Hồi sức bệnh nhân sau quá trình phẫu thuật tim mạch

Phẫu thuật tim là một phương pháp chữa trị cho bệnh nhân mắc phải các bệnh tim mạch, có thể thực hiện theo cách mổ hở hoặc mổ kín. Sau phẫu thuật tim, quan trọng là tiến hành theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và cung cấp chăm sóc sau phẫu thuật để phát hiện kịp thời bất thường và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nếu cần.

1. Mổ tim là gì?

Mổ tim là biện pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng trên những bệnh nhân gặp phải những vấn đề sức khỏe về tim mạch hoặc liên quan đến hệ tuần hoàn của con người. Mổ tim bao gồm 2 loại chính là mổ kín và mổ hở. Các kỹ thuật trong phương pháp có thể là thay van tim​, sửa chữa những bất thường của van tim, thiết lập cầu nối mạch vành... ​

Mổ tim kín có nghĩa là phương pháp mổ không cần đến việc chạy máy tim phổi nhân tạo, còn mổ tim hở thì cần đến sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo. Trong đó, mổ hở có sử dụng máy tim phổi nhân tạo là phương pháp phức tạp nhất, đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật khó khăn và bệnh nhân cũng cần được chăm sóc, theo dõi kỹ trong suốt quá trình phẫu thuật cũng như sau phẫu thuật. Mổ tim được xem là phương pháp điều trị khó thực hiện, đòi hỏi phải đầy đủ trang thiết bị hiện đại cũng như những bác sĩ trong nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia vào quá trình phẫu thuật như bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật và cả bác sĩ có chuyên môn về lĩnh vực tuần hoàn bên ngoài cơ thể.


Phẫu thuật tim mạch đòi hỏi kỹ thuật cao
Phẫu thuật tim mạch đòi hỏi kỹ thuật cao

Vì đây là một phẫu thuật có xâm lấn đến cơ quan quan trọng nhất của cơ thể con người nên sau phẫu thuật tim mạch, bệnh nhân cần được theo dõi và thực hiện một số phương pháp để phòng ngừa biến chứng sau phẫu thuật tim như tăng huyết áp sau phẫu thuật hoặc nhồi máu cơ tim sau mổ, cũng như giúp bệnh nhân có thể phục hồi lại sức khỏe của mình.

​​2. Các phương pháp mổ tim và nguy cơ khi mổ tim​

2.1 Các phương pháp mổ tim

Hiện nay, với sự tiến bộ trong lĩnh vực y học, nhiều phương pháp phẫu thuật tim mạch chuyên sâu để xử trí các trường hợp bệnh tim mạch phức tạp đã được phát triển:

● Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG - Coronary-Artery-Bypass-Grafting): Phương pháp này sử dụng động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh từ bệnh nhân để tạo đường thay thế cho các đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn. Nó tạo một con đường mới cho máu chảy đến cơ tim, đảm bảo lưu lượng máu cần thiết. CABG có thể bắc cầu nhiều đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn trong một lần phẫu thuật.

● Sửa chữa hoặc thay thế van tim: Để khắc phục các vấn đề về van tim, bác sĩ thực hiện phẫu thuật sửa chữa van hoặc thay thế bằng van nhân tạo hay van sinh học. Một lựa chọn an toàn khác có thể là các thủ thuật đặt ống thông.

● Cấy ghép máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim (ICD - Implantable Cardioverter Defibrillator): ICD là thiết bị nhỏ đặt dưới da để kiểm tra và điều trị rối loạn nhịp tim. Nó có khả năng gửi sốc điện để khôi phục nhịp tim bình thường khi cần.

● Phẫu thuật Maze: Phương pháp này tạo ra các con đường mới cho các tín hiệu điện của tim truyền qua để ngăn chặn rung nhĩ, loại rối loạn nhịp tim phổ biến.

● Ghép tim: Phẫu thuật này thay thế trái tim bệnh bằng trái tim khỏe mạnh từ một người hiến tặng đã qua đời. Đây là phương pháp cuối cùng cho trường hợp suy tim giai đoạn cuối.

● Sửa chữa túi phình (Aneurysm): Phình động mạch có thể được sửa chữa để ngăn chặn nguy cơ vỡ và chảy máu nguy hiểm.

● Dụng cụ hỗ trợ tâm thất (VAD - Ventricular Assist Device) hoặc tim nhân tạo (TAH - Total Artificial Heart): VAD là một bơm cơ học hỗ trợ chức năng của tim, trong khi tim nhân tạo thay thế cả hai buồng thất của tim.

● Ngoài các phẫu thuật truyền thống, những phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đang trở nên phổ biến hơn, bao gồm thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI), kẹp Clip trong bất thường valve hai lá (MitralClip), và mổ tim nội soi.

2.3. Nguy cơ khi mổ tim

Hầu hết các phẫu thuật tim mạch (mổ tim) đều là phẫu thuật lớn. Mặc dù thường đạt được kết quả tích cực, vẫn tồn tại một số nguy cơ quan trọng cần xem xét:

● Rủi ro chảy máu: Chảy máu là một biến chứng tiềm ẩn sau phẫu thuật tim, có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và yêu cầu can thiệp y tế để kiểm soát.

● Nguy cơ nhiễm trùng: Nguy cơ bị nhiễm trùng là một vấn đề quan trọng, và việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc vệ sinh là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ này.

● Tổn thương cơ quan nội tạng: Trong quá trình phẫu thuật tim, có nguy cơ tổn thương các cơ quan nội tạng như thận, gan, và phổi, có thể ảnh hưởng đến chức năng của chúng.

Nguy cơ đột quỵ: Đột quỵ là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau mổ tim, đặc biệt khi có vấn đề về dòng máu đến não.

● Nguy cơ tử vong: Mặc dù hiếm, nhưng tử vong là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau phẫu thuật tim.

Các nguy cơ này có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe ban đầu của bệnh nhân và quá trình phẫu thuật cụ thể. Bệnh nhân nên thảo luận kỹ về những nguy cơ này với đội ngũ y tế và tuân thủ mọi hướng dẫn để tối thiểu hóa rủi ro.

3. Nguyên nhân gây biến chứng tim mạch sau mổ

Sau phẫu thuật tim mạch (mổ tim), cần phải chăm sóc và hồi sức bệnh nhân sau phẫu thuật để có thể phát hiện sớm và điều trị một số biến chứng sau phẫu thuật tim. Nguyên nhân gây biến chứng tim mạch sau mổ là do tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi phẫu thuật không ổn định kèm theo phẫu thuật tác động lên cơ thể người bệnh một cách nặng nề khiến bệnh nhân dễ có nguy cơ mắc phải những biến chứng sau phẫu thuật tim, có thể trước khi phẫu thuật bệnh nhân đang trong tình trạng mắc phải một số bệnh lý tim mạch, suy tim nhưng chưa được điều trị hiệu quả nên thể trạng bệnh nhân trở nên suy kiệt, áp lực động mạch phổi tăng lên, mắc một số bệnh lý nguy cơ như tiểu đường, suy thận...

Ngoài ra, nguyên nhân khác dẫn đến các biến chứng sau mổ đó là tuổi của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nhỏ hơn 1 tuổi hoặc lớn hơn 80 tuổi thì có nguy cơ mắc phải các biến chứng nhiều hơn, đòi hỏi một chế độ chăm sóc đặc biệt và thường xuyên hơn. Một số biến chứng sau mổ thường gặp là cung lượng tim thấp, nhiễm khuẩn, bệnh lý về phổi, thần kinh...

4. Thời gian hồi phục

Thời gian hồi phục sau mổ tim có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại phẫu thuật, tình trạng sức khỏe ban đầu của bệnh nhân, tuổi tác và liệu pháp hồi phục cụ thể.


Thời gian hồi phục sau mổ tim tùy thuộc vào nhiều yếu tố
Thời gian hồi phục sau mổ tim tùy thuộc vào nhiều yếu tố

5. Hồi sức sau phẫu thuật tim

Khi chăm sóc cũng như hồi sức bệnh nhân sau phẫu thuật tim mạch (mổ tim) thì cần tuân theo một số nguyên tắc chính như sau:

● Duy trì các chức năng tuần hoàn ổn định, phù hợp với chỉ số huyết động sau mổ tim

● Theo dõi và phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường trên lâm sàng, chú ý về điện tim và huyết động của bệnh nhân.

● Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ điều trị có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết, có giá trị trong việc chẩn đoán và xác định nguyên nhân biến chứng.

● Thông qua tình trạng bệnh và kết quả cận lâm sàng để đánh giá xem phẫu thuật có hiệu quả hay không, có cần đổi phương pháp điều trị mới hay không.

