Vi khuẩn ăn thịt người là một cái tên đáng sợ. Trên thực tế có nhiều loại vi khuẩn có thể gây ra hiện tượng “ăn thịt người”, và gần đây là sự nổi lên của cái tên Vibrio vulnificus.
1. Vi khuẩn ăn thịt người là gì?
Trên thực tế không có một loại vi khuẩn nào có thể ăn thịt người theo đúng nghĩa đen, mà cụm từ “vi khuẩn ăn thịt người” hay được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông về bản chất là các vi khuẩn gây hiện tượng viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis - NF). Viêm cân mạc hoại tử là một nhiễm khuẩn sâu dưới da không thường gặp, tốc độ tiến triển rất nhanh, có nguyên nhân do độc tố của vi khuẩn gây viêm dẫn tới phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ.
Vi khuẩn hay gây viêm cân mạc hoại tử nhất là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (group A beta hemolytic streptococcal - GABHS). Ngoài liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A còn nhiều loại vi khuẩn khác gây viêm cân mạc hoại tử, chẳng hạn như Vibrio vulnificus, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Klebsiella, Clostridium (Clostridium perfringens, Clostridium septicum,...), E. coli, Aeromonas hydrophila,...
Viêm cân mạc hoại tử thường được phân làm hai loại. Viêm cân mạc hoại tử loại I là do nhiễm khuẩn hỗn hợp (nhiễm nhiều loại vi khuẩn), thường kết hợp giữa một loại vi khuẩn yếm khí, kết hợp với một hoặc nhiều loại vi khuẩn yếm khí tùy nghi. Viêm cân mạc hoại tử loại II là do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, và giữa hai loại viêm cân mạc hoại tử thì viêm cân mạc hoại tử loại II chiếm đa số trường hợp. Tuy nhiên do hiện tượng thay đổi khí hậu, nước biển ấm lên phù hợp với sự sinh trưởng của Vibrio vulnificus nên người ta thấy sự gia tăng của các ca bệnh viêm cân mạc hoại tử có nguyên nhân là Vibrio vulnificus, khiến Vibrio vulnificus trở thành nhân tố được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây.
2. Vibrio vulnificus là vi khuẩn như thế nào?
Vibrio vulnificus là phẩy khuẩn gram âm có khả năng di động. Vibrio vulnificus là một trong các loài Vibrio (có khá nhiều loài Vibrio gây bệnh ở người, trong đó được biết đến nhiều nhất là Vibrio cholerae và Vibrio parahaemolyticus gây nhiễm trùng tiêu hóa cấp tính với biểu hiện là tiêu chảy nghiêm trọng), thuộc họ Vibrionaceae. Vibrio vulnificus thường thấy ở các vùng biển nước ấm và sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước từ 200C trở lên. Vibrio vulnificus không có mối liên quan với sự ô nhiễm. Ngoài viêm cân mạc hoại tử, Vibrio vulnificus còn có thể gây nhiễm khuẩn hệ thống tối cấp rất nghiêm trọng khi ăn các loại hải sản bị nhiễm khuẩn không được chế biến thích hợp (bao gồm tôm, cá, nghêu,... và đặc biệt là hàu sống), với tỉ lệ tử vong trung bình có thể lên tới 50%.
3. Đường lây nhiễm của vi khuẩn Vibrio vulnificus
Viêm cân mạc hoại tử là một nhiễm khuẩn sâu dưới da, do đó dễ nhận thấy để gây viêm cân mạc hoại tử Vibrio vulnificus sẽ đi vào cơ thể qua các vết thương hở. Bên cạnh đó như đã đề cập phía trên, ăn các loại hải sản bị nhiễm Vibrio vulnificus không được chế biến thích hợp cũng là một con đường lây nhiễm.
Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) của Hoa Kỳ thì những người có bệnh gan mạn tính hoặc có các vấn đề bệnh lý gây suy giảm miễn dịch cũng như đang sử dụng các thuốc điều trị gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cần hết sức cẩn thận trước Vibrio vulnificus, bởi có thể xảy ra nhiễm khuẩn nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
4. Vibrio vulnificus có phải là vi khuẩn phổ biến không?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cho biết trên toàn Hoa Kỳ có khoảng 95 ca nhiễm bệnh mỗi năm, trong đó có khoảng 85 trường hợp cần phải nhập viện với khoảng 35 bệnh nhân không qua khỏi.
Theo phát biểu của Sheri Hutchinson, người phát ngôn của Ban chăm sóc sức khỏe Florida thì trong năm 2014 có 11 ca nhiễm bệnh được báo cáo với 2 trường hợp tử vong ngày 25 tháng 7, còn trong năm 2013 có 41 trường hợp bệnh được báo cáo và 11 ca đã tử vong.
5. Những người nào có nguy cơ cao nhất, và làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ?
Những người có thói quen ăn sống các loại hải sản và những người có vết thương hở tiếp xúc với vùng nước biển ấm mà Vibrio vulnificus hiện diện là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, và những người có bệnh lí nền, đặc biệt là những người có bệnh gan mạn và suy giảm miễn dịch thậm chí còn đối mặt với nguy cơ cao hơn nữa.
Do đó nếu đang có vết thương hở hoặc tổn thương da thì không nên xuống nước, đồng thời không nên ăn sống các loại hải sản, đặc biệt là món hàu sống.
6. Các triệu chứng khi nhiễm Vibrio vulnificus là gì?
Những người ăn hải sản sống bị nhiễm Vibrio vulnificus có thể xuất hiện đột ngột các dấu hiệu và triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng.
Một vết thương hở bị Vibrio vulnificus xâm nhập có thể tiến triển thành vết loét màu đỏ, chảy mủ, kèm theo những vằn đỏ, kích thước phát triển tăng dần, sau đó là hoại tử.
Những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể biểu hiện các triệu chứng như sốt, rét run, tụt huyết áp nghiêm trọng đi kèm với sốc, và các tổn thương phỏng nước chứa mủ trên da.
Nếu gặp phải những dấu hiệu như vừa mô tả, hãy đi cấp cứu ngay lập tức.
7. Nhiễm Vibrio vulnificus được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Bên cạnh việc khai thác bệnh sử và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu, vết thương hoặc xét nghiệm phân để có chẩn đoán xác định. Tuy nhiên nhiễm Vibrio vulnificus sẽ gây ra bệnh lí rất cấp tính, do đó việc điều trị thường sẽ được tiến hành ngay lập tức, trước khi có kết quả xét nghiệm xác nhận nhiễm khuẩn.
Quá trình điều trị sẽ diễn ra với nhiều phương pháp điều trị khác nhau được phối hợp tiến hành:
- Sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch: liều sử dụng để điều trị và thời gian sử dụng kháng sinh điều trị sẽ phụ thuộc vào từng loại kháng sinh.
- Làm sạch vết thương, loại bỏ phần mô hoại tử, trong những trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật cắt cụt chi để ngăn chặn nhiễm khuẩn lan tràn.
- Các phương pháp điều trị khác tùy trường hợp bệnh cảnh cụ thể.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com