Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bạn có bị nổi mụn vùng mặt dưới, dọc theo xương hàm và cổ lặp đi lặp lại dù đã thử tất cả các phương pháp trị mụn? Bạn đã từng uống thuốc kháng sinh để điều trị mụn trứng cá và thất vọng với kết quả chưa? Bạn có đang vật lộn để loại bỏ mụn trứng cá trên ngực hoặc lưng?
1. Mụn nội tiết ở phụ nữ
Mụn nội tiết là tình trạng xuất hiện nhiều mụn trứng cá trên trán, mặt dưới, cổ, xương quai hàm... do sự thay đổi bất thường nồng độ các loại hormone trong cơ thể, nổi bật là sự thay đổi hormone ở tuổi dậy thì.
Ở nữ giới, mụn nội tiết thường xuất hiện vào chu kỳ kinh nguyệt và giai đoạn tiền mãn kinh hay mãn kinh, ngoài ra hội chứng buồng trứng đa nang dẫn đến sự tăng quá mức nồng độ hormone nam giới androgen cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mụn nội tiết ở nữ giới. Ước tính có khoảng 50% phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 29 gặp vấn đề với mụn nội tiết.
2. Liệu pháp hormone điều trị mụn trứng cá ở phụ nữ
Bất kỳ loại thuốc nào tác động đến hormone đều được gọi là liệu pháp hormone. Hai liệu pháp hormone có thể làm sạch mụn trứng cá hiệu quả nhất ở phụ nữ là:
- Viên uống tránh thai hàng ngày
- Spironolactone: Một loại thuốc lợi tiểu có tác dụng giữ Kali.
2.1. Cơ chế hoạt động của liệu pháp hormone
2.1.1. Viên uống tránh thai hàng ngày
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự hiệu quả của việc uống thuốc tránh thai để điều trị mụn trứng cá, mụn đầu đen, mụn đầu trắng hay mụn viêm
Trên thực tế, một số loại thuốc tránh thai đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt như một trong số những biện pháp để điều trị mụn trứng cá. Đây được coi là phương pháp an toàn đối với đa số phụ nữ, tuy nhiên nó cũng chống chỉ định với một số đối tượng. Do đó nếu muốn áp dụng phương pháp này, cách tốt nhất là hỏi ý kiến và điều trị dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.
2.1.2. Spironolactone
Spironolactone không được chỉ định trong điều trị mụn trứng cá ở nam giới do các tác dụng phụ như vú to. Tuy nhiên đây lại là một trong những liệu pháp được áp dụng phổ biến và mang lại hiệu quả cao trong điều trị mụn trứng cá và rậm lông ở nữ giới.
Sử dụng kết hợp cả spironolactone lẫn thuốc tránh thai có thể tăng hiệu quả điều trị mụn. Một lợi thế khác của việc kết hợp cả hai liệu pháp trên liên quan đến tác dụng phụ của spironolactone. Spironolactone chống chỉ định sử dụng cho phụ nữ có thai vì có thể dẫn đến tình trạng dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Do đó sử dụng kết hợp với thuốc tránh thai là lựa chọn hợp lý.
Spironolactone cũng có thể được sử dụng mà không cần kết hợp với thuốc tránh thai. Nếu độ tuổi người phụ nữ điều trị bằng liệu pháp này từ 35 tuổi trở lên, thuốc tránh thai có thể không cần thiết. Ngoài ra sử dụng spironolactone không kèm với thuốc tránh thai cũng được các bác sĩ khuyến cáo trong trường hợp người bệnh đang có một số bệnh lý khác như huyết khối (cục máu đông) hay đột quỵ.
Khi sử dụng đơn độc, spironolactone vẫn cho hiệu quả cao. Xem xét hồ sơ bệnh án của 85 người phụ nữ điều trị bằng spironolactone, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng 1/3 số phụ nữ này đã hoàn toàn sạch mụn, 1/3 giảm rõ rệt tình trạng mụn và chỉ có 7% số phụ nữ không cải thiện được mụn. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy spironolactone có khả năng giảm từ 50 đến 100% tình trạng mụn trứng cá.
Điều quan trọng cần biết trước khi áp dụng liệu pháp này là spironolactone là một loại thuốc lợi tiểu, do đó người bệnh sẽ đi tiểu nhiều hơn trong quá trình điều trị. Tuy nhiên điều này thường không phải là vấn đề quá nghiêm trọng.
Vì spironolactone là thuốc lợi tiểu giữ kali nên cần thận trọng tình trạng tăng kali máu nguy hiểm, cần hạn chế dùng thực phẩm hoặc viên uống bổ sung có chứa kali khi điều trị bằng spironolactone.
2.2. Sử dụng liệu pháp hormone như thế nào là hợp lý
Điều đầu tiên cần ghi nhớ đó là các loại thuốc sử dụng trong liệu pháp hormone đều cần sự chỉ dẫn của các bác sĩ và sự kiên trì của người bệnh trong quá trình điều trị.
Sau khi kiểm tra tình trạng mụn trứng cá và thu thập một số thông tin cần thiết về các vấn đề sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và quyết định có sử dụng liệu pháp hormone hay không. Bác sĩ cũng sẽ khai thác một số vấn đề sức khỏe mà người bệnh đang mắc phải như:
- Bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, cục máu đông, đau nửa đầu, ung thư
- Các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang sử dụng
- Những loại phẫu thuật người bệnh từng trải qua
- Tiền căn gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị ung thư, bệnh thận, bệnh tim mạch.
Ngoài ra người bệnh cũng được kiểm tra huyết áp, làm xét nghiệm máu và một số loại xét nghiệm cần thiết khác để đánh giá trước điều trị.
Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp nội tiết tố, bạn cũng cần thường xuyên tái khám theo lịch hẹn và theo dõi tình hình với bác sĩ da liễu. Không giống liệu pháp sử dụng thuốc tránh thai, liệu pháp spironolactone cần tăng dần liều điều trị, do đó người bệnh sẽ cần gặp lại bác sĩ da liễu sau 4 đến 6 tuần từ khi bắt đầu dùng thuốc.
Giống như các phương pháp điều trị mụn trứng cá khác, liệu pháp hormone cũng cần một khoảng thời gian nhất định để người bệnh nhận thấy được hiệu quả. Trung bình, hiệu quả điều trị sẽ xuất hiện sau:
- Liệu pháp thuốc tránh thai: sau 2-3 tháng
- Liệu pháp spironolactone: mụn và tăng tiết bã nhờn sẽ được cải thiện sau vài tuần.
Liệu pháp hormone có thể duy trì thời gian dài và không cần kết hợp các phương pháp trị mụn khác.
2.3. Tác dụng phụ của liệu pháp hormone
Tùy vào liệu pháp hormone được áp dụng mà các tác dụng phụ của chúng cũng khác nhau.
2.3.1. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ:
- Xuất hiện các cục máu đông
- Đau thắt ngực
- Tăng huyết áp
Tuy nhiên những tác dụng phụ này ít xảy ra ở những người phụ nữ khỏe mạnh. Trên thực tế, nguy cơ hình thành các cục máu đông trong giai đoạn thai kỳ và ngay sau khi sinh con cao hơn so với việc sử dụng thuốc tránh thai.
Ngoài ra dùng thuốc tránh thai cũng có thể khiến dẫn đến tình trạng nám, sạm da. Cần tránh nắng kỹ để giảm nguy cơ này.
Một tác dụng phụ khác là xuất huyết âm đạo, có thể được giảm thiểu nếu bạn uống thuốc đúng giờ mỗi ngày.
2.3.2. Tác dụng phụ của liệu pháp spironolactone
Liệu pháp spironolactone mà không dùng thêm liệu pháp thuốc tránh thai, có thể gặp một số tác dụng phụ phổ biến như:
- Đau nhức cơ, chuột rút
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Vú căng và to lên
Những tác dụng này có thể giảm khi sử dụng kết hợp cả hai liệu pháp.
Một số tác dụng phụ khác cũng có thể gặp khi dùng spironolactone bao gồm mệt mỏi, đau đầu và chóng mặt.
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn ở những con được cho uống spironolactone liều rất cao. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng chứng minh điều này có xảy ra đối với con người hay không.
Một nghiên cứu với 1485 bệnh nhân sử dụng spironolactone và được theo dõi trong khoảng thời gian từ 3 đến 7 năm chỉ có 9 trường hợp mắc ung thư vú được phát hiện. Tỷ lệ này không có sự khác biệt so với tỷ lệ mắc ung thư vú trong cộng đồng do đó dường như spironolactone không làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú trên người. Những nghiên cứu khác cũng cho kết luận tương tự.
Liệu pháp hormone điều trị mụn trứng cá đang ngày càng trở lên phổ biến bởi những tác dụng mà chúng mang lại. Để thu được kết quả tốt nhất từ các liệu pháp hormone, người bệnh cần kiên trì, chú ý uống thuốc đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ về việc điều trị mụn trứng cá, thông báo ngay cho các bác sĩ điều trị nếu gặp phải bất kỳ một tác dụng phụ nào của thuốc. Liệu pháp nội tiết tố là lựa chọn của nhiều phụ nữ bị mụn trứng cá, tuy nhiên đây không phải lựa chọn duy nhất. Các bác sĩ da liễu sẽ chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: aad.org, NCBI