● Điều trị ngăn ngừa nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.

6. Điều cần lưu ý sau mổ tim

Một số vấn đề chính cần lưu ý khi hồi sức bệnh nhân sau phẫu thuật mổ tim và phòng tránh các biến chứng sau phẫu thuật mổ tim đó là:

Xét nghiệm máu thường xuyên, nhất là thời gian Prothrombin và INR nhằm có cơ sở để điều chỉnh thuốc kháng đông sao cho phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Nếu máu của bệnh nhân loãng thì có thể bị xuất huyết, ngược lại nếu độ loãng của máu không đạt tiêu chuẩn thì có thể bị kẹt van tim cơ học dẫn đến tình trạng suy tim cấp, thậm chí tử vong. Thuốc kháng đông thường dùng có thể là Sintrom và Coumadin, duy trì liều lượng thích hợp sao cho chỉ số INR máu trong khoảng 2.5- 3.5, nếu chỉ số này vượt quá 8.9 thì cần điều chỉnh thuốc chống đông.

● Vì phải sử dụng thuốc chống đông nên khi hồi sức bệnh nhân sau phẫu thuật tim mạch cần chú ý đến vấn đề chảy máu. Dấu hiệu chảy máu sau phẫu thuật tim mạch đó là chảy máu đột ngột, đi cầu phân có màu đỏ hoặc đen, tiểu máu, đau nhức đầu dữ dội, hôn mê, choáng váng, chóng mặt, đau bụng, đau thắt lưng, ói máu tươi, xuất hiện vết bầm lan rộng dần, chảy máu mũi lượng nhiều, có dấu hiệu vàng da và vàng niêm mạc mắt...

● Tuyệt đối không dùng bù lượng thuốc chống đông quên sử dụng ngày hôm trước mà chỉ nên sử dụng đều đặn mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ.

● Không dùng thuốc Aspirin cho bệnh nhân vì có thể gây tăng lên tình trạng chảy máu.

● Không sử dụng bia rượu trong thời gian hồi sức.

● Không mang vác, thực hiện động tác nâng những vật nặng có khối lượng lớn hơn 4.5 kg hoặc những hoạt động có sử dụng sức kéo hoặc đẩy của tay.

● Khi vết mổ chưa lành thì không nên tắm bồn nhiều và không chà xát vào vết thương bằng xà phòng.

● Không lái xe trong thời gian 4- 6 tuần sau phẫu thuật.

● Khi nằm và ngồi thì không nên để chéo chân vì sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch dưới gối dẫn đến tình trạng chảy máu chậm.

● Không rặn khi đi cầu vì sẽ làm căng cơ, kết quả ảnh hưởng đến áp lực của tim trái đang trong quá trình hồi phục.

● Không hoạt động quá nhiều trong ngày mà chỉ nên làm việc nhẹ nhàng, chia nhỏ số lần thực hiện, có thời gian nghỉ ngơi để sức khỏe được hồi phục.

● Kiểm tra một số yếu tố thường xuyên như nhiệt độ cơ thể, cân nặng trong 1- 2 tuần đầu, nếu có tình trạng sốt trên 38.5°C kèm rét run và tăng cân thì cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để kịp thời xử lý.

● Tránh khỏi những lo lắng, suy nghĩ và căng thẳng trong cuộc sống vì nó sẽ khiến trái tim hoạt động nhiều hơn sau mổ tim.

● Căng thẳng

● Lo lẳng ,căng thẳng nó sẽ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của bạn

● Ăn uống, vận động theo chế độ phù hợp với cơ thể.

● Không hút thuốc lá và sử dụng một số chất kích thích như cà phê vì có thể làm tăng nhịp tim của bệnh nhân

● Học cách tự đếm nhịp tim của cơ thể bằng cách bắt mạch ở cổ tay là vị trí của động mạch quay để biết được mức độ hoạt động của cơ thể có phù hợp với sự phục hồi của hệ thống tim mạch trong cơ thể hay không.

● Người thân và bạn bè của người bệnh cũng nên động viên và giúp đỡ bệnh nhân trong thời gian hồi sức sau mổ tim vì giai đoạn này đòi hỏi một thời gian khá dài nên người bệnh có thể có tâm lý lo lắng, tự ti và kém hòa nhập với xã hội nên rất cần sự quan tâm, thấu hiểu của gia đình, bạn bè và xã hội.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe