Hội chứng sau kỳ kinh nguyệt vẫn là thuật ngữ mới mẻ trong giới y khoa. Tên gọi này bắt nguồn từ một loại các triệu chứng về tâm lý và thể chất xảy ra sau khi sạch kinh nguyệt.
1. Hội chứng sau kỳ kinh nguyệt là gì?
Hội chứng sau kỳ kinh nguyệt là một thuật ngữ dùng để mô tả các triệu chứng phát sinh sau khi hết kinh nguyệt. Chúng có thể bao gồm từ các triệu chứng thể chất như đau đầu đến các triệu chứng về cảm xúc như trạng thái lo lắng.
Mặc dù hội chứng sau kỳ kinh nguyệt có các triệu chứng tương tự như tiền kinh nguyệt PMS, nhưng giữa chúng tồn tại điểm khác nhau. Đối với hội chứng sau kỳ kinh nguyệt, các triệu chứng luôn xảy ra sau khi đã hết kinh nguyệt nhưng với PMS thì luôn xảy ra trước kỳ kinh nguyệt một khoảng thời gian. Các biểu hiện về tâm lý của hội chứng sau kỳ kinh nguyệt cũng dữ dội hơn so với PMS.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng sau kỳ kinh nguyệt
Hội chứng sau kỳ kinh nguyệt có thể xảy ra bởi các nguyên nhân sau:
- Mất cân bằng nội tiết tố: Sự gia tăng nồng độ hormone, bao gồm cả estrogen và testosterone có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng sau kỳ kinh nguyệt. Khác với PMS, thường xảy ra do giảm nồng độ progesterone. Tuy nhiên, sự gia tăng nội tiết tố này xảy ra trong các chu kỳ không rụng trứng và cần thêm các nghiên cứu để chứng minh.
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn nhiều đường với nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể gây tăng lượng đường trong máu, khiến cơ thể chịu nhiều stress oxy hóa hơn.
- Tình trạng bệnh lý: Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), kháng insulin. Insulin là một yếu tố quan trọng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động các loại hormone khác như estrogen, progesterone và testosterone.
- Cấy que tránh thai
3. Triệu chứng của hội chứng sau kỳ kinh nguyệt
Triệu chứng của hội chứng sau kỳ kinh nguyệt được chia thành 2 dạng là thể chất và tinh thần. Trong đó, các triệu chứng về tinh thần xảy ra phổ biến hơn các triệu chứng về thể chất.
Một số biểu hiện về tinh thần thường gặp trong hội chứng sau kỳ kinh nguyệt gồm có thay đổi tâm trạng, lo lắng, thường xuyên cáu gắt, tức giận hoặc dễ chảy nước mắt.
Một số trường hợp nghiêm trọng có thể có biểu hiện chán nản, khó ngủ, khó tập trung và các vấn đề trong việc phối hợp các hoạt động.
Biểu hiện về thể chất thường gặp trong hội chứng sau kỳ kinh nguyệt là đau, chủ yếu là đau vùng dạ dày, khớp, lưng và cổ, hoặc đau đầu và đau khi quan hệ tình dục. Cảm giác khó chịu ở âm đạo cũng có thể xảy ra, bao gồm khô, ngứa hoặc rát.
Ngoài ra, bạn còn có thể bị đau bụng, đau bụng sau khi sạch kinh nguyệt có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh lý tiềm ẩn khác như lạc nội mạc tử cung.
4. Hội chứng sau kỳ kinh nguyệt kéo dài bao lâu?
Thông thường, các triệu chứng của hội chứng sau kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài trong vài ngày. Trong một số trường hợp, nó có thể kéo dài đến 2 tuần sau khi hết kinh nguyệt.
5. Làm gì để giảm triệu chứng của hội chứng sau kỳ kinh nguyệt?
Các biện pháp làm giảm triệu chứng hội chứng sau kỳ kinh nguyệt có thể được thực hiện tương tự như với hội chứng tiền kinh nguyệt. Một số biện pháp tham khảo gồm:
- Cố gắng kiểm soát tình trạng căng thẳng, đảm bảo ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.
- Dành thời gian để chăm sóc bản thân tốt hơn bằng cách sử dụng các loại tinh dầu và các kỹ thuật thư giãn như yoga hoặc massage.
- Thực hiện và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh. Bạn nên hạn chế tiêu thụ muối và caffein, ăn nhiều trái cây, rau, cá và ngũ cốc nguyên hạt.
- Uống các loại thực phẩm chức năng. Nồng độ sắt giảm tự nhiên sau chu kỳ kinh nguyệt và dù chỉ giảm một chút cũng có thể gây đau nhức cơ thể, mệt mỏi, cáu kỉnh. Do đó, bạn nên kiểm tra mức độ sắt trong cơ thể và tăng cường bổ sung sắt bằng thực phẩm bổ sung sắt hàng ngày hoặc qua các loại thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, động vật có vỏ và các loại đậu. Ngoài ra, vitamin B-complex và vitamin E để giúp giảm mệt mỏi và đầy hơi. Magie được tìm thấy trong các loại thực phẩm như sô cô la đen, quả hạch, hạt và quả bơ có thể giúp điều trị các triệu chứng về tâm lý.
6. Điều trị hội chứng sau kỳ kinh nguyệt
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào cho hội chứng sau kỳ kinh nguyệt. Chỉ tồn tại các biện pháp để làm giảm các triệu chứng cụ thể, ví dụ như:
- Liệu pháp hành vi nhận thức
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc tránh thai nội tiết ngăn rụng trứng cũng có thể giúp kiểm soát tâm trạng và giảm bớt một số cơn đau.
Một bác sĩ sẽ điều tra xem một tình trạng tiềm ẩn như PCOS, có thể gây ra các triệu chứng sau kỳ kinh nguyệt hay không.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể đưa ra các chỉ định xét nghiệm nếu nghi ngờ một bệnh lý nào đó là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của hội chứng sau kỳ kinh nguyệt. Sau đó, các bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc và liệu pháp khác dựa trên chẩn đoán này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com