Hướng dẫn bằng hình ảnh về hội chứng mệt mỏi mãn tính

Mệt mỏi mãn tính là bệnh đang có tỷ lệ người mắc tăng cao trong những năm gần đây ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tình trạng này gây ra nhiều ảnh hưởng trong công việc và sinh hoạt và có nguy cơ dẫn đến trầm cảm, tự tách mình với thế giới bên ngoài và suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc những thông tin về hội chứng mệt mỏi mãn tính.

1. Hội chứng mệt mỏi mãn tính là gì?

Hội chứng mệt mỏi mãn tính có tên gọi trong tiếng anh là Chronic Fatigue Syndrome (CFS) là một căn bệnh phức tạp. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng này mất khả năng hoàn toàn kèm với các triệu chứng suy nhược mệt mỏi và hàng loạt các biểu hiện khác. Đặc trưng của CFS là mệt mỏi nghiêm trọng đến mức gây cản trở các hoạt động hàng ngày và không thể thuyên giảm khi nghỉ ngơi trên giường.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng mệt mỏi mãn tính

Cho đến nay thì nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ nhưng có nhiều giả thuyết đặt ra CFS có liên quan đến nhiều yếu tố như nhiễm virus, nhiễm độc. Ngoài ra, phản ứng quá mức của hệ miễn dịch cũng được xem như là nguyên nhân của bệnh. Có một số nguyên nhân khác như:

  • Bệnh nhân sau chấn thương vùng đầu và những vị trí khác trên cơ thể, bệnh nhân sau phẫu thuật.
  • Tình trạng stress kéo dài do có liên quan đến hormone cortisol và hormone sinh dục nữ với bệnh này.
  • Sử dụng các thuốc thuộc nhóm beta blockers, thuốc chống trầm cảm hoặc điều trị kháng sinh dài ngày.
  • Hoạt động thể lực quá mức trong một thời gian dài.
  • Hội chứng mệt mỏi vô căn (Idiopathic chronic fatigue)

Mệt mỏi vô căn là một trong các nguyên nhân gây ra hội chứng mệt mỏi mãn tính
Mệt mỏi vô căn là một trong các nguyên nhân gây ra hội chứng mệt mỏi mãn tính

3. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh mệt mỏi mãn tính là:

  • Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, giới tính, chủng tộc khác nhau.
  • Nữ mắc bệnh nhiều hơn nam với tỷ lệ 4:1 và xảy ra ở độ tuổi từ 25 đến 45 tuổi. Đôi khi cũng có thể gặp ở trẻ em hoặc người cao tuổi.
  • Bệnh có tỷ lệ mắc cao ở các nước đang phát triển.

4. Hội chứng mệt mỏi mãn tính có triệu chứng gì?

Hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể nhận biết qua những dấu hiệu sau đây:

4.1. Mệt mỏi dữ dội

Đa phần các bệnh nhân đều bắt đầu cảm thấy uể oải và kéo dài một thời gian rất lâu sau đó với khoảng thời gian ít nhất 6 tháng. Tình trạng mệt mỏi sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh thực hiện các hoạt động gắng sức về thể chất hoặc tinh thần. Điều này có thể dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ và gây ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sức khỏe.

4.2. Đau tái phát

Bệnh nhân mắc CFS có thể kèm theo những cơn đau ở nhiều các cơ quan khác nhau như đau đầu, đau họng, đau cơ và đau khớp. Các khớp có thể bị đau mà không có dấu hiệu đỏ hoặc sưng. Nguyên nhân của những triệu chứng này cho đến nay vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng cơn đau thường có thể được kiểm soát bằng thuốc hoặc phương pháp vật lý trị liệu.

4.3. Một số triệu chứng khác

Ngoài mệt mỏi và đau đớn là hai triệu chứng phổ biến, những người mắc bệnh mệt mỏi mãn tính có thể gặp phải như:

  • Suy giảm trí nhớ
  • Mất tập trung trong học tập hoặc công việc
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Suy nhược cơ thể
  • Chóng mặt

Mệt mỏi mãn tính có thể gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ cho người bệnh
Mệt mỏi mãn tính có thể gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ cho người bệnh

4.4. Hội chứng mệt mỏi mãn tính ở trẻ em

CFS rất hiếm gặp ở trẻ em và chỉ phổ biến ở thanh thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành. Có một điều may mắn là trẻ em mắc CFS có nhiều khả năng cải thiện hơn những bệnh nhân lớn tuổi. Nếu không may con bạn được chẩn đoán mắc CFS, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa để tạo một chương trình quản lý và tập thể dục cho từng cá nhân. Ngoài ra, nên tìm những biện pháp mang tính xây dựng để trẻ có thể dễ dàng vượt qua.

5. Chẩn đoán hội chứng mệt mỏi mãn tính

Hiện nay chưa có xét nghiệm chẩn đoán chính xác cho CFS, nhưng bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu hoặc điện não đồ để loại trừ các tình trạng khác. CFS được chẩn đoán với các triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi nghiêm trọng đã kéo dài hơn 6 tháng, không được chẩn đoán bởi một tình trạng khác và về cơ bản không được giảm bớt khi nghỉ ngơi.
  • Cảm giác khó chịu sau các hoạt động gắng sức mà lẽ ra không gây ra vấn đề gì trước khi bị bệnh.
  • Ngủ không ngon giấc hoặc rối loạn giấc ngủ.
  • Suy giảm nhận thức.
  • Cơ thể mệt mỏi ở tư thế đứng và cảm giác tốt hơn nhiều khi ngồi xuống

CFS có xu hướng diễn ra theo một quy luật tuân có tính chu kỳ. Các triệu chứng thường diễn ra với trình tự gồm đầu tiên là giai đoạn mệt mỏi dữ dội, sau đó là giai đoạn khỏe mạnh. Hầu hết những người bị CFS trải qua các triệu chứng trầm trọng hơn sau khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần gắng sức và nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để xác định mức độ hoạt động phù hợp với bạn.

6. Các phương pháp điều trị hội chứng mệt mỏi mãn tính

Đến nay vẫn chưa có cách chữa khỏi CFS và không có loại thuốc theo toa nào đặc trị căn bệnh này. Có những phương pháp điều trị giúp làm giảm các triệu chứng như đau hoặc chất lượng giấc ngủ kém.

6.1. Sử dụng thuốc

Thuốc chủ yếu được sử dụng để giảm các triệu chứng, chẳng hạn như khó ngủ và đau mãn tính. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm ba vòng giúp giảm đau và cải thiện giấc ngủ. Cần lưu ý với liều lượng thấp, loại thuốc này không có tác dụng điều trị trầm cảm, chỉ có tác dụng gây ngủ và giảm đau. Ngoài ra, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) cũng có thể giúp giảm đau. Cần lưu ý trước khi sử dụng, hãy chắc chắn hỏi bác sĩ về lợi ích và tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào ngay cả các thuốc không kê đơn.

6.2. Tham vấn các chuyên gia

Chuyên gia tư vấn có thể giúp bạn đối phó với gánh nặng mà hội chứng mệt mỏi mãn tính gây ra. Mặc dù một số nghiên cứu đã kết luận rằng một hình thức trị liệu cụ thể được gọi là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) có thể hữu ích, các câu hỏi quan trọng trọng đã được đặt ra về việc tiến hành các nghiên cứu lớn nhất này.

6.3. Liệu pháp bổ sung

Các phương pháp điều trị bổ sung, đôi khi được gọi là các liệu pháp thay thế dường như đã giúp một số bệnh nhân kiểm soát cơn đau do CFS gây ra. Các liệu pháp này bao gồm kéo giãn cơ, các bài tập săn chắc, massage, thái cực quyền, yoga, thủy liệu pháp và các kỹ thuật thư giãn. Ngoài ra, châm cứu cũng là liệu pháp y học cổ truyền có tác dụng lớn điều trị cơn đau.

6.3. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng

Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng bổ sung các chất giàu axit béo omega-3 như dầu cá, có thể hữu ích ở những người mắc CFS. Cần lưu ý rằng các chất bổ sung có thể xảy ra tương tác với các loại thuốc được kê đơn gây giảm tác dụng thuốc hoặc gây hại cho cơ thể. Do đó, hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng.

6.4.Cảnh giác hiện tượng lừa đảo

Hiện nay có xuất hiện nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là bổ sung dinh dưỡng và vitamin để điều trị chứng mệt mỏi mãn tính. Hãy tỉnh táo trước những lời quảng cáo này và ghi nhớ rằng: Thứ nhất, việc sản xuất các thực phẩm chức năng không được quy định ở mức độ tương tự như thuốc kê đơn, kết quả là một số có thể chứa các tạp chất nguy hiểm. Thứ hai, hầu như không có thực phẩm chức năng nào đã được thử nghiệm trong các nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt liên quan đến một số lượng lớn người.


Người bệnh nên gặp bác sĩ để được thăm khám về vấn đề mệt mỏi mãn tính
Người bệnh nên gặp bác sĩ để được thăm khám về vấn đề mệt mỏi mãn tính

7. Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính

7.1. Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng

Các bác sĩ khuyến nghị một chế độ ăn uống cân bằng cho những bệnh nhân mắc CFS, nhưng không có chiến lược ăn kiêng cụ thể nào được chấp nhận rộng rãi. Thực phẩm giàu axit béo thiết yếu đặc biệt là axit béo omega-3 có chứa trong các loại hạt, hạt và cá nước lạnh có thể làm giảm mệt mỏi. Một số khác nhận thấy các triệu chứng của họ có thể nghiêm trọng hơn bởi một số loại thực phẩm hoặc hóa chất, bao gồm đường tinh luyện, caffein và rượu.

7.2. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Hầu hết những người bị CFS đều bị rối loạn giấc ngủ khiến họ thức giấc gần như bất ổn vào mỗi buổi sáng, đôi khi thức giấc mà không có lý do rõ ràng. Ngoài ra, những người mắc CFS có thể khó ngủ, tay chân không yên và có nhiều giấc mơ. Để tạo thói quen ngủ lành mạnh, bạn nên thiết lập thói quen đi ngủ đều đặn bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

7.3. Mối liên hệ giữa CFS và trầm cảm

CFS không phải là một bệnh tâm thần và cũng không phải là một dạng trầm cảm. Tuy nhiên, có đến một nửa số lượng bệnh nhân CFS trở nên trầm cảm trong suốt thời gian mắc bệnh. Đây có thể là kết quả của việc khó thích nghi với cuộc sống với tình trạng suy nhược mãn tính. Nếu một người mắc CFS cũng phát triển chứng trầm cảm, bệnh này thường đáp ứng tốt với điều trị. Do đó, kiểm soát trầm cảm có thể góp phần đẩy lùi CFS.

Mệt mỏi mãn tính ngày càng có tỷ lệ người mắc cao do nhiều nguyên nhân gây ra. Việc chăm sóc và điều trị bệnh sớm sẽ hạn chế được các nguy cơ biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe