Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Phá thai là phương pháp chấm dứt thai kỳ bằng thuốc hoặc thủ thuật loại túi thai ra khỏi tử cung của người phụ nữ. Có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý trong và sau phá thai của người phụ nữ , một trong những biến chứng nguy hiểm đó là trầm cảm.
1. Trầm cảm sau phá thai là gì?
Không chỉ những phụ nữ sau sinh mới phải đối mặt với trầm cảm, những phụ nữ sau khi phá thai cũng có thể gặp phải hậu quả đáng sợ này. Trầm cảm sau phá thai hoặc hội chứng stress sau nạo phá thai là khi thai kỳ bị chấm dứt một cách đột ngột, những hormone trong cơ thể phụ nữ như Oxytocin bị rối loạn đột ngột theo như vậy. Hiện tượng này cần rất nhiều thời gian để đưa cơ thể phụ nữ quay lại trạng thái ban đầu, vì vậy đã gây ra tình trạng trầm cảm vì phá thai.
2. Biểu hiện trầm cảm sau phá thai
Những dấu hiệu trầm cảm sau phá thai thường diễn ra từ từ và có thể người phụ nữ sẽ không nhận ra được chúng. Vì vậy, cần phải quan sát và chú ý thật kỹ, đồng thời không được chủ quan để nhận biết được những biểu hiện trầm cảm sau phá thai, bao gồm:
- Sau khi phá thai, những triệu chứng mang thai kéo dài như đầu ngực vẫn còn tiết dịch, chướng bụng, mệt mỏi nên những người phụ nữ này cảm thấy lo lắng và sợ hãi về việc phá thai không thành công. Thậm chí ở một số người phụ nữ còn có triệu chứng đau đầu sau khi phá thai, đau tức ngực và những rối loạn tiêu hóa khiến cho tâm lý ngày càng hoang mang hơn.
- Người phụ nữ sẽ có những dấu hiệu của hội chứng rối loạn tâm lý sau phá thai, cụ thể là cảm giác tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng vì đã vứt bỏ đứa con của mình. Điều này khiến cho tâm lý của họ không ổn định, dẫn đến hội chứng stress sau nạo phá thai hoặc sẩy thai và trầm cảm. Những biểu hiện dễ thấy của tình trạng này là dễ khóc, dễ cáu giận, khóc nhiều, lo lắng, sợ hãi và cảm giác tội lỗi.
- Những biểu hiện như buồn chán, khí sắc giảm, giảm tập trung, hay quên, cơ thể mệt mỏi, ít hoạt động cũng gặp ở những phụ nữ trầm cảm sau phá thai.
- Phụ nữ trầm cảm vì phá thai sẽ bị mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ăn uống không ngon miệng nên sút cân.
- Nghiêm trọng hơn, một số phụ nữ trầm cảm sau phá thai thường xuyên suy nghĩ và có hành vi muốn tự sát.
3. Phòng ngừa trầm cảm sau phá thai
Để ngăn ngừa tình trạng trầm cảm vì phá thai, cần có sự cố gắng từ người phụ nữ và cả những hỗ trợ chăm sóc tinh thần từ người thân của họ, bao gồm:
- Người thân, đặc biệt là người chồng nên ở bên cạnh, dành thời gian động viên, chia sẻ thường xuyên cũng như quan tâm, chăm sóc đặc biệt và gần gũi lo lắng để giúp người phụ nữ vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
- Về phía người phụ nữ, cần phải đảm bảo ngủ đủ giấc bằng cách đi ngủ sớm và tránh lo âu. Nên tâm sự, chia sẻ cùng người thân, bạn bè để suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn trong cuộc sống.
- Phụ nữ nên giải trí, thư giãn lành mạnh để nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống với cộng đồng.
4. Điều trị trầm cảm sau phá thai
- Khi phụ nữ đã rơi vào tình trạng trầm cảm sau phá thai, họ cần đến gặp bác sĩ và chuyên gia tâm lý để được điều trị hiệu quả bằng cách kết hợp liệu pháp tâm lý, thuốc chống trầm cảm và liệu pháp hormone.
- Đầu tiên, việc áp dụng liệu pháp tâm lý vẫn được ưu tiên hàng đầu để tránh sử dụng thuốc vì nó sẽ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ.
- Liệu pháp hormone là phương pháp sử dụng estrogen thay thế trong điều trị rối loạn hormone ở phụ nữ trầm cảm vì phá thai. Liệu pháp này có thể được kết hợp với thuốc chống trầm cảm để đạt được hiệu quả điều trị mong muốn.
Trầm cảm sau phá thai là biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của người phụ nữ và gia đình của họ. Vì vậy người phụ nữ cần lên kế hoạch cụ thể thời gian mang thai và hiểu rõ những kiến thức về quan hệ tình dục để phòng tránh việc mang thai không mong muốn và hạn chế phá thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.