Ngày nay tắc nghẽn đường tiết niệu là một trong những nguy cơ gây ra làm cho cơ thể chúng ta tổn thương tại thận dẫn đến nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến cơ thể.
1. Định nghĩa: Tắc nghẽn đường tiết niệu
Tắc nghẽn đường tiết niệu là tình trạng nước tiểu không thể chảy (ở một bên hay cả hai bên) niệu quản nên thay vì chảy từ thận vào bàng quang, dòng nước tiểu lại chảy ngược trở lại về thận và có thể gây tổn thương ở một hoặc cả hai bên thận.
Tình trạng tắc nghẽn đường niệu có thể gây sưng và tổn thương ở một hoặc cả hai bên thận. Nam nữ ở mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc căn bệnh này. Tắc nghẽn đường niệu còn có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với thai nhi vẫn đang trong bụng mẹ.
2. Nguyên nhân tắc nghẽn đường tiết niệu
Tắc nghẽn đường niệu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhan gây tắc nghẽn đường tiết niệu do tình trạng nén ép do ứ nước tiểu tại thận có thể gây tổn thương thận và ống niệu quản.
Tắc nghẽn đường niệu tạm thời hay vĩnh viễn tại niệu quản có thể do:
- Các chấn thương như gãy xương chậu
- Khối u di căn tới thận, bàng quang, tử cung hay đại tràng
- Các bệnh tại đường tiêu hóa
- Sỏi niệu quản
- Hình thành cục máu đông
Các rối loạn hệ thần kinh trung ương cũng có thể gây tắc đường tiết niệu, xảy ra khi các dây thần kinh chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động của bàng quang không thực hiện được đúng chức năng của mình. Việc sử dụng các loại thuốc tác động lên thần kinh để kiểm soát tình trạng bàng quang tăng hoạt động quá mức cũng có thể gây tắc nghẽn đường niệu trong một số trường hợp.
Ở nam giới, tắc nghẽn đường niệu có thể là hậu quả của phì đại tuyến tiền liệt. Phụ nữ mang thai cũng có thể gặp phải hiện tượng nước tiểu chảy ngược lại về thận do áp lực từ phía tử cung ép lên bàng quang. Tuy nhiên, tắc đường tiết niệu ở phụ nữ mang thai tương đối hiếm gặp.
3. Triệu chứng tắc nghẽn đường tiết niệu
Tình trạng tắc nghẽn đường niệu có thể xảy ra rất nhanh (cấp tính) hoặc diễn biến từ từ (mãn tính). Bạn thường cảm thấy đau ở phần giữa lưng ở một hoặc cả hai bên thận.
Mức độ và vị trí đau khác nhau tùy từng đối tượng và cũng phụ thuộc nếu chỉ một hoặc cả hai bên thận đều bị ảnh hưởng. Sốt, buồn nôn và nôn mửa cũng là các triệu chứng phổ biến của tắc nghẽn đường niệu. Thận có thể bị sưng phù và đau khi dòng nước tiểu chảy ngược trở lại thận.
Sự thay đổi thói quen tiểu tiện có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị tắc nghẽn niệu quản. Các triệu chứng biểu hiện như:
- Tiểu khó
- Dòng tiểu chảy chậm, chảy rò rỉ, nhỏ giọt
- Cảm giác lúc nào cũng buồn tiểu, nhất là ban đêm
- Cảm thấy bàng quang lúc nào cũng đầy
- Giảm lượng nước tiểu đào thải ra ngoài
- Có máu trong nước tiểu
Trường hợp chỉ một bên thận bị ảnh hưởng thì lượng nước tiểu đào thải chỉ giảm đi. Nếu cả hai bên thận đều bị tắc nghẽn, lượng nước tiểu đào thải sẽ giảm nghiêm trọng.
Biểu hiện cận lâm sàng:
- Các xét nghiệm có thể thấy tăng BUN và creatinin; nếu tắc nghẽn đủ lâu, có thể có bằng chứng của bệnh ống-kẽ (tăng kali máu, nhiễm toan chuyển hóa không có khoảng trống anion, tăng nhẹ natri máu).
- Phân tích nước tiểu hầu như lành tính hoặc có một ít các tế bào; protein niệu nặng hiếm khi có. Một hòn sỏi gây tắc có thể thấy trên siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc với lát cắt 5mm.
4. Các triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu trong bào thai
Tắc nghẽn đường tiểu hoàn toàn có thể xảy ra đối với thai nhi trong bụng mẹ. Một trong những dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu ở bào thai là lượng nước ối trong tử cung thấp hơn mức bình thường.
Nước tiểu là một trong những thành phần của dịch ối. Thai nhi bị tắc nghẽn đường tiết niệu sẽ không thể đào thải nước tiểu ra ngoài cơ thể dẫn tới giảm thể tích nước ối. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thai nhi.
5. Chẩn đoán tắc nghẽn đường tiết niệu
Phương pháp siêu âm có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng tắc nghẽn đường niệu. Siêu âm có thể được dùng để đánh giá mức độ ứ nước và sự toàn vẹn của nhu mô thận; chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp đường tiết niệu qua đường tĩnh mạch có thể được dùng để xác định vị trí tắc. Giãn đài thận là thường thấy; có thể không thấy khi tắc tối cấp, tắc ở phần phía trên bởi u hoặc xơ hóa sau phúc mạc, hoặc do giữ sỏi san hô.
Hình ảnh của xơ hóa sau phúc mạc với viêm quanh động mạch cho thấy vùng quanh động mạch, khối bọc mặt sau và mặt bên của động mạch chủ giao nhau. Kích thước thận có thể chỉ ra thời gian tắc nghẽn. Cần lưu ý rằng tắc một bên có thể kéo dài và nghiêm trọng (cuối cùng dẫn đến mất chức năng thận ở bên thận bị tắc), không có dấu hiệu bất thường khi thăm khám và xét nghiệm.
6. Điều trị tắc nghẽn đường tiết niệu
Mục tiêu điều trị là làm thông vị trí tắc tại niệu quản để nước tiểu có thể chảy bình thường.
- Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ loại bỏ các yếu tố gây tắc nghẽn như khối u, polyp hay mô sẹo hình thành trong và xung quanh niệu quản để nước tiểu có thể chảy trở lại vào bàng quang.
- Đặt stent: Một phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn là đặt một ống stent trong niệu quản hay thận bị tắc nghẽn. Stent niệu quản là một dây catheter được đặt bên trong niệu quản để dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, có thể đặt qua da hay qua ngã soi bàng quang. Stent giúp niệu quản được thông và cho phép nước tiểu thoát lưu. Phương pháp này có thể được áp dụng trong trường hợp niệu quản trở nên quá hẹp do hình thành mô sẹo hoặc do nguyên nhân khác.
Ngoài đặt stent niệu quản, bệnh nhân xơ hóa sau phúc mạc tư phát thường được điều trị với thuốc ức chế miễn dịch (Prednison, Mycophenolate mofetil, và/hoặc Tamoxifen).
- Điều trị tắc nghẽn niệu quản cho thai nhi: Bác sĩ có thể đặt một ống nối hay hệ thống dẫn lưu nước tiểu trong bàng quang của bào thai. Ống nối sẽ đưa nước tiểu vào túi ối. Việc điều trị thường được thực hiện khi thận của thai nhi có dấu hiệu bị tổn thương không hồi phục. Thông thường, bác sĩ sẽ điều trị để phục hồi chức năng thận và làm thông niệu quản sau khi trẻ ra đời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.