sẹo tránh khỏi ánh nắng mặt trời trực tiếp, vì lúc này da non mới hình thành nên rất nhạy cảm, Nếu cho tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng dễ gây sậm màu da và hình thành sẹo thâm gây mất thẩm mỹ.
- Không nên bôi thuốc trị sẹo lệch thời điểm vàng. Tức là bôi thuốc chống sẹo vào lúc vết thương chưa lành hẳn, còn chỗ hở trên da. Nếu bôi thuốc trị sẹo vào thời điểm này không những không có tác dụng lành sẹo mà còn có thể gây nhiễm trùng vết thương khiến tình trạng tồi tệ hơn. Hoặc nếu bôi thuốc chống sẹo sau thời gian hình thành sẹo quá lâu thì cần có thời gian điều trị sẹo lâu hơn mới có hiệu quả.
- Chăm sóc đúng cách vùng da sẹo trong thời gian điều trị: Với loại sẹo lồi, điều quan trọng nhất là tránh sờ nắn, đụng chạm hay các tác động chà xát lên vết sẹo, vì đây là yếu tố kích thích quan trọng làm vết sẹo tiến triển không ngừng và ngày càng nặng lên. Với dạng sẹo thâm, hoặc những dạng sẹo chấn thương đang trong giai đoạn kéo da non, cần tránh nắng tốt bằng cách sử dụng kem chống nắng, thuốc uống chống nắng hay che nắng kỹ vùng da đang điều trị với thuốc chống sẹo. Nếu không đảm bảo sự bảo vệ này, vết sẹo dễ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời dễ dẫn đến màu sắc ngày càng sạm hơn.
- Điều trị sẹo là một quá trình đòi hỏi cần nhiều thời gian và kiên trì, vì vậy cần tuân thủ đúng theo liệu trình điều trị bởi không có loại kem trị sẹo nào có thể có tác dụng ngay tức thì.
Trên đây là các thông tin về hướng dẫn cách bôi thuốc trị sẹo đúng cách. Việc lựa chọn đúng loại thuốc bôi trị sẹo cũng như tuân thủ hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng cũng là một yếu tố cần thiết để mang lại hiệu quả trị sẹo cao và an toàn nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.